Cơ hội và thách thức với Việt Nam trong đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh

Thứ tư, 26/06/2024 18:09
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Tại Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển kinh tế xanh - Lý luận và thực tiễn”, với nghiên cứu, kinh nghiệm thực tế, các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, các doanh nghiệp đã đưa ra các nhóm giải pháp áp dụng kinh tế xanh vào Việt Nam cũng như chia sẻ cơ hội và thách thức với Việt Nam trong đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh.

Xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh bền vững, hiệu quả

Hội thảo khoa học quốc gia “Phát triển kinh tế xanh - Lý luận và thực tiễn”

Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề “Phát triển kinh tế xanh - Lý luận và thực tiễn”

Cộng đồng doanh nghiệp đứng trước thời cơ phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh

Chia sẻ tại Hội thảo, Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh cho biết, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh đã được xác định là một trong những động lực tăng trưởng mới, ưu tiên của Việt Nam, cần được quan tâm, đầu tư và thực hiện, đồng thời với thúc đẩy kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ.

Trong đó, chủ trương, đường lối của Đảng đã chỉ rõ tầm quan trọng của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xanh. Đây là lực lượng góp phần đáng kể tạo ra của cải, vật chất cho xã hội; nhưng cũng chính là tác nhân để lại những dấu chân ảnh hưởng đến môi trường, đến xã hội.

Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Quang Vinh

Hơn 10 năm thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, doanh nghiệp đã phát huy vai trò là một nhân tố trọng tâm, đóng góp quan trọng cho những thành công bước đầu của Chiến lược tăng trưởng xanh. Các hoạt động kinh tế xanh tại Việt Nam đã giúp tạo ra 6,7 tỷ USD vào năm 2020 (chiếm khoảng 2% tổng GDP) cùng với đà tăng trưởng mạnh mẽ, khoảng 10 - 13% mỗi năm trong giai đoạn 2018 - 2020, trong đó 83% đến từ lĩnh vực năng lượng, các hoạt động nông, lâm nghiệp và hoạt động công nghiệp và 17% còn lại đến từ các ngành giao thông vận tải, xử lý chất thải và xây dựng. Những thành công bước đầu này phần lớn nhờ vào các khoản đầu tư vào các lĩnh vực xanh, đặc biệt từ các nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh chia sẻ, tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế xanh đã tạo ra những tác động rõ nét, tích cực đến các yếu tố xã hội, đặc biệt trong việc tạo ra các việc làm chất lượng cao trong các lĩnh vực xanh. Theo ước tính vào năm 2020, kinh tế xanh đã đem lại được hơn 400.000 việc làm với hơn một nửa đến từ các hoạt động nông, lâm nghiệp xanh, công nghệ cao và hoạt động công nghiệp, chủ yếu trong hoạt động sản xuất các thiết bị, máy móc, phụ tùng phục vụ cho sản xuất năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

“Những con số thống kê đã nói lên doanh nghiệp đã và đang đóng góp mạnh mẽ trong tăng trưởng xanh.” Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh nêu rõ.

Phó Chủ tịch VCCI Nguyễn Quang Vinh cho rằng, chủ trương, chính sách của Việt Nam về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh mang lại thời cơ cho doanh nghiệp, song bên cạnh đó, vẫn còn những thách thức hiện hữu đối với các doanh nghiệp... để "phát triển xanh".

Các đại biểu tham dự tại Tọa đàm 

Chia sẻ về những thời cơ phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, hiện nay, hệ thống chính sách, pháp luật liên quan đến kinh tế xanh đã, đang được xây dựng, hoàn thiện. Công tác hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xanh, bền vững đã được các cơ quan, tổ chức đẩy mạnh. Các mô hình kinh doanh xanh, bền vững đã được chia sẻ, dần được lan tỏa trong cộng đồng doanh nghiệp... Ngoài ra, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA) được Việt Nam ký kết và thực hiện đã dỡ bỏ hàng rào thuế quan. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới cũng chính là yếu tố tích cực cho doanh nghiệp thực hiện kinh tế xanh để phát huy những thành quả về công nghệ khi biết nắm bắt thời cơ này.

Chuyển dịch sang sản xuất xanh tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm xanh

Ở góc độ doanh nghiệp, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường cho biết, dệt may là một trong những ngành công nghiệp quan trọng nhất thế giới, đóng góp đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu. Ở Việt Nam, ngành dệt may Việt Nam thuộc top 4 ngành xuất khẩu chủ lực của quốc gia năm 2023, với kim ngạch xuất khẩu đạt 39,7 tỷ USD. Hiện nay, ngành dệt may có khoảng 7.000 doanh nghiệp đang hoạt động, bảo đảm việc làm trên 3 triệu lao động trực tiếp trong ngành, chưa kể các ngành liên quan, phụ trợ.

 Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam - Lê Tiến Trường

Vì vậy, theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam, khi chuyển dịch sang sản xuất xanh, ngành dệt may sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội việc làm xanh, bền vững cho người lao động, góp phần ổn định đời sống, nâng cao chất lượng làm việc, đóng góp vào công tác an sinh xã hội quốc gia.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhận định: Các xu thế trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu hiện nay đang mở ra cơ hội để thúc đẩy xanh hóa ngành dệt may Việt Nam và mang lại những cơ hội để ngành dệt may Việt Nam vươn lên một nấc thang mới trong chuỗi giá trị nhưng các doanh nghiệp trong ngành cũng sẽ đối diện với những thách thức rất lớn. Trong đó, người tiêu dùng đang có xu hướng ngày càng ủng hộ vật liệu xanh, bền vững hơn…

“Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, rào cản phát triển kinh tế xanh, sản xuất xanh đang thách thức lớn đối với doanh nghiệp dệt may trên thế giới nói chung và dệt may Việt Nam nói riêng. Bởi hiện nay, các vật liệu tổng hợp đang chiếm ưu thế do giá rẻ, đáp ứng được yêu cầu đa dạng về thiết kế, mục đích sử dụng và nguồn cung dồi dào. Các loại nguyên liệu từ bông, lanh, gai dầu… chỉ chiếm 27% tổng sản lượng xơ toàn cầu. Trong khi đó, xơ hóa học tổng hợp chiếm tới 65% tổng sản lượng toàn cầu. Bên cạnh đó, vấn đề thị trường tiêu thụ các sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường giá thành cao, khó cạnh tranh với các sản phẩm truyền thống hiện hữu, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều khó khăn như hiện tại” - ông Lê Tiến Trường chia sẻ.

Ngoài ra, các chính sách, mặc dù chủ trương phát triển kinh tế xanh đã được quan tâm trong thời gian gần đây, nhưng các chính sách cụ thể để xanh hóa ngành dệt may vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ triển khai, chưa có quy định rõ ràng áp dụng cho ngành dệt may…

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam Lê Tiến Trường kiến nghị, Chính phủ đưa ra các chính sách hỗ trợ, khuyến khích, điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp theo hướng chuyển đổi xanh và áp dụng các sáng kiến xanh thông qua các công cụ về tín dụng, thuế, đất đai. Trong đó, Chính phủ cần thể chế hóa các tiêu chuẩn xanh trong ngành dệt may với lộ trình phát triển và mục tiêu cụ thể, phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế xanh trên thế giới.

Các đại biểu tham dự tại Tọa đàm 

Cùng với đó, có các chính sách tài chính, có tác dụng bổ sung dòng tiền và lợi thế chi phí cho các doanh nghiệp triển khai sản xuất xanh như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm thuế nhập khẩu các nguồn nguyên liệu tham gia tạo sản phẩm xanh ở trong nước… Đồng thời, tập trung vào nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ xanh như năng lượng tái tạo, sử dụng hiệu quả năng lượng và nước, quản lý tài nguyên và xử lý chất thải. Bên cạnh đó, xây dựng các chương trình đào tạo để nâng cao kiến thức lực lượng lao động về các tiêu chí của dệt may xanh, thực hành bền vững và công nghệ mới. Đi cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng văn hoá tiêu dùng mới, văn hoá tiêu dùng sản phẩm xanh…

