Đảm bảo chất lượng nguồn giống phục vụ nghề nuôi tôm

Thứ ba, 09/05/2017 20:58
(ĐCSVN) - Sáng 9/5, tại Hà Nội, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm trực tuyến với nội dung “Những vấn đề đặt ra trong sản xuất và cung ứng tôm giống”. Tọa đàm nằm trong chuỗi chủ đề “Ngành tôm hướng đến mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD”.

Hình ảnh tại tọa đàm (Ảnh: BT)

Tại tọa đàm, ông Trần Đình Luân – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, những năm trở lại đây, thị trường tôm giống phát triển khá sôi động với khoảng 1.800 cơ sở sản xuất giống. Trong đó, tôm thẻ chân trắng có 566 cơ sở sản xuất, tôm sú trên 1.300 cơ sở sản xuất. Công suất đáp ứng đủ cho người nuôi. Tuy nhiên, đối với tôm thẻ bố mẹ, trên 90% giống vẫn phải nhập ngoại. Tôm sú chủ yếu phụ thuộc đánh bắt ngoài tự nhiên. Với các cơ sở sản xuất giống, đã có các cơ sở đạt an toàn sinh học, dù vậy, vẫn còn  các cơ sở nhỏ lẻ không đảm bảo chất lượng; chất lượng tôm giống đâu đó vẫn còn chưa triệt để về chất lượng.

Cũng theo ông Trần Đình Luân, để phát huy thế mạnh của nghề tôm, ngành nông nghiệp đã tập trung nghiên cứu để chọn tạo lai hóa tôm bố mẹ, đồng thời mời các doanh nghiệp tham gia vào quá trình chọn tạo sản xuất, cung ứng đủ tôm bố mẹ, chủ động sản xuất trong nước.

Chia sẻ về rào cản hạn chế năng lực cung ứng nguồn tôm giống, ông Lê Anh Xuân – Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần thủy sản N.G Vietnam cho rằng, hạn chế hiện nay do nguồn tôm bố mẹ của các cơ sở sản xuất giống hầu hết phụ thuộc khai thác đánh bắt tự nhiên. Các cơ sở sản xuất tôm giống vẫn còn nhiều yếu kém về hạ tầng kỹ thuật; khả năng tiếp thu ứng dụng khoa học công nghệ còn hạn chế nên chưa chủ động sản xuất tôm giống chất lượng và an toàn sinh học.

Cũng theo ông Lê Anh Xuân, để bà con có thể mua được tôm sạch bệnh, ở góc độ quản lý nhà nước, cần tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất thường xuyên, sớm phân loại các cơ sở sản xuất giống đạt chứng chỉ A, B, C để người dân phân biệt được chất lượng giống và giá thành ở các cơ sở sản xuất. Đồng thời, với bà con, nên mua tôm giống ở các cơ sở có uy tín, thực hiện kiểm tra trong quá trình nuôi.

Về vấn đề này, ông Trần Đình Luân cho biết thêm, đối với các cơ sở nuôi nhỏ lẻ, khó tiếp cận với các cơ sở sản xuất giống tốt ở các tỉnh, thành khác, cần tổ chức thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, liên kết với cơ quan quản lý nhằm chọn tôm giống chất lượng. Đồng thời, việc liên kết sẽ giảm chi phí đầu vào khi mua với số lượng lớn. Đây là một trong những điều kiện để người nuôi tiếp cận được tôm giống chất lượng.

Bên cạnh đó, theo ông Lê Anh Xuân, để có chất lượng tôm giống tốt, các cơ sở sản xuất cần tuân thủ thực hiện nhiều yếu tố. Trong đó, cần đảm bảo có nguồn tôm bố mẹ tốt đảm bảo khả năng sản xuất được giống tốt; trại giống đảm bảo điều kiện an toàn sinh học. Đồng thời, nguồn nước phục vụ trước, trong sản xuất giống được xử lý nhiều cấp, đảm bảo nguồn nước sạch; thức ăn phục vụ tôm giống phải dùng thức ăn chất lượng cao, thức ăn tạo tươi,… Qua đó, tạo điều kiện đảm bảo chất lượng nguồn tôm giống./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực