Chuẩn bị thật tốt để mở của lại ngành Du lịch

Thứ bảy, 25/12/2021 19:47
(ĐCSVN) - Tiếp tục chương trình Hội thảo Du lịch 2021, chiều 25/12, tại Nghệ An, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự phiên họp toàn thể.

Cùng dự phiên toàn thể có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội; Nguyễn Đắc Vinh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Lê Quang Huy, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Nguyễn Văn Hùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Thái Thanh Quý, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An; cùng đại diện lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương; các doanh nghiệp, hiệp hội du lịch, các tổ chức quốc tế, các chuyên gia du lịch.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự tại điểm cầu Trụ sở Văn phòng Chính phủ.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam

Phát biểu tại phiên toàn thể, Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn hoan nghênh sáng kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An phối hợp tổ chức Hội thảo rất có ý nghĩa này, đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ 2. Đây là sự tiếp nối hoạt động của các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan, nhằm làm sâu sắc thêm các vấn đề đã được thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 “Phục hồi và Phát triển bền vững”.

Theo Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, trong đó có ngành du lịch. Hoạt động du lịch gần như bị đóng băng; các chỉ số tăng trưởng của ngành du lịch đều sụt giảm nghiêm trọng; các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch hầu hết phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động; nhiều người lao động của ngành không có việc làm, phải chuyển sang việc khác.

 Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã tham dự phiên họp toàn thể

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều quốc gia đã sớm có chính sách, biện pháp để mở cửa, phục hồi du lịch, Việt Nam chúng ta cũng cần nhanh chóng đón bắt xu thế này, tránh lỡ nhịp với thế giới cũng như sức bật của lực cầu trong nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu rõ, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã đặt ra mục tiêu đối với ngành du lịch: “Đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, phấn đấu thuộc nhóm 3 quốc gia dẫn đầu về phát triển du lịch trong khu vực Đông Nam Á và 50 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn và phát triển bền vững; Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới, đáp ứng đầy đủ yêu cầu và mục tiêu phát triển bền vững”; du lịch đóng góp khoảng 14 -15% tổng sản phẩm quốc nội”.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, tác động của dịch COVID-19 đã làm thay đổi bối cảnh và xu thế phát triển du lịch của thế giới nói chung và của Việt Nam nói riêng. Do đó, cần có sự đánh giá toàn diện, sâu sắc tác động đối với các ngành kinh tế, nhất là ngành du lịch; đánh giá thực trạng và xu thế phát triển du lịch; nghiên cứu sâu các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra trong Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị và trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030, làm cơ sở đề xuất, kiến nghị các giải pháp phục hồi, phát triển du lịch trong thời gian tới.

Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 30, tạo cơ sở pháp lý để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chủ động, linh hoạt hơn trong chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch COVID-19; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành các Nghị quyết dành ngân sách cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bộ ngành liên quan đã chủ động, kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành một số nghị quyết cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong đó có ngành du lịch. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, đòi hỏi cần có giải pháp hiệu quả, toàn diện hơn nữa.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn hội thảo sẽ tiếp tục làm rõ hơn mối quan hệ của Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội chung của cả nước với các chương trình, kế hoạch, định hướng phục hồi, phát triển du lịch; kiến nghị những giải pháp, chính sách, nhất là các chính sách về bảo đảm phòng chống dịch để mở cửa an toàn; chính sách tài khóa, tiền tệ để phục hồi, phát triển du lịch; các chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam trong bối cảnh mới.

 Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội thảo

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch Việt Nam cần tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của Du lịch Việt Nam; khai thác và phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm, thương hiệu du lịch độc đáo, đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử Việt Nam, đạt đẳng cấp thế giới. Đặc biệt, chú ý gắn kết bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên với phát triển du lịch bền vững. Mỗi địa phương phải xây dựng cho được môi trường, cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, góp phần thực hiện hiệu quả Quyết định 1129 ngày 27/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam”, từ đó thúc đẩy mua sắm, thăm quan, thưởng thức văn hóa văn nghệ, ẩm thực, góp phần tạo thêm việc làm, thu nhập cho người lao động. Phát triển các hình thức du lịch tham quan, du lịch ẩm thực, du lịch xanh, du lịch kết hợp với hội nghị, du lịch kết hợp với nghỉ dưỡng, tận dụng tối đa tài nguyên, nguồn lực tại chỗ để thu hút khách du lịch, tạo động lực mới cho sự phát triển xã hội

Theo Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực khác. Do đó, các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch cần xem xét hài hòa, tổng thể trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và cả nước. Hội thảo cần thảo luận sâu, tìm ra các giải pháp thúc đẩy tính lan tỏa, liên kết vùng, phát triển kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và hoàn thiện thể chế để phát triển du lịch gắn với phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường.

Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Ban Tổ chức hội thảo không chỉ tiếp thu các ý kiến phát biểu tại Hội thảo hôm nay, mà cần tiếp thu rộng rãi ý kiến của Nhân dân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước để bao phủ hết các đối tượng tác động. Đồng chí cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý nhà nước theo thẩm quyền tiếp thu ý kiến đại biểu tại Hội thảo, có các giải pháp cụ thể, thực thi, nhất quán từ Trung ương đến địa phương để tháo gỡ khó khăn, sớm phục hồi ngành kinh tế mũi nhọn này.

Kích cầu đồng bộ, mở cửa an toàn

Nhìn lại 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết đó là "những nốt trầm buồn" của du lịch Việt Nam. Từ một ngành công nghiệp không khói đóng góp trên 10% vào GDP, năm 2019 đón số lượng khách quốc tế kỷ lục với 18 triệu lượt khách, đại dịch đã "phủ bóng đen", khiến cho du lịch Việt rơi vào "khoảng lặng".

 Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại hội thảo

Không chỉ sụt giảm lượng khách mà doanh thu về du lịch trong 2 năm 2020 và 2021 cũng giảm sút nghiêm trọng. Cụ thể, chỉ tính riêng năm 2020 khách quốc tế đến Việt Nam giảm 80%, khách nội địa giảm 34% so với năm 2019. Năm 2021, khách nội địa cũng sụt giảm tới 57%, lượng khách quốc tế gần như không đáng kể.  

Đáng chú ý, đại dịch đã khiến hơn 2 nghìn doanh nghiệp du lịch rút giấy phép hoặc ngừng hoạt động. Lực lượng lao động đứt gãy, số lượng không có việc làm rất nhiều, hạ tầng du lịch không có điều kiện để đầu tư, các cơ sở lưu trú không có điều kiện để đón khách.

Tuy nhiên, theo bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trong khó khăn ngành du lịch đã phối hợp cùng các cấp, ban ngành nhanh chóng có các giải pháp thích ứng. Cánh cửa đón khách quốc tế bị đóng lại, nhiều địa phương, doanh nghiệp đã chuyển hướng sang phát triển du lịch nội địa, nỗ lực tạo ra các sản phẩm tour phù hợp, thích ứng linh hoạt giữa các "vùng xanh, vùng vàng", đưa du khách trở lại với tâm lý thoải mái nhất.

Dấu ấn đáng chú ý nhất theo bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng là vừa qua, khi Chính phủ giao Bộ Văn hóa chủ trì lên kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế, chỉ trong vòng 2 tháng mở cửa đón khách tại Phú Quốc (Kiên Giang) và Khánh Hòa chúng ta đã đón 1,5 nghìn khách quốc tế. Trong tháng 12 đã có 3 nghìn khách đến Việt Nam. Đây là tín hiệu vui, gửi đi thông điệp Việt Nam là điểm đến an toàn, hiếu khách và chào đón mọi du khách đến tham quan, du lịch.

