|
Ảnh minh họa. (Ảnh: M.P) |
Xu hướng tất yếu của phát triển kinh tế toàn cầu
Phát triển bền vững đã trở thành xu thế toàn cầu, là nền tảng chiến lược của mỗi quốc gia trong bối cảnh biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên và yêu cầu giảm phát thải ngày càng khắt khe. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, tăng trưởng xanh không chỉ là một xu hướng mà đã trở thành điều kiện tiên quyết để duy trì năng lực cạnh tranh và bảo đảm sự phát triển lâu dài của các nền kinh tế.
Những chính sách toàn cầu như Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal), Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) hay Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn đã tạo ra những yêu cầu rất cụ thể cho hàng hóa xuất khẩu (XK). Không chỉ dừng lại ở việc giảm phát thải, các tiêu chuẩn mới còn yêu cầu khắt khe về trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, buộc các nước XK phải thay đổi toàn diện phương thức sản xuất và tiếp cận thị trường.
Với tiềm năng sẵn có, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Đặc biệt, trong các lĩnh vực liên quan đến XK hàng hóa xanh và bền vững như nông sản, dệt may, giày dép, và các sản phẩm chế biến từ năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội này, việc chuẩn bị nguồn hàng XK đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững là yếu tố sống còn.
Các doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam đã bắt đầu chuyển đổi sản xuất xanh để đáp ứng các tiêu chuẩn XK mới. Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Giám đốc Công ty Giày Thăng Long, chia sẻ rằng, trong gần một năm qua, DN đã chuyển dịch các dây chuyền sản xuất sang hướng giảm phát thải carbon. Thay vì sử dụng than đá làm nhiên liệu, DN chuyển sang dầu và điện, đồng thời đầu tư máy móc mới để tái chế các phế phẩm như cao su.
Hiện nay, hơn 97% sản phẩm của công ty Giày Thăng Long được XK sang Mỹ, EU và Hàn Quốc. Ông Tùng cho biết: “Chúng tôi phải chấp nhận chi phí sản xuất tăng thêm 10 - 15%, trong bối cảnh đơn hàng chưa phục hồi, lợi nhuận giảm 50 - 60%. Tuy nhiên, đây là xu hướng tất yếu. Nếu không đáp ứng chuẩn xanh, chúng tôi sẽ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu.”
Thực tế, các đối tác quốc tế không chỉ yêu cầu sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xanh mà còn tiến hành kiểm tra chặt chẽ thông qua các bên thứ ba. Ông Tùng cho hay: “Các nhà XK cần phải đạt được chứng chỉ xanh, nếu không họ sẽ hủy đơn ngay lập tức. Đây là áp lực rất lớn nhưng bắt buộc phải thực hiện.”
Chi phí lớn nhưng lợi ích lâu dài
Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức khi các quy định xanh quốc tế ngày càng khắt khe. PGS.TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo cập nhật mới nhất của Chính phủ, có 2.166 DN phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính vào tháng 3/2025 và xây dựng kế hoạch giảm phát thải. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có khoảng 10% DN trong các lĩnh vực liên quan sẵn sàng đáp ứng yêu cầu này.
Ngoài ra, từ ngày 1/1/2025, các sản phẩm nông sản XK từ Việt Nam phải chứng minh không có nguồn gốc từ phá rừng sau ngày 31/12/2024. Quy định này đặt ra nhiều khó khăn cho các DN nông sản, đặc biệt là các sản phẩm có chuỗi cung ứng phức tạp.
Các yêu cầu khác, như biên giới carbon, quy định về nhựa và tái chế rác thải, cũng đòi hỏi DN phải thay đổi toàn diện về công nghệ và quy trình sản xuất. Nếu không chuẩn bị tốt, nhiều DN sẽ bị loại khỏi cuộc chơi ngay từ vòng đầu.
Theo ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), các DN XK sang EU phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn xanh. Đây là khoản đầu tư lớn trong ngắn hạn, nhưng sẽ mang lại lợi ích lâu dài. Ông Minh nhấn mạnh: “DN cần xây dựng chiến lược thực thi dài hạn để duy trì năng lực cạnh tranh. Chỉ khi thực hiện nghiêm túc các tiêu chuẩn xanh, DN mới có thể tận dụng lợi thế của thị trường quốc tế, đặc biệt là EU.”
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho rằng các DN cần chủ động tìm hiểu và tuân thủ các yêu cầu xanh của thị trường, đồng thời ưu tiên huy động nguồn tài chính xanh, công nghệ xanh. Điều này không chỉ giúp DN vượt qua thách thức trước mắt mà còn tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai.
Việc chuyển đổi sang sản xuất xanh không chỉ là trách nhiệm của DN mà còn đòi hỏi sự hỗ trợ từ Chính phủ và các tổ chức tài chính. Đặc biệt, cần tăng cường năng lực hấp thụ tài chính xanh và thúc đẩy sử dụng công nghệ xanh trong sản xuất.
Việt Nam đang ở giai đoạn quan trọng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh và bền vững. Việc chuẩn bị nguồn hàng XK đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế không chỉ là nhiệm vụ của các DN mà còn cần sự đồng hành từ các bộ, ngành và chính quyền địa phương.
Để thành công, cần xây dựng một hệ sinh thái hỗ trợ DN chuyển đổi xanh, bao gồm các chính sách ưu đãi về thuế, tài chính và đào tạo nhân lực. Đồng thời, cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức về xu hướng XK xanh, giúp DN hiểu rõ yêu cầu và cơ hội mà xu hướng này mang lại.
Những bước đi đúng đắn hôm nay sẽ giúp Việt Nam không chỉ giữ vững vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu mà còn góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế./..