Công bố Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam và Doanh nghiệp Việt Nam 2020

Thứ ba, 28/04/2020 17:15
(ĐCSVN) – Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, 2 cuốn sách trắng này có số liệu là của năm 2018. Trong đó, Sách trắng Hợp tác xã (HTX) Việt Nam năm 2020 là năm đầu tiên phát hành gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển HTX cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018.

Công bố Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2019

 Tổng cục Thống kê họp báo sáng 28/4 (Ảnh: HNV)

Ngày 28/4, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố Sách trắng Hợp tác xã Việt Nam và Sách trắng doanh nghiệp Việt Nam 2020.

* Công bố Sách trắng HTX Việt Nam 2020

Giới thiệu về Sách trắng HTX Việt Nam, theo ông Nguyễn Bích Lâm, tại thời điểm 31/12/2018 tổng số thành viên trong các HTX hiện có là 5.998.378 thành viên. Tổng số nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh (SXKD) của HTX đang hoạt động có kết quả SXKD đạt 226.554 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng thời điểm 2017.

Năm 2018, doanh thu thuần của toàn bộ khu vực HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh đạt 88.586 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2017, tăng cao hơn nhiều so với tốc độ tăng nguồn vốn của HTX (1,8%).

Tổng lợi nhuận trước thuế của khu vực HTX đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 đạt 2.575 tỷ đồng. Thu nhập bình quân tháng của một lao động thuộc các HTX đang hoạt động có kết quả SXKD năm 2018 đạt 3,84 triệu đồng, tăng 3,2% so với năm 2017.

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm giới thiệu về sách trắng tại họp báo (Ảnh: HNV) 

Việc ban hành Sách trắng HTX Việt Nam nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà quản lý, nghiên cứu, sử dụng thông tin phục vụ mục tiêu phát triển HTX cả nước và các địa phương.

Nội dung gồm: những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển hợp tác xã cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2018 như bối cảnh phát triển hợp tác xã năm 2018; tổng quan phát triển hợp tác xã Việt Nam năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; đề xuất giải pháp phát triển hợp tác xã; bộ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 cả nước; bộ chỉ tiêu phát triển hợp tác xã năm 2018 và giai đoạn 2016-2018 các địa phương.

HTX là thành phần kinh tế quan trọng nhất của kinh tế tập thể, là một trong những thành phần kinh tế quan trọng đã được Đảng và Nhà nước xác định tại các Nghị quyết Đại hội Đảng (từ Đại hội lần thứ IV): "Phát triển nền kinh tế nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân", "Kinh tế tập thể phát triển với nhiều hình thức hợp tác đa dạng, trong đó hợp tác xã là nòng cốt". Do đó, phát triển kinh tế tập thể nói chung và phát triển hợp tác xã nói riêng đã trở thành chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Cũng theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm, do đây là năm đầu tiên biên soạn và công bố Sách trắng HTX Việt Nam, trong có nhiều nguồn thông tin, số liệu còn chênh lệch, do vậy, từ các năm tiếp theo, cụ thể năm 2021, Tổng cục Thống kê sẽ tổ chức Tổng điều tra kinh tế, phối hợp với các bộ, ngành để rà soát, thống nhất số lượng hợp tác xã và các khái niệm, nội hàm, hệ thống chỉ tiêu cần thu thập, tổng hợp và biên soạn Sách Trắng hợp tác xã thường niên, đảm bảo tính thống nhất giữa các bộ, ngành.

* Công bố sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020

Theo Tổng cục Thống kê, nội dung Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam năm 2020 gồm những thông tin cơ bản đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp cả nước và các địa phương giai đoạn 2016-2019, gồm 6 phần: Bối cảnh phát triển doanh nghiệp Việt Nam 2019; Tổng quan phát triển doanh nghiệp Việt Nam năm 2019 và giai đoạn 2016-2019; Một số nét chủ yếu về doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh năm 2018 và giai đoạn 2016-2018; Đề xuất giải pháp phát triển doanh nghiệp; Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2019 và giai đoạn 2016-2019 toàn quốc; Bộ chỉ tiêu đánh giá phát triển doanh nghiệp năm 2019 và giai đoạn 2016-2019 các địa phương.

Đánh giá về môi trường kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam, Tổng cục Thống kê cho biết năm 2019, tăng trưởng kinh tế đạt 7,02%, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát thấp nhất trong 3 năm qua. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa vượt mốc 500 tỷ USD.

Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện thu hút nhiều doanh nghiệp thành lập mới và đầu tư nước ngoài, số người có việc làm tăng. Tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm, thu nhập của người lao động tăng lên.

Cả nước có 758.610 doanh nghiệp đang hoạt động, tăng 6,1% so với cùng thời điểm năm 2018. Về mật độ, bình quân có 7,9 doanh nghiệp đang hoạt động trên 1.000 dân.

Riêng Sách trắng HTX Việt Nam 2020 là lần đầu tiên công bố, còn Sách trắng Doanh nghiệp Việt Nam đã được công bố từ 2019 (Ảnh: HNV)

Tính đến 31/12/2019, số doanh nghiệp thành lập mới là 138.139 doanh nghiệp, tăng 5,2% so với năm 2018; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 39.421 doanh nghiệp, tăng 15,9%.

“Có thể thấy môi trường sản xuất kinh doanh năm 2019 rất thuận lợi, rất tốt. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt mức cao nhất trong giai đoạn 2014-2019”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nói.

Ngoài ra, tổng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có đăng ký là 28.731 doanh nghiệp; số doanh nghiệp chờ giải thể là 43.711 doanh nghiệp; số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 16.840 doanh nghiệp.

Theo số liệu điều tra và cập nhật của ngành thống kê tại thời điểm 31/12/2018, số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh là 610.637 doanh nghiệp. Trong đó, có 269.169 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, 45.737 doanh nghiệp kinh doanh hòa vốn và 295.731 doanh nghiệp kinh doanh lỗ.

Tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh tại năm 2018 đạt 38,93 triệu tỷ đồng. Thu nhập bình quân tháng một lao động các doanh nghiệp này năm 2018 đạt 8,82 triệu đồng, tăng 6,6% so với năm 2017.

Trước những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 trong năm 2020, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho rằng cần khai thác và phát triển thị trường nội địa: nâng cao sức tiêu dùng trong nước, đẩy mạnh sản xuất, tăng cường số hóa trong doanh nghiệp,… để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu và cơ cấu khu vực doanh nghiệp để kết nối, nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu, nâng cao năng lực cạnh tranh./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực