Chủ động tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp

Thứ sáu, 16/09/2016 20:40
(ĐCSVN) - Chiều 16/9, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã có buổi trả lời trực tuyến tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ với chủ đề: “Thu hút đầu tư nông nghiệp bằng tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn”.

Quang cảnh buổi Tọa đàm. (Ảnh: BT).

Chia sẻ tại buổi tọa đàm về quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Qua 3 năm triển khai, ngành đã đạt được những kết quả nhất định. Nhiều mô hình, chuỗi sản xuất như: Gạo, trái cây, hoa, thủy sản, chăn nuôi,... đã được xây dựng và cho hiệu quả cao ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, hiện nay, tái cơ cấu nông nghiệp vẫn còn khá nhiều rào cản. Trong đó, có thể kể đến sản xuất nông nghiệp vẫn chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, phân tán, mang tính quy mô hộ dẫn đến năng suất thấp, sản phẩm khó cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, biến đổi khí hậu với diễn biến ngày càng phức tạp, thách thức trong quá trình hội nhập quốc tế là những khó khăn mà tái cơ cấu ngành đang phải đối mặt. Vì vậy, để giải quyết những thách thức trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, rất cần tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, thông qua đó nâng cao được chất lượng đời sống của nông dân.

Khẳng định doanh nghiệp giữ vai trò “hạt nhân” để kết nối các “mắt xích” sản xuất của ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, hiện con số doanh nghiệp đầu tư vào ngành nông nghiệp vẫn còn rất hạn chế, chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động. Trong đó, 90% các doanh nghiệp chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; số các doanh nghiệp lớn vẫn còn ít.

Để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt về đất đai, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, ở một số địa phương đã triển khai một số cách làm cho kết quả như: Ở những vùng đất nông dân canh tác không hiệu quả, trên cơ sở tự nguyện của nông dân ủy quyền sử dụng đất, đất sẽ được giao lại cho doanh nghiệp trong một thời gian nhất định để sản xuất mang lại hiệu quả cao hơn. Bên cạnh đó, việc cần hình thành các hợp tác xã với các xã viên có cùng nguyện vọng, mục tiêu sản xuất để liên kết sản xuất với doanh nghiệp cũng là một giải pháp để tích tụ ruộng đất.

Bên cạnh đó, với những bất cập trong việc triển khai Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, Bộ trưởng cho biết, Bộ NN&PTNT và các Bộ liên quan sẽ tiếp tục khảo sát, đánh giá, tiếp tục kiến nghị về Nghị định 210 để chính sách đi vào thực tiễn hơn, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Chia sẻ thêm về giải pháp giúp lấy lại đà tăng trưởng cho ngành nông nghiệp trong 6 tháng cuối năm 2016, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngoài ngành tôm sẽ được chú trọng đẩy mạnh phát triển, Bộ sẽ tiếp tục triển khai sản xuất trong một số ngành hàng khác như: Chăn nuôi, rau quả. Trong đó, với ngành chăn nuôi, tập trung vào các lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, đại gia súc, nuôi heo - ba đối tượng đang thuận lợi về nguồn giống, kiểm soát dịch bệnh và nhu cầu tiêu dùng của thị trường. Cùng với đó, đối với ngành rau quả, xuất khẩu đang có tốc độ tăng trưởng khá tốt cũng là ngành kỳ vọng sẽ góp phần đưa lại tăng trưởng cho ngành nông nghiệp trong những tháng cuối năm./.

Bùi Thủy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực