Mấy năm nay, 3 ha cam của gia đình chị Vũ Thị Lợi (Bí thư chi bộ thôn Thiên Tuế) cho thu hoạch bình quân 50 tấn quả/năm. Trừ chi phí sản xuất và sinh hoạt, mỗi năm gia đình tích lũy được khoảng 500 triệu đồng. (Ảnh: Vũ Lợi).
Trồng cam – hướng làm giàu của nông dân
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, theo chân những chiến sĩ bộ đội hạ sao ở lại cùng bà con từ miền xuôi lên xây dựng kinh tế mới, cây chè cũng bắt đầu có mặt trên mảnh đất rừng màu mỡ ở 9 xã, thị trấn vùng ngoài của huyện Văn Chấn (Yên Bái). Trải qua khoảng nửa thế kỷ gắn bó và góp phần không nhỏ nâng cao đời sống cho hàng ngàn hộ dân, đến những năm 2002 – 2003, do nhiều yếu tố tác động, hiệu quả kinh tế từ cây chè mang lại thấp dần. Bà con nhân dân nhiều xã vùng ngoài huyện Văn Chấn đã chuyển đổi diện tích trồng chè tại vườn và các khu đất chè nông trường giao kém hiệu quả dần sang trồng cam, quýt.
Nhận thấy rõ hiệu quả từ trồng cam, quýt đem lại thu nhập cao gấp 3 đến 5 lần so với trồng chè, lãnh đạo thị trấn Nông trường Trần Phú đã “xé rào” ủng hộ người dân từng bước chuyển đổi, đồng thời báo cáo lãnh đạo huyện và cũng được huyện ủng hộ, bởi khi ấy đất chè của bà con đang thuộc doanh nghiệp quản lý – ông Đỗ Anh Thiện, Chủ tịch UBND Thị trấn Nông trường Trần Phú hào hứng kể lại.
Cuối năm 2013, sau khi khảo sát đời sống của bà con làm chè so với trồng cam, ông Hồ Đức Hợp khi đó mới vừa nhậm chức Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn được vài tháng đã đề nghị UBND tỉnh Yên Bái giao toàn bộ diện tích đất chè ở 9 xã, thị trấn vùng ngoài thuộc doanh nghiệp về huyện quản lý, tạo cơ sở pháp lý để khuyến khích bà con nhanh chóng chuyển đổi đất chè sang trồng cam, quýt cho hiệu quả kinh tế cao hơn rõ rệt so với trồng chè.
Nhờ tư tưởng mạnh dạn chuyển đổi của bà con, và “bật đèn xanh” kịp thời của cán bộ lãnh đạo địa phương, đến nay huyện Văn Chấn đã có vùng cam, quýt hàng hóa diện tích 1.045 ha, trong đó 633 ha đang cho thu hoạch với sản lượng từ 10 – 15 tấn/ha, doanh thu 200 – 250 triệu đồng/ha, trong khi cây chè chỉ cho doanh thu từ 30 – 50 triệu đồng/ha.
Thị trấn Nông trường Trần Phú và xã Thượng Bằng La là hai địa phương có diện tích và sản lượng vượt trội, chiếm từ 60 – 70% các chỉ tiêu về diện tích cũng như sản lượng của cả 9 xã, thị trấn gộp lại.
Lãnh đạo huyện Văn Chấn thăm các hộ trồng cam. (Ảnh: Vũ Lợi)
Chúng tôi đến thăm hộ gia đình trẻ Phạm Văn Hoàng 34 tuổi, thuộc tổ 7 Thị trấn Nông trường Trần Phú khi cả hai vợ chồng đang tất bật với các công việc chăm sóc 3 khu đồi trồng cam đang chuẩn bị đến mùa thu hái, gửi lại con nhỏ mới hơn 2 tháng tuổi ở nhà cho bà nội trông nom.
Sức trẻ, tháo vát và giỏi canh tác là tố chất dễ nhận thấy ở đôi vợ chồng trẻ, do vậy chỉ với hơn 2 ha nhưng 3 năm trở lại đây năm nào gia đình anh cũng thu được từ 35 đến 40 tấn cam các loại, trong đó chủ yếu là cam đường canh, cam Vinh lòng vàng, cam sành có giá trị kinh tế cao; cho doanh thu 800 – 900 triệu đồng/năm.
Từ nguồn thu nhập này, gia đình anh đã đầu tư mua tiếp 5 ha đất đồi ở xã Thượng Bằng La, trồng 3.000 gốc cam, năm nay cho quả bói dự kiến hái được 10 tấn trị giá 200 triệu đồng; đồng thời mua mảnh đất mặt đường quốc lộ 32 và đang hoàn thiện ngôi nhà 2 tầng 300 m2 sàn trị giá hơn 1 tỷ đồng.
Nhãn hiệu “Cam Văn Chấn” và vùng cam, quýt hàng hóa tập trung chất lượng cao
Theo ông Đỗ Anh Thiện (Chủ tịch UBND Thị trấn Trần Phú), cây cam đã giúp cho hàng trăm hộ gia đình trở nên khá giả, sung túc; trong đó có khoảng 300 hộ có thu nhập từ 300 – 500 triệu đồng/năm, trên chục hộ có thu nhập bình quân hàng năm ngót ngét 1 tỷ và trên 1 tỷ đồng/năm, tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Văn Mạnh, Phạm Văn Hoàng, Đào Đình Cường (tổ 7), hộ ông Nguyễn Chí Thống, Đinh Văn Dũng, Trịnh Lương Bằng, Nguyễn Văn Thông (tổ 8)…
Ở xã Thượng Bằng La cũng có gần chục hộ thu nhập từ 700 – 1 tỷ đồng/năm từ cam như hộ bà Vũ Thị Lợi, ông Trần Ngọc Bích, Hà Văn Dế, Đỗ Xuân Việt (thôn Thiên Tuế), Nguyễn Văn Việt (thôn Thắm); đặc biệt có hộ thanh niên trẻ chưa lập gia đình riêng Trần Văn Hiển (thôn Văn Tiên 3) thu nhập từ cam mấy năm gần đây đều hơn 1 tỷ đồng mỗi năm.
Nhãn hiệu “Cam Văn Chấn” đang được tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. (Ảnh: Phạm Quỳnh).
Qua thực tế canh tác cho thấy cây cam, quýt phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của huyện Văn Chấn, diện tích cam quýt không ngừng tăng lên và hàng năm có tới hàng trăm tấn cam, quýt được bán ra thị trường. Tuy nhiên hiệu quả đạt được chưa được như mong muốn, do hình thức mẫu mã quả chưa đáp ứng được thị hiếu ngày càng cao của người tiêu dùng, thị trường tiêu thụ bấp bênh phụ thuộc chủ yếu vào các thương lái, chưa xây dựng được nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa, chưa tìm được doanh nghiệp đầu tư bao tiêu sản phẩm ổn định tạo thành chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ.
Để sản phẩm cam quýt Văn Chấn có giá trị kinh tế cao hơn và đứng vững trên thị trường, huyện Văn Chấn đã triển khai thực hiện đề án "Phát triển vùng cam quýt các xã, thị trấn vùng ngoài của huyện Văn Chấn giai đoạn 2016 - 2020". Theo đó, đến năm 2020 huyện Văn Chấn sẽ có vùng cam, quýt hàng hóa tập trung bền vững về mặt sinh học, có năng suất chất lượng cao, với diện tích 2.500 ha và đạt sản lượng từ 15 đến 20 nghìn tấn; cơ cấu diện tích sản xuất cam theo hướng dải vụ thu hoạch: 20% diện tích cam chín sớm, 55% diện tích cam chín chính vụ và 25% diện tích cam chín muộn.
Với 1.455 ha được tiến hành trồng mới trên diện tích đất vườn tạp, diện tích đất chè già cỗi kém hiệu quả và đất vườn rừng, huyện Văn Chấn đã xây dựng cơ chế hỗ trợ, khuyến khích bà con tham gia trồng mới về kinh phí, tiến bộ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm. Đề án là cơ hội tốt để khoảng 2.000 lao động nông thôn có việc làm ổn định, nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích, mở ra hướng phát triển kinh tế và làm giàu cho bà con nông dân có đất trồng cam trong huyện.
Ngày 3/12 tới đây, UBND huyện Văn Chấn sẽ tổ chức Lễ công bố và đón nhận Nhãn hiệu tập thể “Cam Văn Chấn” cho sản phẩm cam quả của huyện Văn Chấn. Đây tin vui làm nức lòng hàng ngàn hộ dân trồng cam huyện Văn Chấn./.
Nhãn hiệu “Cam Văn Chấn” và vùng cam, quýt hàng hóa tập trung chất lượng cao
Nhãn hiệu “Cam Văn Chấn” và vùng cam, quýt hàng hóa tập trung chất lượng cao