Sáng 17/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng ông Seren Roed Pedersen, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, đã chủ trì phiên họp kỹ thuật của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên, với chủ đề “Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ thúc đẩy tăng trưởng xanh”. Thuộc khuôn khổ Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023 (Vietnam Business Forum - VBF 2023), đây là phiên khởi động và cũng là tiền đề để tổ chức thành công Phiên cấp cao - Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - sẽ diễn ra vào ngày 19/3 tới đây, với sự tham dự và chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Tham dự sự kiện còn có đại diện các Bộ, ngành; đại diện các tổ chức quốc tế, Hiệp hội doanh nghiệp; đại diện cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước; đại biểu trong nước và quốc tế; các cơ quan báo chí, truyền thông.
|
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: HNV) |
Phát biểu khai mạc phiên họp kỹ thuật của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, trải qua 25 năm hoạt động và phát triển, VBF đã luôn bám sát mục tiêu và nhiệm vụ là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan Chính phủ Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp đã phản biện, đưa ra khuyến nghị để hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời, không ngừng đổi mới từ tầm nhìn đến nội dung, phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, theo hướng quan tâm nhiều hơn với trách nhiệm cộng đồng; cùng đồng hành và tham mưu cho Chính phủ các giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc, năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức, tác động nhiều mặt, ảnh hưởng không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với toàn thế giới. Trong bối cảnh đặc biệt đó, nhờ sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời trên các lĩnh vực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, kinh tế - xã hội của Việt Nam đã có nhiều khởi sắc, phục hồi tích cực, đạt được những kết quả quan trọng và khá toàn diện; trở thành điểm sáng về tăng trưởng trong khu vực và trên thế giới. “Năm 2022, quy mô nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 400 tỷ USD với mức tăng trưởng 8,02%, vượt xa mục tiêu đề ra và là mức tăng cao nhất trong 10 năm qua. Hoạt động đầu tư, thương mại đều có sự tăng trưởng tích cực với tổng vốn đầu tư FDI đạt gần 30 tỷ USD, kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, đưa Việt Nam vào top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất thế giới. Mặc dù đang trong giai đoạn phát triển phục hồi hậu COVID-19, nhưng vốn thực hiện của khu vực đầu tư nước ngoài vẫn tăng 13,5% so với cùng kỳ, một lần nữa khẳng định sức hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam trên bản đồ đầu tư khu vực và toàn cầu. Những thành tựu này có được là nhờ sự chung tay hợp lực của toàn bộ hệ thống chính trị, sự ủng hộ của nhân dân, doanh nghiệp và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc nêu rõ.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của tăng trưởng xanh, hướng tới khát vọng phát triển nhanh, bền vững.Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.
Việc chuyển hướng sang phát triển kinh tế xanh là xu thế tất yếu và là mục tiêu mà Việt Nam đang hướng đến, nhằm thực hiện định hướng phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030; đồng thời tạo cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về tăng trưởng xanh, phục hồi xanh, bắt kịp xu thế phát triển mới của thế giới.
|
Các đại biểu trao đổi tại sự kiện. (Ảnh: HNV) |
Tại sự kiện, các đại biểu đã cùng nhau trao đổi về nhiều nội dung liên quan đến xây dựng thể chế, chính sách; riêng về phía cộng đồng doanh nghiệp đã nêu ra các vướng mắc, khó khăn nhằm tìm ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và ổn định sản xuất, kinh doanh; đồng thời, phát huy vai trò, sức mạnh lan tỏa và trách nhiệm xã hội của cộng đồng doanh nghiệp trong việc hỗ trợ Việt Nam sớm đạt được những mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Ông John Rockhold, đại diện nhóm công tác điện và năng lượng, đã khẳng định Việt Nam sẵn sàng cho quá trình chuyển dịch năng lượng với vị thế tốt hơn bao giờ hết để thu hút khu vực tư nhân đầu tư và hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng, hướng tới giảm phát thải. Nhóm công tác cũng ủng hộ việc tập trung xây dựng chính sách để tạo điều kiện tiếp cận tài chính khí hậu trong mọi lĩnh vực của ngành kinh tế và có cơ chế khuyến khích áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng, thu hút nguồn vốn cần thiết giảm phát thải cho nền kinh tế.
Liên quan tới thu hút đầu tư vào kinh tế tuần hoàn xanh, ông Micheal Digregorio, đại diện nhóm công tác môi trường, bày tỏ hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ trong việc lồng ghép những nguyên tắc chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn, kinh tế phát thải carbon thấp, kinh tế xanh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập về tái chế rác thải đô thị, ô nhiễm khói bụi và tiếng ồn… Do đó, cần lưu ý tới trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất đối với các vấn đề về môi trường.
Với ngành nông nghiệp, ông David John Whitehead, đại diện nhóm công tác nông nghiệp, cho rằng cần thúc đẩy tích cực hơn việc chuyển đổi hoạt động canh tác quy mô lớn từ các hộ canh tác nhỏ, cải thiện việc quản lý chất lượng, giảm thiểu tối đa ô nhiễm, tiết kiệm năng lượng, góp phần cải thiện truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm, kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn. Song song với đó, đặt ra một động lực tăng tốc trong chuyển đối số kết hợp nông nghiệp thông minh, cải thiện chuỗi cung ứng và logistic, nâng giá trị cạnh tranh nông nghiệp Việt trong bối cảnh mới.
Về kinh tế số, ông Seck Yee Chung, đại diện nhóm công tác kinh tế số, khuyến nghị cần cắt giảm thủ tục hành chính đối với các sản phẩm công nghệ thông tin – truyền thông, tạo điều kiện đổi mới, khuyến khích đầu tư và mở rộng hoạt động kinh doanh của công nghệ số…
Ông Brian O’Reilly, đại diện nhóm công tác về giáo dục nhấn mạnh, nền kinh tế Việt Nam cần sẵn sàng đón nhận cả thách thức lẫn cơ hội liên quan tới ngành giáo dục, trong đó, cần phải có những hành động, thay đổi kịp thời, xây dựng khung chính sách phù hợp để quản lý và phát triển, tạo dựng một môi trường phù hợp với các công nghệ sẵn có, đảm bảo hoạt động giáo dục hiệu quả và cạnh tranh ở tất cả các bậc học tại Việt Nam.
Theo kiến nghị của nhóm công tác nguồn nhân lực, phát triển xanh và bền vững sẽ liên quan đến kỹ năng, đầu tư và chuyển giao công nghệ quốc tế vào Việt Nam và để điều này diễn ra một cách hiệu quả, các doanh nhân và lao động nước ngoài có tay nghề cao có thể đến Việt Nam và quy trình có thể được hợp lý hóa, đơn giản hóa.
Hay như với lĩnh vực du lịch, bằng cách thực hiện cải thiện chính sách nhập cảnh, dịch vụ tại sân bay…, Việt Nam có thể tăng cường phát triển du lịch và thu hút nhiều du khách từ khắp nơi trên thế giới. “Du lịch không chỉ là nguồn thu nhập mà còn là cách thúc đẩy trao đổi văn hóa và hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia. Do đó, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này và giới thiệu ngày càng nhiều vẻ đẹp cũng như sự đa dạng đến với thế giới” – nhóm công tác du lịch khuyến nghị.
Phát triển xanh, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu và Chính phủ Việt Nam xác định đây là lựa chọn tối ưu cho phát triển bền vững, động lực tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn. Việt Nam là quốc gia đang phát triển với nguồn lực hạn chế nhưng đã có bước đi sớm trong quá trình này. Tuy nhiên, nguồn lực thực hiện cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam, cần có sự đồng hành của khu vực doanh nghiệp./.