Cho vay tiêu dùng đang gặp khó do nợ xấu tăng cao

Thứ ba, 31/10/2023 19:40
(ĐCSVN) - Đến thời điểm hiện tại, cho vay tiêu dùng từ các công ty tài chính đang được các chuyên gia đánh giá là phương án thay thế tối ưu giúp xóa bỏ vấn nạn tín dụng đen. Theo đó, hình thức cho vay này hội tụ đầy đủ những ưu thế về cách thức, đối tượng cho vay cũng như đảm bảo tính an toàn cho người đi vay. Tuy nhiên, đến nay hầu như các công ty tài chính đều gặp rất nhiều khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao.
 Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: M.P)

Ngày 31/10, VTVMoney - Đài Truyền hình Việt Nam đã tổ chức Hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen”. Hội thảo nhằm tìm giải pháp hỗ trợ thị trường tín dụng tiêu dùng phát triển lành mạnh, trở thành kênh cung cấp vốn cho các nhu cầu chính đáng của người dân, đặc biệt là người lao động thu nhập thấp.

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/7/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2022, chiếm 21,31% dư nợ nền kinh tế. Nếu so sánh với mức tăng 22% của cả năm 2022, thì con số 2,93% của 7 tháng năm nay là quá khiêm tốn. Số liệu trên cho thấy thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng phát triển khi nhu cầu vay vốn tiêu dùng của người dân là rất lớn. 

Có thể nói trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các công ty tài chính đã chấp hành nghiêm túc chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước tổ chức triển khai cho vay tiêu dùng đối với những đối tượng dưới chuẩn để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người lao động có thu nhập thấp nhằm hạn chế và từng bước đẩy lùi tín dụng đen. Tuy nhiên, đến nay hầu như các công ty tài chính đều gặp rất nhiều khó khăn do nợ xấu ngày càng tăng cao, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được. 

Ông Lê Quốc Ninh - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng nói, tín dụng tiêu dùng đang trong giai đoạn khó khăn nhất trong vòng hơn 15 năm qua. Dư nợ cho vay của nhóm công ty tài chính tiêu dùng tính tới cuối tháng 6/2023 giảm 10,2% so với thời điểm cuối năm 2022. Nợ xấu của nhóm công ty tài chính cũng tăng từ mức 10,7% cuối 2022 lên 12,5% cuối tháng 6/2023 - theo thống kê của Fiingroup.

“Tại Việt Nam có 16 công ty ty tài chính tiêu dùng được cấp phép, song giá trị tích cực mà các công ty này hướng đến đang bị pha loãng bởi hàng trăm công ty tín dụng đen”, ông Ninh nhấn mạnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng một số đối tượng lợi dụng việc cơ quan quản lý trấn áp tội phạm tín dụng đen và cố tình qui kết các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép là tổ chức tín dụng đen nên không trả nợ và thành lập hội bùng nợ trên zalo, facebook... nhưng không bị xử lý. Thực trạng đó dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được, thực tế dư nợ không tăng mà còn giảm. Hệ quả là tín dụng đen bắt đầu trỗi dậy, mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước tích cực triệt phá nhiều ổ nhóm tín dụng đen song diễn biến còn rất phức tạp dưới nhiều hình thức tinh vi nhất là trên môi trường mạng.

Theo Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn - Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), thời gian qua, lực lượng công an đã khởi tố 90 vụ án với hơn 400 bị can hoạt động tín dụng đen. Trong đó có nhiều băng nhóm hoạt động liên quan đến công nghệ cao, thậm chí có cả đối tượng là người nước ngoài vào Việt Nam thành lập các công ty rồi thuê nhân viên là người Việt Nam. Hoạt động tín dụng đen chủ yếu trên môi trường không gian mạng và cho vay với lãi suất lên đến hàng nghìn phần trăm/năm. Khoản vay có số tiền rất nhỏ nhưng cộng lãi suất với các khoản phí thì số tiền người vay phải trả rất lớn.

"Khi tham gia vay các app, thế chấp qua app, việc lộ lọt thông tin khiến các đối tượng nắm được để thực hiện các hành vi doạ dẫm, đòi nợ trái quy định của pháp luật là rất lớn. Vì vậy, chúng tôi khuyến cáo người dân cần tiếp cận tài chính qua các kênh chính thống” - ông Sơn cho biết. 

Về hình thức xử phạt, theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh, đã nợ là phải trả. Hành vi bùng nợ có thể xử phạt từ mức hành chính đến hình sự. Việc lập hội nhóm những người cố tình đưa thông tin sai lệch có thể bị xử lý, xử phạt hành chính. Nếu cố tình vi phạm, có thể xem xét yếu tố hình sự với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Như vậy, các quy định xử phạt với hành vi này đã có đầy đủ. 

Trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có nhấn mạnh tới việc phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng vay tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động "tín dụng đen". Trong đó, nhấn mạnh tới những nhiệm vụ cụ thể của từng Bộ, ngành để ngăn chặn hành vi cho vay, đòi nợ trái pháp luật, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội. Đồng thời, mở rộng các kênh cho vay chính thức, hợp pháp, giúp người dân tiếp cận nguồn vốn thuận lợi hơn.

Theo các chuyên gia tham dự Hội thảo, cần đẩy mạnh phát triển nền kinh tế, kích cầu tiêu dùng; tăng cường hoạt động truyền thông về tín dụng tiêu dùng chính thống; cơ quan chính quyền địa phối hợp răn đe các đối tượng khách hàng không trả nợ; nghiên cứu xây dựng hành lang pháp lý hợp đồng xử lý nợ chuyên nghiệp; áp dụng ngưỡng nợ xấu riêng cho các công ty tài chính; xây dựng cơ sở dữ liệu danh sách đen tại các tổ chức tín dụng…/.


Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực