Cung cấp thông tin trái cây có múi xuất khẩu sang Trung Quốc

Thứ ba, 07/02/2023 18:51
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Cục Bảo vệ Thực vật đề nghị các Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại địa phương triển khai rà soát tình hình thực tế sản xuất, đề xuất loại trái cây có múi xuất khẩu sang Trung Quốc.
 Các địa phương rà soát tình hình thực tế sản xuất, cung cấp thông tin về loại trái cây có múi có nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Bình Trung)

Ngày 7/2, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có Công văn 319/BVTV-HTQT gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố về việc đề xuất sản phẩm trái cây có múi có nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo Cục Bảo vệ thực vật, Cục nhận được thông báo từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc yêu cầu cung cấp thông tin và nhu cầu xuất khẩu các loại trái cây có múi sang Trung Quốc để tiến hành phân tích nguy cơ dịch hại đối với các loại cây này.

Do đó, để có căn cứ hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật và thúc đẩy mở cửa thị trường đối với các loại trái cây có múi của Việt Nam, Cục Bảo vệ Thực vật đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố chỉ đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh hoặc cơ quan chuyên môn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật tại địa phương triển khai rà soát tình hình thực tế sản xuất tại địa phương, đề xuất loại trái cây có múi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Đối với mỗi loại trái cây có múi đề xuất xuất khẩu, chủ trì, phối hợp với các tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn cung cấp các thông tin kỹ thuật. Thời hạn gửi thông tin về Cục Bảo vệ Thực vật trước ngày 1/5/2023, đồng thời gửi bản mềm qua địa chỉ email: htqt.bvtv@mard.gov.vn.

Thông tin kỹ thuật đối với từng loại trái cây có múi của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gồm:

1. Thông tin các loại trái cây có múi xuất khẩu sang Trung Quốc bao gồm: Tên khoa học, tên tiếng anh, tên giống xuất khẩu.

2. Tổng quan về tình hình sản xuất, diện tích vùng trồng, sản lượng và năng suất tại địa phương.

3. Quy trình canh tác.

4. Thông tin các loài sinh vật gây hại bao gồm: tên thông thường, tên khoa học, đặc điểm gây hại và biện pháp quản lý.

5. Danh sách thông tin vùng trồng, cơ sở đóng gói có nhu cầu xuất khẩu trên địa bàn tỉnh bao gồm: tên vùng trồng, cơ sở đóng gói, địa chỉ, diện tích, sản lượng dự kiến, năng suất, thời gian thu hoạch.

6. Quy trình quản lý sinh vật gây hại tại cơ sở đóng gói.

7. Quy trình thu hoạch, bảo quản, đóng gói và vận chuyển.

B.T

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực