Đà Lạt sẽ là đô thị trọng điểm phát triển du lịch gắn với kinh tế ban đêm

Thứ ba, 25/06/2024 18:52
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Theo Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đà Lạt được định hướng phát triển các sản phẩm phù hợp với đô thị trọng điểm phát triển du lịch gắn với kinh tế ban đêm.
 Đà Lạt được định hướng phát triển các sản phẩm phù hợp với đô thị trọng điểm phát triển du lịch gắn với kinh tế ban đêm. (Ảnh: TL)

Theo đó, quan điểm quy hoạch là phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và đi vào chiều sâu; chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GDP, tạo động lực thúc đẩy các ngành và lĩnh vực khác; góp phần quan trọng hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại.

Phát triển du lịch quốc tế đồng thời với tăng cường khai thác hiệu quả du lịch nội địa; phát huy hiệu quả vai trò động lực của doanh nghiệp và cộng đông dân cư; tăng cường hiệu quả liên kết ngành giữa du lịch với cách ngành, lĩnh vực khác và liên kết vùng, địa phương và quốc tế.

Phát triển du lịch trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế quốc gia, phát huy yếu tố con người, lấy giá trị văn hóa Việt Nam làm nền tảng; gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc.

Phát triển du lịch gắn với chuyển đổi số, tận dụng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh.

Phát triển du lịch bền vững, sáng tạo, trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững của Liện Hiệp Quốc; bảo vệ môi trường, ứng phó linh hoạt và hiệu quả với rủi ro biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Mục tiêu tổng quát đặt ra là đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.

Theo Quy hoạch, định hướng quy hoạch phát triển không gian du lịch Việt Nam gồm: 6 vùng, 3 cực tăng trưởng, 8 khu vực động lực, 5 hành lang du lịch chính, 11 trung tâm du lịch; hình thành hệ thống các Khu du lịch quốc gia và địa điểm tiềm năng phát triển thành Khu du lịch quốc gia.

Về định hướng phát triển các dòng sản phẩm du lịch chính, Đà Lạt - Lâm Đồng nằm trong định hướng phát triển sản phẩm du lịch gắn với các đô thị trọng điểm phát triển du lịch, như: Sa Pa (Lào Cai), Hạ Long (Quảng Ninh), Nha Trang (Khánh Hòa), Đà Lạt (Lâm Đồng), Phan Thiết (Bình Thuận), Phú Quốc (Kiên Giang); chú trọng gắn kết du lịch với công nghiệp văn hóa và phát triển kinh tế ban đêm.

Lâm Đồng cùng với các tỉnh Tây Nguyên phát triển các sản phẩm du lịch trên cơ sở khai thác thế mạnh cảnh quan thiên nhiên, hệ sinh thái đa dạng và bản sắc văn hóa đặc trưng. Ưu tiên phát triển các sản phẩm mang đặc trưng riêng của vùng: Du lịch khám phá, trải nghiệm thiên nhiên vùng đất cao nguyên, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; du lịch “Con đường xanh Tây Nguyên”; du lịch nghỉ dưỡng núi, du lịch sinh thái.

Tăng cường liên kết khai thác tài nguyên du lịch và tận dụng lợi thế về kết cấu hạ tầng theo các cụm: Gia Lai - Kon Tum; Lâm Đồng; Đắk Lắk - Đắk Nông. Liên kết với vùng Đông Nam theo hành lang du lịch Bắc - Nam phía Tây; với vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, với CHDCND Lào theo hành lang du lịch Đông - Tây (miền Trung).

Đồng thời, Lâm Đồng cũng được xác định nằm trong 1 trong 8 khu vực động lực du lịch sẽ được xây dựng và hình thành trong thời gian tới để tập trung nguồn lực, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, lan tỏa và thúc đẩy những lợi ích và giá trị của du lịch.

Khu vực động lực phát triển du lịch Khánh Hòa - Lâm Đồng - Ninh Thuận - Bình Thuận sẽ thúc đẩy phát triển du lịch trên cơ sở tăng cường liên kết giữa vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung với vùng Tây Nguyên; đa dạng hóa sản phẩm trên cơ sở kết nối giữa du lịch nghỉ dưỡng núi với nghỉ dưỡng biển, văn hoá vùng đồng bằng với không gian văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên.

Đà Lạt - Lâm Đồng cũng nằm trong 11 trung tâm phát triển du lịch gắn với các đô thị có tiềm năng và lợi thế nổi trội, cùng với Hạ Long (Quảng Ninh), Ninh Bình (Ninh Bình), Huế (Thừa Thiên - Huế), Đà Nẵng, Hội An (Quảng Nam), Quy Nhơn (Bình Định), Nha Trang (Khánh Hòa), Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang). Các trung tâm du lịch này sẽ ưu tiên phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ gắn với các định hướng phát triển kinh tế ban đêm.

Về danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển du lịch quốc gia theo quy hoạch, Lâm Đồng có Đan Kia - Suối Vàng. Địa điểm này đồng thời cũng thuộc nhóm dự án đầu tư phát triển hạ tầng để trở thành Khu du lịch quốc gia (bao gồm lập Quy hoạch chung xây dựng).

Về chương trình, dự án ưu tiên đầu tư, Khu du lịch quốc gia Tuyền Lâm - Lâm Đồng thuộc nhóm dự án đầu tư phát triển hạ tầng các Khu du lịch quốc gia đã được công nhận, để cải thiện, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch theo chiều sâu; đồng thời, thành phố Đà Lạt nằm trong nhóm dự án đầu tư phát triển hạ tầng các trung tâm du lịch gắn với đô thị có tiềm năng và lợi thế, để phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, hiện đại, bảo đảm các điều kiện kỹ thuật, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho du khách, thu hút đầu tư phát triển du lịch.

TT (Tổng hợp)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực