Chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng trong các chính sách giảm nghèo

* Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2022 ngày 4/10/2002 của Chính phủ
Thứ năm, 29/12/2022 17:08
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Qua 20 năm triển khai, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78/2002 của Chính phủ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật; huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn lớn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng. Đến 30/11/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chinh sách xã hội đạt gần 300 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 41,9 lần so với năm 2002.

Sáng 29/12, Văn phòng Chính phủ chủ trì tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2022 ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, kiêm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH).

Tín dụng chính sách góp phần hiệu quả vào công cuộc giảm nghèo đa chiều một cách bền vững, toàn diện và hiệu quả (Ảnh: VBSP) 

Vốn tín dụng chính sách xã hội đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên cả nước. Với những giải pháp đồng bộ, hiệu quả, NHCSXH đã tập trung huy động được nguồn lực lớn để cho vay, đảm bảo hoàn thành 100% chỉ tiêu, tạo điều kiện giúp trên 42,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác được vay vốn với doanh số cho vay trên 830 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, sau 8 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, có thể khẳng định, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống; là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực.

Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Thị Hồng khẳng định, trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội, hạn chế phân hóa giàu nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, coi đây vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển bền vững đất nước; thể hiện đặc trưng cơ bản, thuộc tính quan trọng của định hướng xã hội chủ nghĩa trong kinh tế thị trường ở Việt Nam là gắn kinh tế với xã hội, thống nhất chính sách kinh tế với chính sách xã hội, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển.

Thống đốc NHNN Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Thị Hồng  (Ảnh: VBSP) 

Báo cáo nhanh tại Hội nghị, ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam thông tin, đến 30/11/2022, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 280 nghìn tỷ đồng với gần 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách đang còn dư nợ. Trong tổng dư nợ tín dụng chính sách xã hội, dư nợ cho vay các xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là 99.810 tỷ đồng, chiếm 35,7%, với gần 2,2 triệu khách hàng còn dư nợ; dư nợ cho vay tại huyện nghèo là 30.494 tỷ đồng, chiếm 10,9%, với gần 590 nghìn khách hàng còn dư nợ; dư nợ đối với khách hàng là đồng bào dân tộc thiểu số là 69.175 tỷ đồng, chiếm 24,7% với trên 1,4 triệu khách hàng còn dư nợ.

Cũng theo Tổng giám đốc Dương Quyết Thắng, ngoài chính sách cho vay vốn hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế, tạo việc làm, tăng thu nhập, còn có các chính sách cho vay vốn để giải quyết một phần nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống gắn với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, để giảm nghèo, tín dụng chính sách còn hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với doanh số cho vay gần 18 nghìn tỷ đồng cho gần 280 nghìn lượt khách hàng. Chất lượng tín dụng chính sách xã hội luôn được duy trì, củng cố, nâng cao, đảm bảo mục tiêu bảo toàn, phát triển vốn cho Nhà nước. Tỷ lệ nợ quá hạn, nợ khoanh giảm từ 13,75%/tổng dư nợ (khi nhận bàn giao) xuống còn 0,67%/tổng dư nợ, trong đó nợ quá hạn chiếm 0,26%/tổng dư nợ (thời điểm 30/11/2022).

20 năm qua, nguồn vốn tín dụng chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động, hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên, xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 29,7 nghìn căn nhà ở xã hội, gần 2 nghìn doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1,2 triệu lượt người lao động... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước: giai đoạn 2001-2005 từ 17% xuống 7%; giai đoạn 2005-2010 từ 22% xuống 9,45%; giai đoạn 2011-2015 từ 14,2% xuống 4,25%; giai đoạn 2016-2021 từ 9,88% xuống 2,23%.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái (Ảnh: VBSP) 

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái biểu dương những kết quả đạt được của tín dụng chính sách trong 20 năm qua, đã tạo sinh kế hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo. “Chính sách tín dụng là một trụ cột quan trọng, điểm sáng trong các chính sách giảm nghèo, góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu trong cuộc sống cho người nghèo, đối tượng chính sách; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện tại các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững; hạn chế, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, tạo nguồn lực cho các địa phương” – Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương tích cực thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư; tập trung huy động nguồn lực để thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác...

“NHCSXH cần rà soát, đánh giá để đề xuất các sản phẩm tín dụng phù hợp theo hướng tăng định mức và mở rộng đối tượng được vay. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đối tượng vốn vay cần hướng đến các dự án sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn, sản phẩm được tạo ra theo chuỗi giá trị, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và thực hiện tốt an sinh xã hội”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Điểm cầu Hà Nội tại trung tâm Hội nghị quốc tế Lê Hồng Phong (Ảnh: HNV)

Có thể thấy, từ những kết quả đạt được sau 20 năm triển khai thực hiện, đặc biệt sau 8 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã thực sự đi vào cuộc sống; là chính sách được triển khai rộng rãi nhất, đáp ứng một lượng lớn nhu cầu vốn của hộ nghèo, tác động trực tiếp và mang lại hiệu quả thiết thực đồng thời là một “trụ cột” quan trọng, một “điểm sáng” trong các chính sách giảm nghèo; góp phần giải quyết một số vấn đề thiết yếu trong cuộc sống cho người nghèo, đối tượng chính sách; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện tại các vùng nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; góp phần phát triển kinh tế - xã hội và giảm nghèo bền vững; hạn chế, đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi; tạo nguồn lực cho các địa phương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, được nhân dân đồng tình ủng hộ, cộng đồng quốc tế đánh giá cao, góp phần đưa Việt Nam trở thành một hình mẫu về giảm nghèo trên thế giới.

Với những thành tích đạt được trong triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác trong 20 năm qua, NHCSXH đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều Danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý: Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2004; tặng Cờ thi đua của Chính phủ các năm 2006, 2008, 2010, 2011, 2014, 2015, 2016, 2017 và năm 2018; Chủ tịch nước tặng thưởng: Huân chương Độc lập hạng Ba năm 2008, hạng Nhì năm 2013; Huân chương Lao động hạng Nhì năm 2006, hạng Nhất năm 2017. Năm 2020, NHCSXH vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng Danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”. 

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực