Ông Sebastian Eckardt – Chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam (Ảnh: M.P)
Đánh giá chung về 4 sáng kiến của Việt Nam tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC (FMM) lần này, ông Sebastian Eckardt cho rằng, cả 4 sáng kiến của Việt Nam rõ ràng đều rất quan trọng đối với APEC. Đặc biệt, chống xói mòn thuế và chuyển dịch lợi nhuận là một chủ đề quan trọng đối với một đất nước đang hội nhập mạnh mẽ, với nhiều công ty đang hoạt động xuyên biên giới. Trong khi đó, tài chính và bảo hiểm rủi ro về thiên tai cũng quan trọng bởi vì Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều vấn đề liên quan đến môi trường. Cùng với đó, đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng cũng không kém phần quan trọng đối với không chỉ Việt Nam mà còn nhiều nền kinh tế khác. Tài chính toàn diện cũng cần được chú trọng bởi vì việc đạt được tài chính bao trùm và đảm bảo rằng người dân và các doanh nghiệp được tiếp cận với nhiều nguồn tài chính sẽ giúp đẩy mạnh tăng trưởng và tăng cường lợi nhuận.
Đối với vấn đề chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận Việt Nam đã có đề xuất, ông Sebastian Eckardt đánh giá, đây là một chủ đề rất quan trọng bởi vì tại đây có nhiều công ty đa quốc gia đang hoạt động và những công ty này đang hoạt động xuyên biên giới nên sẽ là rất quan trọng để có đầu tiên là khuôn khổ đầu tư pháp lý (legal investment framwork), bao gồm giá chuyển đổi (transfer pricing).
Về đề xuất của Việt Nam trong bảo hiểm rủi ro thiên tai, ông Sebastian Eckardt cũng cho rằng đây là một chủ đề quan trọng. Nhất là giữa bối cảnh Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ các cú sốc về khí hậu. Các ước tính của WB cho thấy trung bình nền kinh tế Việt Nam để thất thoát đến gần 0,5% của GDP mỗi năm, nên vấn đề là làm thế nào để tìm ra một hướng đi hiệu quả nhằm kiểm soát rủi ro và bảo đảm tính an toàn về tài chính, để trong trường hợp thảm họa xảy ra, các nguồn tài chính có thể được huy động một cách nhanh chóng nhằm hỗ trợ giảm nhẹ những tác động của rủi ro và đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu.
Ông Sebastian Eckardt cũng đánh giá Việt Nam có vai trò ngày càng lớn trong không chỉ APEC mà còn trên thế giới, và tất nhiên Việt nam là một nền kinh tế mở, nên sẽ là rất quan trọng đối với Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trong khu vực và hơn thế nữa.
Bà Michelle Thesrese Curry – Tổng Giám đốc Quỹ Hợp tác Phát triển Australia (Ảnh: M.P)
Trao đổi bên lề hội nghị, bà Michelle Thesrese Curry – Tổng Giám đốc Quỹ Hợp tác Phát triển Australia chia sẻ về việc làm thế nào để hỗ trợ phụ nữ trong vấn đề tài chính.
Bà Michelle Thesrese Curry cho biết, "trong hội nghị lần này, chúng tôi sẽ tập trung kiến nghị về những giải pháp quản lý rủi ro tài chính, đặc biệt là việc đào tạo tập trung vào phụ nữ ở những khu vực nông nghiệp, nông thôn trong việc sử dụng tài chính tín dụng thông qua ngân hàng".
Bà Michelle Thesrese Curry cho rằng, chính phủ của các nước khu vực Châu Á -Thái Bình Dương cần phải đưa ra các khuyến nghị trong việc hợp tác với nhau để giải quyết các vấn đề tài chính. Trong đó, nền tảng của hợp tác trong lĩnh vực tài chính bao trùm nằm trong khuôn khổ hợp tác Hội đồng Tư vấn kinh doanh APEC (ABAC) và sự hình thành của các khuyến nghị khác thông qua các dự thảo đã được thảo luận trong suốt 1 năm qua.
Đối với quản trị tài chính trong nông nghiệp và nông thôn, theo bà Michelle Thesrese Curry, có rất nhiều giải pháp cho vấn đề này. Ví dụ như tăng cường kết nối, tăng nhận thức và tăng cơ hội hiểu biết chung, đưa vấn đề ra bàn thảo trong khuôn khổ sáng kiến giải pháp đổi mới bảo vệ người tiêu dùng, phối hợp chặt chẽ với nhau và cả trong những yếu tố khác liên quan đến các nhà hoạch định chính sách về bảo vệ môi trường.
“Đóng góp của khu vực vùng sâu vùng xa đang ngày càng tăng vì nhiều lý do liên quan đến kinh tế vĩ mô. Điều này có thể thấy rõ qua sự phát triển bền vững của lĩnh vực nông nghiệp, chất lượng của vụ mùa được nâng cao, cơ hội tiếp cận đối với công nghệ ngày càng nhiều và các lợi ích của yếu tố tài chính và vốn. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn cho tất cả mọi người” - bà Michelle Thesrese Curry chia sẻ./.