Để phục hồi du lịch trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cần có nhiều giải pháp, trong đó cần có cơ chế chính sách phù hợp với điều kiện của nền kinh tế hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp. Các chính sách cần cụ thể để tạo động lực cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chính quyền các cấp cần phát huy dẫn dắt của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Cụ thể, triển khai đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc kế hoạch phục hồi du lịch nội địa; hướng dẫn việc thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam. Cùng với đó, tổ chức các chiến dịch truyền thông có định hướng, kích cầu du lịch mang tính đồng bộ, quảng bá du lịch an toàn. Đồng thời, ưu tiến số hóa, phân tích thị trường, dự báo đề cập đến các xu hướng du lịch để thích ứng với việc tìm các thị trường. Phục hồi du lịch gắn liền với sản phẩm du lịch. Mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch tiêu biểu” và kết nối an toàn.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự tại điểm cầu Trụ sở Văn phòng Chính phủ

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hoan nghênh Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo Du lịch 2021 với chủ đề “Du lịch Việt Nam-Phục hồi và phát triển”.

Phó Thủ tướng cho rằng, du lịch là một trong những ngành bị tác động mạnh nhất. Trong thời gian qua, các doanh nghiệp trong ngành du lịch, kể cả những gia đình làm du lịch cũng như những ngành phục vụ du lịch đã vượt qua những khó khăn để vượt qua đại dịch. Mặc dù khó khăn, nhưng nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đồng hành với cả nước trong phong trào phòng chống dịch. Đặc biệt, ngay trong đại dịch, nhiều địa phương đã tổ chức liên kết vùng, liên kết giữa các tỉnh, cùng nhau tranh thủ những khoảng thời gian bình lặng giữa các đợt dịch để thúc đẩy phát triển du lịch.

Phó Thủ tướng lưu ý đến hai vấn đề, đó là chất lượng sản phẩm và số hóa. Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, các doanh nghiệp lớn, gần 10 năm trở lại đây có sứ mệnh dẫn dắt rất tốt, có nhiều sản phẩm đẳng cấp quốc tế. Cùng với đó, Việt Nam luôn luôn hấp dẫn du khách quốc tế ở du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.

Trong thời gian tới, cần đẩy mạnh loại hình du lịch cộng đồng. Sản phẩm du lịch này bổ trợ cho sản phẩm của các doanh nghiệp du lịch lớn, nó cũng giúp đỡ rất nhiều cho các người dân không chỉ về kinh tế mà tiếp cận được sự văn minh. Khách du lịch đến sẽ có sự trao đổi qua lại, giúp hình ảnh Việt Nam lan tỏa ra thế giới, đồng thời đem thế giới vào tận vùng sâu, vùng xa. Để làm được điều này cần sự liên kết giữa các doanh nghiệp, các thành phần cũng như sự vào cuộc của chính quyền, địa phương. “Làm du lịch cộng đồng cần sự đầu tư, hướng dẫn, kết nối giữa các cộng đồng du lịch” -  Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, cần số hóa nguồn tài nguyên về du lịch, trong đó đặc biệt là nguồn tài nguyên về văn hóa.

Về vấn đề mở cửa du lịch, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, dù có mở thế nào đi chăng nữa thì nếu không an toàn thì cũng không ai đến. Ngay cả trong nước không an toàn thì du lịch nội địa cũng không phát triển được. “Theo tôi, không nên quá nóng vội, chúng ta vẫn phải thực hiện tốt các công tác phòng chống dịch. Chúng ta kiểm soát thật tốt dịch bệnh trong thời gian ngắn nhất, tự đổi mới mình, sẵn sàng cho lúc an toàn thì tốt hơn là vội. Mở ra và đóng vào nguy hiểm hơn là chuẩn bị rất tốt rồi mở một cách rất chắc chắn” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, việc cần thiết bây giờ là phải tổ chức tiêm vaccine mũi 3 một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, cần triển khai thuốc điều trị. Khách đến có thể bị lây nhiễm, nếu có thuốc, họ sẽ yên tâm hơn nên phải sẵn thuốc để điều trị./.

Huy Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực