Chọn “nhà ưu tiên” trong chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp bền vững

Thứ sáu, 18/12/2015 11:45
(ĐCSVN) – Những ngày cuối của năm 2015, dừng chân tại Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, chúng tôi ai cũng phải trầm trồ trước vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa với màu xanh mướt của măng tây, củ cải trắng, lô hội, giàn mướp đắng…

Phát triển lúa gạo chất lượng cao: Cần liên kết ổn định, lâu dài, bền vững

Không những thế, đây còn là nguồn sản phẩm sạch cho thị trường, giải quyết việc làm cho người dân vùng biển. Đồng thời, thành công của mô hình đem lại góp phần khẳng định được hiệu quả từ phương thức sản xuất mới dựa trên các giải pháp khoa học - công nghệ hiện đại - cơ sở và động lực để từng bước đưa nền sản xuất nông nghiệp thoát khỏi kiểu sản xuất truyền thống, hướng đến một nền sản xuất hàng hóa hiện đại, an toàn và bền vững.

Ấn tượng về rau an toàn trên đất cát

Tổng Giám đốc Dương Tất Thắng và mô hình trồng rau sạch trên cát (Ảnh: HNV)

Vùng Cẩm Xuyên được biết đến với đặc trưng “gió Lào, cát trắng” nhưng sau vài năm trở lại đây, nhất là từ năm 2013, với việc triển khai mô hình trồng rau xanh trên cát, nơi này đã được biết đến với đặc trưng mới như một điển hình về ứng dụng khoa học công nghệ cao vào trồng và nhân rộng những luống rau xanh, sạch trên vùng cát nóng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Dương Tất Thắng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh cho biết, vùng này trước cơ bản là các cồn cát và lĩnh vực sản xuất kinh doanh của Công ty chủ yếu liên quan tới các hoạt động khoáng sản trên địa bàn. Ý tưởng trồng rau - củ - quả trên cát được triển khai sau một chuyến công tác tại Trung Quốc, nơi có địa hình rất tương đồng với Cẩm Xuyên, nhưng vẫn có một mô hình trồng rau - củ - quả trên cát rất đơn giản và hiệu quả. Tháng 7/2013, Công ty bắt tay triển khai mô hình và thấy phát triển nhanh. Đến cuối 2015, Công ty đã đưa vào trồng và nhân rộng nhiều loại rau xanh: củ cải, cà rốt, một số loại rau cải, ớt ngọt Đà Lạt và mới đây nhất là măng tây và lô hội. Riêng với măng tây, Công ty nhận thấy đây là một loại cây trồng khá phù hợp vì phát triển nhanh, chỉ mất 1 lần trồng nhưng thu hoạch trong 7-8 năm. lô hội được lấy giống từ Ninh Thuận và Bình Thuận để thử nghiệm phát triển thêm…

Tăng cường liên kết với Hợp tác xã, Tổ hợp tác để giải quyết việc làm cho lao động vùng biển
(Ảnh: HNV)

Theo ông Thắng, để có được thành công như ngày hôm nay, trước đó, Ban giám đốc rồi tập thể cán bộ công nhân viên đã trải qua nhiều ngày cố gắng không ngừng, tìm tòi, sáng tạo để phát huy tối đa hiệu suất sử dụng đất cát; ứng dụng tốt hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước theo kinh nghiệm của Isarel, đồng thời tạo thêm nhiều “công ăn việc làm” cho bà con dân biển, nâng thu nhập dần dần từ 50 lên 70 rồi 100 triệu đồng/1 ha.

Về cơ bản, đơn vị đã tích cực, triệt để trong ứng dụng các giải pháp công nghệ cao, xây dựng mô hình sản xuất rau - củ - quả an toàn trên vùng đất cát hoang hóa, bạc màu. Đánh giá về thành công của mô hình rau – củ - quả sạch trên cát, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Tĩnh cho rằng, có được thành công này, bên cạnh nhiều yếu tố khác, có thể nhận thấy sự tham gia rõ nét từ 2 giải pháp chính: giống và kỹ thuật. Sản phẩm rau - củ - quả trên cát của Hà Tĩnh không chỉ khẳng định được chất lượng và mẫu mã, mà còn tạo được niềm tin của khách hàng về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Với việc lựa chọn giống đảm bảo, nguồn phân bón thân thiện với môi trường và thực hiện quy trình sản xuất tiên tiến, sản phẩm rau - củ - quả của dự án đã được Cục ATVSTP (Bộ Y tế) cũng như Viện Khoa học công nghệ môi trường Trung ương kiểm nghiệm và đánh giá cao.

Phát triển bền vững gắn với thị trường và xuất khẩu

Công nghệ tưới tiết kiệm của Isarel (Ảnh: HNV)

Thành công của mô hình rau - củ - quả sạch trồng trên đất cát đã tạo ra những tiền đề để Công ty nói riêng và Hà Tĩnh nói chung phát triển nông nghiệp bền vững, an toàn, gắn với thị trường và xuất khẩu. Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hà Tĩnh cho thấy, toàn tỉnh hiện có gần 2.700 ha đất cát ven biển, trong đó có 670 ha đất thể trồng rau, củ quả. Trong năm 2015, tỉnh tập trung triển khai nhân rộng mô hình rau - củ - quả trên 200 ha tại các vùng ven biển. Phấn đấu đến năm 2020 hình thành các vùng sản xuất rau, củ, quả, ứng dụng công nghệ cao trên cát với diện tích 684ha thuộc địa bàn 13 xã của 4 huyện.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Dương Tất Thắng khẳng định, những hiệu quả mà ứng dụng khoa học công nghệ mang lại đã rõ ràng nhưng việc tăng cường liên kết với các Hợp tác xã, Tổ hợp tác tạo thành mô hình khép kín cùng với việc bố trí hợp lý mùa vụ, chuyên nghiệp trong hoạt động cung cấp giống, thu mua và làm hợp đồng mới chính là những yếu tố tạo nên sức mạnh tổng hợp làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp của vùng.
Đề cập tới mối liên kết bốn nhà trong sản xuất nói chung và sản xuất nông nghiệp nói riêng, theo ông Thắng, đối với một nền nông nghiệp hàng hóa, kiểu gì cũng cần phải có liên kết. “Việc liên kết với một, hai, ba hoặc bốn nhà tùy thực tiễn địa phương và sản xuất. Thế nhưng, để phát huy liên kết lại là cả một câu chuyện dài. Điều quan trọng là cơ quan quản lý Nhà nước cần xác định “nhà nào” là quan trọng nhất, từ đó, tập trung phát triển chính sách” – ông Thắng kiến nghị./.

Năm 2013, sau khi tham quan, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật từ những trang trại trồng các loại rau, củ, quả trên vùng đất cát tại Dongshan (Trung Quốc), Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh cùng Sở NN&PTNT Hà Tĩnh phối hợp với Công ty TNHH Finepon (Hồng Kông) xây dựng dự án “Xây dựng mô hình rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh”. Dự án được xây dựng và triển khai theo các kỹ thuật và công nghệ cao của Dongshan và bước đầu được thực hiện trồng thử nghiệm trên diện tích 12 ha của vùng cát hoang hóa ở xóm Tân Văn, xã Thạch Văn. Ngay vụ đầu tiên, sau 3 tháng gieo hạt mỗi ha rau, củ, quả trồng trên cát cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng, thậm chí một số loại rau lợi thu nhập từ 400-500 triệu đồng/ha. Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Võ Kim Cự nhấn mạnh: “Dự án “Xây dựng mô hình rau củ quả trên đất cát hoang hóa bạc màu ven biển Hà Tĩnh” đã thu được những kết quả khả quan, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế cho người dân vùng ven biển Hà Tĩnh, tạo tiền đề cho sự phát triển của ngành nông nghiệp an toàn, gắn với thị trường và xuất khẩu. 

 

Việt Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực