Chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi và thủy sản

Thứ sáu, 25/11/2016 19:47
(ĐCSVN) - Ngày 25/11, tại Hà Nội, Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Hội nghị Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên cạn và thủy sản năm 2016, triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2017.

Hội nghị Phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên cạn và thủy sản (Ảnh: BT).

Theo báo cáo của Cục Thú y, trong gần 11 tháng năm 2016, cả nước phát hiện 7 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 7 xã, phường của 6 huyện, thị xã thuộc 3 tỉnh, thành phố (Nghệ An, TP. Cần Thơ và Cà Mau). Trong đó, số gia cầm mắc bệnh là 4.767 con, số tiêu hủy là 6.182 con (bao gồm gia cầm khỏe mạnh trong cùng đàn mắc bệnh). So với cùng kỳ năm trước, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N1 đã giảm cả về diện và mức độ dịch.

Về dịch cúm A/H5N6, cả nước phát hiện 7 ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại 7 xã, phường của 6 huyện, thị xã thuộc 5 tỉnh, thành phố. Số gia cầm mắc bệnh là 5.189 con, số gia cầm tiêu hủy là 13.550 con. So với cùng kỳ năm 2015, tình hình dịch bệnh cúm gia cầm A/H5N6 cũng đã giảm cả về diện dịch và mức độ dịch.

Trên lĩnh vực phòng chống dịch bệnh thủy sản, trong năm 2016, kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản đã được 45/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng. Trong đó có 30 tỉnh, thành phố được UBND tỉnh bố trí ngân sách dự phòng cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh thủy sản. Nhờ vậy, tình hình dịch bệnh thủy sản về cơ bản đã được kiểm soát tốt hơn, hạn chế được các trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng, góp phần giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ sản xuất nuôi trồng thủy sản.

Nhìn chung, trong năm 2016, kế hoạch phòng, chống dịch bệnh gia súc và gia cầm đã được thực hiện ở 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, 55 tỉnh, thành phố được UBND tỉnh bố trí ngân sách dự phòng cho các hoạt động phòng, chống dịch bệnh động vật. Thông qua đó, tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm về cơ bản đã được kiểm soát tốt hơn, hạn chế được các trường hợp dịch bệnh lây lan trên diện rộng, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ sản xuất ngành chăn nuôi.

Tuy nhiên, theo Cục Thú y, hiện nay, công tác phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên cạn và thủy sản vẫn còn khá nhiều khó khăn. Trong đó, hệ thống thú y địa phương không đồng nhất và thiếu ổn định dẫn đến công tác chống dịch còn nhiều hạn chế, đặc biệt tại tuyến xã, phường. Cùng với đó, mặc dù Bộ NN&PTNT, Cục Thú y đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp kinh phí dự phòng, chống dịch bệnh năm 2016 nhưng đến nay, còn ít kế hoạch được phê duyệt. Một số tỉnh có kế hoạch nhưng không có dự toán kinh phí (chỉ phê duyệt nội dung kỹ thuật) nên còn trông chờ vào hỗ trợ của Trung ương. Tại một số địa phương, việc cập nhật các văn bản chỉ đạo còn chậm. Công tác xử lý ổ dịch còn chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật...

Tại Hội nghị, Cục Thú y cho biết, để tiếp tục tạo thế chủ động trong phòng chống dịch, đồng thời nâng cao tính tham gia từ phía các địa phương và người chăn nuôi, kế hoạch công tác phòng chống dịch bệnh động vật năm 2017 sẽ tập trung vào việc ban hành, tổ chức, phổ biến, tuyên truyền các quy định của Luật Thú y, Nghị định của Chính phủ và các Thông tư hướng dẫn Luật Thú y. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác chỉ đạo phòng chống dịch bệnh động vật, nhất là các dịch bệnh động vật nguy hiểm như: Cúm gia cầm, tai xanh, lở mồm long móng gia súc. Chỉ đạo các địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn.

Trên lĩnh vực thủy sản, tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, đặc biệt dịch bệnh trên tôm nuôi nước lợ. Đồng thời, thực hiện và tổng kết chương trình giám sát chủ động đối với các bệnh trên cá tra tại các tỉnh Bến Tre và An Giang; nghiên cứu yêu cầu về công tác phòng chống dịch bệnh của các thị trường nhập khẩu thủy sản để đề xuất, hướng dẫn, chỉ đạo, triển khai nhằm đáp ứng đòi hỏi của các thị trường.

Nhằm đạt được các kết quả trên, Cục Thú y kiến nghị Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ để thống nhất việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học về nghiên cứu và sản xuất vắc xin chủ lực phòng chống dịch bệnh động vật, trong đó có vắc xin lở mồm long móng và vắc xin bệnh dại. Cùng với đó, Bộ NN&PTNT báo cáo Chính phủ chỉ đạo các địa phương thống nhất, ổn định hệ thống thú y để đảm bảo nguồn lực phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Mặt khác, Cục Thú y đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố cần xây dựng kế hoạch chủ động phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn, đảm bảo kinh phí để tổ chức thực hiện. Xây dựng kế hoạch giám sát dịch bệnh và vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm, đặc biệt tại các địa phương có cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản, cơ sở giết mổ, chế biến gia cầm,…nhằm đảm bảo kế hoạch xuất và đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực