|
Thành Phố Cần Thơ đã có những bước đột phá trong 20 năm xây dựng và phát triển. (Ảnh: Như Tâm) |
Nhìn lại năm 2009, năm dấu mốc quan trọng đối với Cần Thơ, Thành phố đã hoàn thành mục tiêu đầu tiên trong hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2009. Theo đó, Thành phố đã tận dụng nhiều nguồn lực để đầu tư hoàn thiện hạ tầng kinh tế - xã hội hướng tới trở thành đô thị đáng sống của vùng ĐBSCL.
Giai đoạn 2020 - 2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2020 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Cần Thơ...,
Những quyết sách quan trọng này, đã khẳng định quan điểm của Đảng về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của thành phố Cần Thơ đối với vùng ĐBSCL và cả nước; giúp đổi mới tư duy và tạo sự thống nhất trong tư tưởng và nhận thức của cả hệ thống chính trị, động viên Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; là sức mạnh tổng hợp, mở đường cho việc đưa ra những khâu đột phá, những chương trình trọng điểm, những giải pháp mới và thu hút nguồn lực, cả vật chất và tinh thần.
Nét nổi bật đầu tiên đó là, tăng trưởng kinh tế duy trì tốc độ tăng mức khá, tổng sản phẩm trên địa bàn giai đoạn 2004 - 2010 (GDP - giá so sánh 1994) tăng bình quân 15,18%/năm; tổng sản phẩm trên địa bàn GRDP giai đoạn 2011 - ước năm 2023 tăng bình quân 5,64%. Quy mô nền kinh tế tiếp tục được mở rộng, hàng năm đóng góp khoảng 1,2% GDP cả nước và khoảng 9,5% GRDP của vùng ĐBSCL. Tổng sản phẩm bình quân đầu người (GRDP/người) ước năm 2023 đạt 94,74 triệu đồng, gấp 9,2 lần so năm 2004.
Thành phố đã cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút sự tham gia đầu tư, sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế trên địa bàn. Phát triển doanh nghiệp có nhiều chuyển biến tích cực: trong giai đoạn 2004 - 2023, ước cấp mới đăng ký doanh nghiệp cho 22.445 doanh nghiệp các loại hình với tổng vốn đăng ký 153.012 tỷ đồng. Thực hiện cấp mới 125 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 2.706 triệu USD.
Bên cạnh đó, kết quả phát triển các ngành, lĩnh vực có nhiều tiến bộ, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, giá trị gia tăng; tăng dần tỷ trọng các ngành chế tạo, chế biến có hàm lượng công nghệ cao, kỹ thuật tiến bộ, có lợi thế cạnh tranh. Thương mại - dịch vụ phát triển nhanh, đa dạng, giữ vai trò chủ lực trong cơ cấu GRDP, từng bước tạo lập vai trò trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long; trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ở Cần Thơ luôn đứng đầu khu vực ĐBSCL; cơ sở hạ tầng và sản phẩm du lịch không ngừng được đầu tư xây dựng, nâng cấp và ngày càng phát triển hoàn thiện, đồng bộ với thế mạnh sản phẩm du lịch đặc thù là sinh thái sông nước đô thị, du lịch gắn với các di tích lịch sử, văn hóa và du lịch MICE…, góp phần đưa hình ảnh, đất nước, văn hóa, con người Việt Nam nói chung và vùng đất, con người Cần Thơ nói riêng đến với bạn bè quốc tế.
Thành phố Cần Thơ cũng đã cụ thể hóa các chính sách, phát huy hiệu quả trong đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, tập trung nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư, tạo động lực cho phát triển thành phố và vùng ĐBSCL. Chú trọng công tác quy hoạch, phát triển đô thị, đất đai, xây dựng nông thôn mới…
|
Chợ nổi Cần Thơ, nét văn hóa đặc sắc thu hút du khách trong và ngoài nước đến với TP Cần Thơ thời gian qua. (Ảnh: Minh Đức) |
Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn Thành phố Cần Thơ đã trở thành phong trào sôi nổi ở nông thôn, gắn kết với đô thị, nhiều hoạt động đi vào thực chất, thu hẹp dần chênh lệch mức sống giữa đô thị và nông thôn. Kết quả thực hiện Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới đến cuối năm 2020 có 36/36 xã và 04/04 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Ước đến cuối năm 2023, thành phố có 31/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 04/36 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thành phố thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, ước năm 2023, số hộ nghèo giảm còn 1.178 hộ, chiếm 0,32% tổng số hộ; đây là mức thấp nhất vùng ĐBSCL và thấp hơn nhiều so với mức trung bình toàn quốc.
Trong 20 năm qua, Thành phố Cần Thơ cũng đã đẩy mạnh việc tăng cường các hoạt động liên kết hợp tác, xúc tiến đầu tư nước ngoài, triển khai đa dạng, chủ động, linh hoạt và đạt hiệu quả cao, đi vào chiều sâu. Cải cách hành chính đạt nhiều kết quả nổi bật, triển khai được nhiều mô hình hay, cách làm mới; công tác tư pháp, giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, ổn định. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn luôn được đảm bảo.
Thành phố Cần Thơ sẽ tổ chức triển khai các hoạt động chào mừng, kỷ niệm nhằm khẳng định và tôn vinh những thành tựu của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thành phố Cần Thơ đã đạt được trong 20 năm xây dựng và phát triển; đồng thời, phát động các phong trào thi đua tạo không khí vui tươi, phấn khởi lập thành tích chào mừng sự kiện này.
Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ, ngày 31-12-2023 tại Sân vận động Cần Thơ. Lễ kỷ niệm gồm phần nghi lễ, chương trình nghệ thuật đặc biệt với chủ đề “Hương sắc Tây Đô". Sau chương trình nghệ thuật, pháo hoa tầm cao chào mừng lễ kỷ niệm và phục vụ Nhân dân đón chào năm mới.
Có 25 hoạt động chính chào mừng sự kiện này, nổi bật có Hội chợ, triển lãm “Thành phố Cần Thơ - 20 năm thành tựu và phát triển” (từ ngày 2 đến 6/11), Hội chợ Du lịch quốc tế VITM Cần Thơ (từ ngày 1 đến 3-12), Chương trình tôn vinh, biểu dương 100 gương điển hình, tiêu biểu và hành trình về nguồn, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; trang trí đường đèn nghệ thuật; tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật như Cuộc thi cải lương Mộc Quán - Nguyễn Trọng Quyền, Cuộc thi Người đẹp Tây Đô...
|