Ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi là một trong những nhiệm vụ thường trực (Ảnh: BT)
Theo Trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi (Cục Chăn nuôi) Chu Đình Khu, trước tình hình sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ngày càng gia tăng và diễn biến phức tạp, Chính phủ và các bộ, ngành đã cùng phối hợp thực hiện các đợt cao điểm, tập trung kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi từ 20/10/2015. Qua các đợt triển khai cao điểm về kiểm soát chất cấm đã có tác dụng tích cực, góp phần giảm thiểu rõ rệt tỷ lệ các mẫu dương tính với chất cấm trong chăn nuôi.
Cụ thể, trong năm 2015, đã phát hiện trong các cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và trong các cơ sở chăn nuôi trang trại lớn nhiều vụ việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Điển hình trong 10 tháng năm 2015, tại tỉnh Đồng Nai đã phát hiện 109/654 mẫu nước tiểu lợn dương tính với chất Salbutamol (chiếm 16,7%), tại TP. Hồ Chí Minh phát hiện 95/516 mẫu (chiếm 18,4%), Tiền Giang 35/525, chiếm 6,7% và Vĩnh Long 6/68 mẫu (chiếm 8,8%).
Tuy nhiên, sang các tháng 3-5 năm 2016, không phát hiện thấy cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi có chất cấm; với thức ăn trong trang trại tự trộn có 4/286 mẫu, chiếm 1,4%; nước tiểu 63/2.837 mẫu, chiếm 2,2%. Các tỉnh phía Bắc có 29/702 mẫu nước tiểu, chiếm 4,1% dương tính với chất cấm; miền Trung có 16/687 mẫu nước tiểu, chiếm 2,3%. Ở phía Nam đã có chuyển biến, số lượng các mẫu nước tiểu dương tính 18/1.478 (chiếm 1,2%). Theo Cục Chăn nuôi, đến tháng 6 và tháng 7/2016 không còn phát hiện mẫu nước tiểu dương tính với chất cấm.
Từ những kết quả trên cho thấy, vấn đề sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đã được kiểm soát tốt hơn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không vì thế mà chủ quan, bởi việc kiểm soát chất cấm vẫn là bài toán thường trực của ngành chăn nuôi. Nguy cơ bùng phát trở lại sử dụng chất cấm là điều có thể xảy ra, bởi chất cấm trong chăn nuôi không chỉ có Salbutamol, Vàng O mà còn nhiều chất khác. Mặt khác, số lượng người tham gia chăn nuôi của nước ta còn nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhận thức và khả năng đáp ứng với yêu cầu của chăn nuôi an toàn sinh học còn nhiều bất cập. Đồng thời, có thể thấy công tác triển khai ngăn chặn việc sử dụng chất cấm hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Theo Trưởng phòng Thức ăn chăn nuôi Chu Đình Khu, hiện nay, việc tổ chức triển khai kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi còn thiếu đồng bộ, mới chỉ tập trung mạnh ở các cơ quan Trung ương và một số địa phương trọng điểm. Nhiều địa phương chưa thực sự coi trọng công tác này và chỉ làm mang tính hình thức, đối phó theo kiểu phong trào.
Cùng với đó, công tác triển khai kiểm soát cũng như hoạt động tuyên truyền còn tập trung chủ yếu vào việc truy xuất, tố giác, xử phạt mà chưa quan tâm đúng mức đến việc hướng dẫn, khuyến cáo phát triển các mô hình và địa chỉ chăn nuôi, cung ứng thực phẩm chất lượng, an toàn nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng và động lực tích cực cho người sản xuất. Việc kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm nông sản nói chung và chăn nuôi nói riêng là vấn đề lớn và phức tạp, đòi hỏi có sự chung tay, góp sức nhiều hơn của cộng đồng, tuy nhiên nguồn lực đầu tư cho công tác này vẫn còn rất thấp.
Vì vậy, để tiếp tục thực hiện quyết liệt việc ngăn chặn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, theo Trưởng phòng Thức ăn Chăn nuôi Chu Đình Khu, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm (ATTP) của Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương tăng cường và duy trì hoạt động kiểm soát chất lượng về ATTP, nhất là chất cấm trong chăn nuôi ở cấp độ cao. Trong đó, cần làm rõ trách nhiệm của những người đứng đầu các bộ, ngành liên quan và các địa phương. Các Bộ NN&PTNT, Y tế, Công Thương và Công an cần tăng cường hơn nữa trong việc phối hợp triển khai, duy trì chế độ giao ban hàng tháng. Bộ Y tế chủ trì, rà soát điều chỉnh các giới hạn về hóa chất kháng sinh trong thực phẩm phù hợp với các quy định quốc tế nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ người sản xuất trong nước, nhất là nông dân. Các địa phương cần duy trì hoạt động kiểm soát chất cấm trong chăn nuôi ở tất cả các khâu, từ sản xuất kinh doanh thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, giai đoạn vỗ béo và giai đoạn giết mổ gia súc, gia cầm. Ngoài kiểm tra Salbutamol, Vàng O, cần kiểm tra tồn dư kháng sinh trong sản phẩm chăn nuôi.
Đồng thời, công tác tuyên truyền, phổ biến mạnh mẽ về tác hại của việc sử dụng chất cấm và những quy định của pháp luật liên quan cần được đẩy mạnh, nhất là hình thức xử lý hành vi vi phạm sử dụng chất cấm theo luật định để người dân và người sản xuất hiểu rõ và nghiêm chỉnh chấp hành. Tăng cường công tác tuyên truyền và khuyến khích phát triển mô hình chăn nuôi theo chuỗi khép kín có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ chăn nuôi và công nhận các mô hình cơ sở chăn nuôi VietGAP; khuyến khích chăn nuôi nói không với chất cấm.
Ngoài ra, cần duy trì đường dây nóng để nhân dân phát giác các vi phạm, tổ chức thường xuyên các đoàn thanh tra đột xuất các cơ sở sản xuất kinh doanh chăn nuôi, thú y, giết mổ có nghi vấn trên địa bàn. Xử lý nghiêm và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng những tổ chức, cá nhân vi phạm. Đồng thời, Sở NN&PTNT cần duy trì chế độ giao ban liên ngành hoặc Ban Chỉ đạo hàng tháng nhằm kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện và kết quả hoạt động giám sát chất lượng vật tư an toàn thực phẩm, trọng tâm là kiểm soát các chất cấm./.