Lồng ghép tài chính xanh với những chính sách về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn

Ở góc độ lĩnh vực tài chính, chia sẻ giải pháp để phát triển kinh tế xanh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV Việt Nam - Phan Đức Tú cho rằng, Việt Nam cần xây dựng chiến lược tổng thể để phát triển thị trường tài chính xanh một cách hài hòa, hiệu quả giữa các kênh dẫn vốn, gắn với các định hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Việt Nam cũng cần hoàn thiện khung chính sách cho phát triển thị trường tài chính xanh. Các chính sách liên quan đến thị trường tài chính xanh cần sớm được ban hành cụ thể song song hoặc lồng ghép với những chính sách về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chính phủ cần sớm ban hành Quy định phân loại và xác nhận dự án xanh, trong đó, cần có sự tương đồng giữa các tiêu chí xanh của Việt Nam và các tiêu chuẩn quốc tế cùng với các chính sách ưu đãi tương ứng với các mức độ đáp ứng tiêu chí xanh từ thấp đến cao. Cùng với đó, có cơ chế, chính sách để thu hút nguồn vốn (cả Nhà nước và tư nhân) cho đầu tư xanh bằng cách ban hành các chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí, lãi suất và hỗ trợ các chi phí liên quan đến phát hành trái phiếu xanh, cung cấp tín dụng xanh…

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV Việt Nam - Phan Đức Tú  

"Quan tâm phát triển thị trường tài chính, nhất là thị trường thị phần doanh nghiệp, thị trường cổ phiếu, quỹ đầu tư, thị trường phái sinh và thị trường tín chỉ carbon. Đồng thời, hoàn thiện chính sách, đơn giản hóa thủ tục và khuyến khích các tổ chức trong nước tham gia quá trình xác nhận, chứng nhận khung dự án xanh, trái phiếu xanh và dán nhãn dự án xanh, trái phiếu xanh theo các tiêu chuẩn quốc tế...", Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV Việt Nam Phan Đức Tú bày tỏ.

Tăng trưởng xanh nhằm giữ vững và tạo đà tăng trưởng bền vững

Dưới góc độ địa phương, chia sẻ các giải pháp phát triển kinh tế xanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định - Hà Lan Anh chia sẻ: Nam Định xác định và nhận thức sâu sắc rằng, tăng trưởng xanh là một phương thức quan trọng nhằm giữ vững và tạo đà tăng trưởng bền vững cho hiện tại và trong tương lai.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định cho rằng, để đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bên cạnh vai trò của Chính phủ, địa phương thì vai trò của doanh nghiệp được xác định là nhân tố trọng tâm, đóng vai trò quan trọng. Tỉnh Nam Định đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đẩy mạnh thu hút đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển bền vững, tập trung thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế năng lượng tái tạo, giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh, đô thị xanh, công trình xanh, tài chính xanh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định - Hà Lan Anh,

Thời gian qua, bên cạnh nhiều giải pháp tổng thể, tỉnh Nam Định đã quan tâm, tạo điều kiện, kết nối, hỗ trợ và có nhiều biện pháp khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng mô hình nông nghiệp xanh, phát triển công nghiệp xanh, đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính... Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đổi mới, đẩy mạnh chuyển đổi mô hình theo chiều sâu, gắn với phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Hà Lan Anh chia sẻ, để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, tỉnh Nam Định đề ra phương hướng phát triển kinh tế xanh trong thời gian tới là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Thực hiện hiệu quả, toàn diện các mục tiêu chuyển đổi số trên cả ba trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Khuyến khích ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh và phát triển các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Bên cạnh đó, phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên toàn tỉnh theo hướng hiện đại, công nghệ cao, ứng dụng nền tảng số, thân thiện với môi trường; đa dạng hóa các hình thức xúc tiến đầu tư, ưu tiên thu hút những dự án sử dụng công nghệ cao, công nghệ xanh, ít tiêu hao năng lượng, tài nguyên, phát thải thấp, thân thiện với môi trường. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, xây dựng môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp được kết nối, tiếp cận với các chính sách về phát triển kinh tế xanh…/.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực