Quang cảnh Hội nghị. (Ảnh: BT)
Mục tiêu của Hội nghị nhằm tăng cường hợp tác và huy động nguồn lực từ cộng đồng quốc tế, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, thời gian qua, với nỗ lực của Chính phủ, nhân dân Việt Nam và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những bước tiến nổi bật. Trong đó, đã cơ bản đáp ứng lương thực, thực phẩm cho trên 90 triệu dân và đã có sản phẩm xuất khẩu với giá trị trung bình khoảng 31 tỷ USD mỗi năm; đặc biệt đã có 10 ngành hàng nông nghiệp có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Tuy vậy, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ngành nông nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ, trong đó, một trong những thách thức lớn nhất là tác động của biến đổi khí hậu. Điển hình năm 2016 vừa qua, trận rét trong lịch sử 50 năm diễn ra đầu năm 2016 gây nhiều tổn thất trong sản xuất nông nghiệp của 14 tỉnh miền núi phía Bắc. Hạn hán xảy ra nghiêm trọng ở Nam Trung bộ, Tây Nguyên; xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long gây nhiều thiệt hại và khó khăn trong sản xuất và đời sống của bà con trong vùng.
“Ảnh hưởng của xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã làm 300 nghìn ha lúa bị thiệt hại từ 30-80%, có những diện tích bị mất trắng. Riêng vụ Đông Xuân cả nước đã bị thiệt hại 1 triệu tấn lương thực. Với vùng duyên hải Nam Trung bộ có những diễn tích 3 năm liền không tổ chức được sản xuất, ở Tây Nguyên có 100.000 ha cây công nghiệp bị tổn thương do ảnh hưởng của hạn nghiêm trọng” – Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, hiện nay, Chính phủ Việt Nam đang có những hành động quyết liệt để thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong việc tái cơ cấu nền kinh tế, tổ chức lại sản xuất nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đang cùng với các địa phương hoạch định các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu. Với vùng ĐBSCL – vùng có tầm quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp của cả nước, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường gợi mở, với điều kiện biến đổi khí hậu, trước đây ĐBSCL sản phẩm chính là lúa, thủy sản, trái cây thì nay tôm nước lợ, các loài cá sẽ là đối tượng ưu tiên trong sản xuất, trái cây là sản phẩm chủ lực tiếp theo. Sản xuất gạo cần quy hoạch lại cho phù hợp với nguồn tài nguyên nước đang ngày càng suy giảm.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh, thiệt hại do thiên tai gây ra bình quân hàng năm ở nước ta từ 1-1,5 % GDP. Trong 30 năm qua, thiên tai xảy ra ngày càng thường xuyên và cường độ cao hơn, đặc biệt là mưa lũ, hạn hán, xâm nhập mặn. Về công tác ứng phó với tình hình hạn hán, xâm nhập mặn, Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương kinh phí phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn với 1.240 tỷ bơm nước, nạo vét cửa lấy nước và hệ thống kênh trục; 1.613 tỷ đồng phục vụ công tác giống cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, tổ chức đo đạc, dự báo tình hình hình nguồn nước, xâm nhập mặn, chuyển dịch thời vụ; triển khai các giải pháp dẫn nước, trữ nước, vận chuyển, lắp đặt các điểm cấp nước công cộng phục vụ nước sinh hoạt. Tính đến tháng 11/2016, cả nước đã huy động được 26,4 triệu USD, đáp ứng 54,4% trong kế hoạch ứng phó khẩn cấp hồi tháng 4/2016. Trong đó nguồn lực quốc tế huy động được là 18,4 triệu USD.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, để nâng cao công tác ứng phó với biến đổi khí hậu cần phát triển, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như: công nghệ viễn thám, công nghệ không gian. Áp dụng tổ hợp mô hình hóa để nâng cao năng lực cảnh báo sớm thiên tai dựa trên thời gian thực; tăng cường các hoạt động nâng cao hiểu biết về rủi ro thiên tai cho cộng đồng.
Bên cạnh đó, quản trị thiên tai chuyên nghiệp hơn thông qua trao đổi kinh nghiệm với các quốc gia tiên tiến và các nước trong khu vực; đẩy mạnh các hoạt động quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng; thúc đẩy quản lý thiên tai dựa vào hệ sinh thái. Cùng với đó, cần tập trung đầu tư hiệu quả cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai, trước mắt cần xây dựng quan hệ đối tác thiên tai để điều phối, chia sẻ thông tin; thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng để huy động nguồn lực, đồng thời kết hợp hiệu quả với các biện pháp đầu tư công trình phòng, chống thiên tai, thảm họa và các hoạt động phi công trình./.