​Đak Đoa: Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giúp tăng giá trị sản phẩm

Thứ hai, 28/10/2024 16:55
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Những năm gần đây, huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) nhờ có áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã từng bước giúp địa phương có sự chuyển biến về kinh tế - xã hội. Hiện người dân ở đây đang đẩy mạnh chuyển đổi, cải tạo giống, liên kết sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm.

Nông nghiệp là thế mạnh của địa phương

Sản xuất cà phê tại xã Hà Bầu. Ảnh: Nguyễn Diệp 

Đak Đoa là một huyện nằm ở phía Đông tỉnh Gia Lai cách thành phố Pleiku khoảng 15 km, có tổng diện tích đất tự nhiên là: 98.530,60 ha. Trong đó,  đất nông nghiệp là 86.139,80 ha chiếm 87,42% tổng diện tích đất tự nhiên của toàn huyện. Tổng dân số của toàn huyện là 131.867 người; có 3 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Kinh chiếm 40,82% (53.831 người), Banar chiếm 38,63% (50.943 người), Jarai chiếm 19,93% (26.286 người), dân tộc khác chiếm 0,62% (807 người). Huyện có 1 thị trấn và 16 xã.

Những năm gần đây, kinh tế của huyện đã có sự chuyển biến rõ rệt và luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá. Đến cuối năm 2023, tổng giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) đạt 10.858 tỷ đồng, tăng 10,7% so năm 2022. Trong đó, riêng ngành Nông - Lâm - Thủy sản đạt 3.690 tỷ đồng; ngành Công nghiệp - Xây dựng đạt 3.063 tỷ đồng; ngành Dịch vụ đạt 4.105 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn, cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp theo định hướng. Nhờ đó, đời sống của người dân cũng có sự thay đổi theo chiều hướng ngày càng tốt lên với mức thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt 56 triệu đồng/người/năm.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Kim Anh, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đak Đoa cho biết, trên địa bàn huyện Đak Đoa hiện nay, nông nghiệp vẫn là thế mạnh. “Huyện đã triển khai xây dựng Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chất lượng cao vào sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu; đẩy mạnh việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá phù hợp với nhu cầu thị trường, hình thành các vùng sản xuất tập trung như cà phê, hồ tiêu, chuối, lúa nước,... và từng bước chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương”, ông Nguyễn Kim Anh chia sẻ.

Được biết, hiện nay, trên địa bàn huyện Đak Đoa đang trồng khoảng 28.000 ha cây cà phê; 2.000 ha hồ tiêu; lúa nước khoảng 6.445 ha, chanh dây khoảng 700 ha, cây ăn quả khoảng 2.960 ha, cây dược liệu khoảng 250 ha. Về chăn nuôi, quy mô đàn bò với khoảng 19.660 và quy mô đàn heo ước khoảng 40.450 con.

Nâng cao giá trị sản xuất của sản phẩm nông nghiệp

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đak Đoa chia sẻ, trong những năm gần đây nhờ có áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, huyện đã từng bước có sự chuyển biến về kinh tế - xã hội. Là một huyện có diện tích cây công nghiệp, cây lương thực khá lớn, vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã được người dân từng bước chuyển dịch, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi, cải tạo giống, liên kết sản xuất nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, ứng dụng cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững trong quá trình sản xuất nên năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm nông nghiệp ngày càng được nâng cao.

Mô hình chuyển đổi diện tích đất lúa thường xuyên bị hạn sang trồng rau màu ở xã Ia Băng (huyện Đak Đoa) mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Lê Nam 

Đối với một số cây trồng chủ lực trong đó có cây cà phê, hiện bà con đang tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, chế biến sâu, tiếp tục mở rộng liên kết sản xuất. Diện tích cà phê được liên kết tiêu thụ và chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng 4C, UTZ, Rainforest, hữu cơ, ... lên trên 13.000 ha chiếm 45% tổng diện tích cà phê toàn huyện. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các thành viên tham gia liên kết sản xuất, góp phần dần thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang liên kết sản xuất hợp tác, tập trung. Hơn nữa, qua đây, người dân có thể nâng cao chất lượng cà phê, chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm.

Cũng như cây cà phê, đối với cây hồ tiêu, hiện nay địa phương không mở rộng thêm, mà chỉ tập trung chăm sóc, tăng cường các biện pháp thâm canh bền vững, tiếp tục mở rộng tỷ lệ tiêu có chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng. Thực hiện các dự án sản xuất và thương mại hồ tiêu bền vững do Liên minh Châu Âu, IDH và Hiệp hội gia vị Châu Âu nhằm thúc đẩy sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế; Xây dựng và phát triển mô hình thâm canh hồ tiêu bền vững theo tiêu chuẩn Olam Clean Peper (OCP).

Cũng theo ông Nguyễn Kim Anh, nhằm nâng cao giá trị sản xuất của sản phẩm nông nghiệp, huyện đã và đang tập trung triển khai Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm. Tới nay toàn huyện có trên 37 sản phẩm OCOP, trong đó có 6 sản phẩm đạt 4 sao và 33 sản phẩm đạt 3 sao của 6 Hợp tác xã, 1 doanh nghiệp và 16 hộ kinh doanh. Ông Kim Anh cũng chia sẻ tin vui là trong năm 2024, huyện mới được đánh giá thêm 5 sản phẩm mới, hiện đang chờ tỉnh công nhận.

“Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất đã được người dân chú trọng đầu tư, nhằm giảm chi phí sản xuất, nhân công, thích ứng với biến đổi khí hậu. Hệ thống công nghệ được ứng dụng chủ yếu theo hệ thống công nghệ tiêu chuẩn Israel, hệ thống tưới nhỏ giọt thông thường và tưới phun mưa. Đây là tiền đề để các cây ăn quả trên địa bàn huyện được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường khác, giảm tình trạng tồn đọng nông sản tại địa phương”, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đak Đoa Nguyễn Kim Anh cho biết.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, tuy nhiên địa phương vẫn còn nhiều tồn tại, khó khăn. Ông Kim Anh nhìn nhận, kết quả tái cơ cấu nông nghiệp mới chỉ là bước đầu và chưa tạo được chuyển biến rõ rệt ở những vùng xã, vùng khó khăn; vẫn còn kinh tế hộ nhỏ lẻ, sản xuất truyền thống; hiệu quả hoạt động của các HTX, Tổ hợp tác, nông hội chưa phát huy hết hiệu quả.

Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp chưa thật sự gắn kết giữa sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn thấp. Tỷ lệ nông sản được doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm chưa nhiều, phải tiêu thụ qua thương lái, đại lý nên giá bán thấp, bấp bênh, thiếu tính bền vững. Đồng thời, phần lớn nông sản đang được tiêu thụ ở dạng thô, sơ chế, giá trị gia tăng thấp, chưa tạo được nhiều thương hiệu.

Trong thời gian tới, ông Kim Anh cho rằng, địa phương xác định rõ, nông nghiệp vẫn là thế mạnh của huyện, là nội lực để triển khai xây dựng nông thôn mới. Huyện sẽ tập trung triển khai các chương trình, nghị quyết, kế hoạch nhằm phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đồng thời, tổ chức triển khai có hiệu quả Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực