Đó là khẳng định của TS. Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN Việt Nam khi chia sẻ với báo chí về định hướng điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng năm 2024.
|
TS. Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN (Ảnh: ĐK) |
Linh hoạt, chủ động trong điều hành chính sách tiền tệ
Phóng viên: Năm 2023, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, thách thức, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng ra sao để hóa giải những thách thức đó, thưa Phó Thống đốc?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Có thể nói, năm 2023 là một năm kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam, đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và diễn biến phức tạp, khó lường. Những tác động tiêu cực từ kinh tế thế giới cùng nhiều khó khăn nội tại đã khiến các động lực tăng trưởng xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng của Việt Nam đều bị ảnh hưởng, tạo thách thức, áp lực rất lớn cho Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Điều hành CSTT của NHNN cũng không ngoại lệ khi phải thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu, như kiểm soát lạm phát; ổn định tỷ giá, thị trường tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng... trong khi thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản trong nước trầm lắng và gặp nhiều khó khăn nên vốn phục vụ phát triển sản xuất - kinh doanh (SX-KD) cho nền kinh tế dựa chủ yếu vào kênh tín dụng ngân hàng.
Bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ; các chỉ đạo của Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã linh hoạt điều chỉnh chính sách, ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, tối ưu các công cụ, giải pháp điều hành CSTT và hoạt động ngân hàng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế và đảm bảo sự phát triển an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD). Trong đó, NHNN đặc biệt quan tâm chỉ đạo mở rộng tín dụng hiệu quả bằng nhiều giải pháp để hỗ trợ giải quyết khó khăn về vốn cho doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ phát triển SX-KD, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Phóng viên: Xin Phó Thống đốc cho biết cụ thể hơn về những giải pháp mà NHNN đã triển khai?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Trong năm 2023, những giải pháp chính mà NHNN đã triển khai, đó là:
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp lý trong hoạt động cấp tín dụng nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của TCTD, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động tín dụng. Trong đó, đặc biệt là ban hành và tổ chức triển khai Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm tạo điều kiện cho khách hàng được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, kéo dài thời gian trả nợ mà không bị chuyển nhóm nợ xấu, được tiếp cận các khoản vay mới phục vụ SX-KD, tiêu dùng; các Thông tư 03/2023/TT-NHNN, 06/2023/TT-NHNN, 10/2023/TT-NHNN nhằm hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản... Bên cạnh đó, NHNN cũng đang tập trung xây dựng dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) để trình Quốc hội thông qua theo hướng bỏ quy định về áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay trước khi cấp tín dụng; đơn giản hóa thủ tục các khoản cho vay tiêu dùng, cho vay nhỏ lẻ phục vụ đời sống; sửa đổi, bổ sung quy định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng, thực hiện các hoạt động kinh doanh ngân hàng bao gồm hoạt động cấp tín dụng bằng phương tiện điện tử.
Thứ hai, điều hành lãi suất theo hướng giảm mạnh để hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp (DN) và tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Trong bối cảnh lãi suất thế giới tiếp tục tăng và neo ở mức cao, NHNN đã điều chỉnh giảm liên tục 04 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2,0%/năm. Đồng thời, chỉ đạo các TCTD tiết giảm chi phí và áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các NHTM giảm hơn 2,5%/năm so cuối năm 2022 và sẽ còn tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Thứ ba, mở rộng tín dụng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Với định hướng tăng trưởng tín dụng (TTTD) khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp diễn biến thực tế, trong năm NHNN đã thông báo chỉ tiêu TTTD cho từng TCTD với tổng mức thông báo là 14,5%. Trước tình hình TTTD toàn hệ thống ở mức thấp hơn kỳ vọng và không đồng đều giữa các TCTD, NHNN đã linh hoạt điều hòa chỉ tiêu TTTD từ TCTD không sử dụng hết chỉ tiêu được giao sang các TCTD có khả năng TTTD cao hơn số đã được giao và tiếp tục điều hành để TTTD năm 2023 không vượt quá chỉ tiêu định hướng đầu năm song vẫn đảm bảo dư địa, thanh khoản đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế và an toàn hệ thống TCTD.
Thứ tư, tổ chức gần 450 cuộc gặp gỡ, đối thoại, kết nối ngân hàng - DN trên toàn quốc, các Hội nghị tín dụng chuyên đề về nhiều lĩnh vực: bất động sản, DN nhỏ và vừa, nông sản xuất khẩu chủ lực,… nhằm kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Thứ năm, triển khai các chương trình tín dụng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho một số ngành, lĩnh vực như chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; chương trình hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho một số mặt hàng nông sản chủ lực; chương trình tín dụng cho công nhân theo thỏa thuận hợp tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và 02 công ty tài chính (HD Saison và FECredit); chính sách hỗ trợ lãi suất từ ngân sách đối với khoản vay của DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP; các chương trình cho vay của ngân hàng chính sách xã hội thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ và Nghị Quyết 43 của Quốc hội.
Thứ sáu, chỉ đạo các TCTD tiếp tục đơn giản hóa các quy trình, thủ tục; rà soát, cắt giảm các loại phí, lệ phí không cần thiết,... tạo điều kiện thuận lợi hơn cho DN, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Có thể nói, mặc dù phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức phức tạp và chưa có tiền lệ, nhưng với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt của NHNN, đến cuối năm 2023, TTTD tăng 13,71% so cuối năm 2022, mức tăng này tuy có thấp hơn định hướng đặt ra do nhiều nguyên nhân cả khách quan, chủ quan song cũng đã cung ứng thêm vào nền kinh tế gần 1,5 triệu tỷ tín dụng so năm 2022.
Chỉ dấu về niềm tin của người dân tăng cao
Phóng viên: Theo số liệu thống kê, lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng tăng cao. Đây được xem là một chỉ dấu về niềm tin của người dân vào hệ thống ngân hàng. Xin Phó Thống đốc cho biết quan điểm về vấn đề này?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Đến cuối năm 2023, huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng ở mức khá cao, tăng gần 13,5% so cuối năm 2022, trong đó tiền gửi bằng VND của dân cư tăng khoảng 12,5% so cuối năm 2022, qua đó phản ánh niềm tin của người dân, tổ chức vào thành quả ổn định kinh tế vĩ mô, an toàn hệ thống các TCTD cũng như niềm tin vào VND. Đây là một điểm thuận lợi và cũng phản ánh nỗ lực của toàn ngành ngân hàng nói chung và NHNN nói riêng trong năm qua. Việc tập trung được nguồn tiền nhàn rỗi trong dân vào hệ thống ngân hàng sẽ giúp hệ thống ngân hàng chủ động, linh hoạt hơn trong điều tiết thanh khoản, cung ứng vốn, tạo điều kiện giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế để phục hồi hoạt động SX-KD sau COVID-19, nhất là trong bối cảnh việc giải ngân vốn đầu tư công còn khó khăn.
Phóng viên: Trên cơ sở đó, trong năm 2024, NHNN sẽ thực hiện việc điều hành CSTT như thế nào, thưa Phó Thống đốc?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Trong năm 2024, triển vọng kinh tế toàn cầu và thị trường quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, tính bất định cao trong bối cảnh xung đột địa chính trị leo thang, lạm phát cao dai dẳng tại các nước, xu hướng duy trì lãi suất cao tiếp diễn tại nhiều quốc gia. Theo đó, NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước, điều hành CSTT chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, tận dụng hiệu quả điều kiện thuận lợi khi tăng trưởng tiền gửi ở mức khá nhằm góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ trưởng kinh tế hợp lý. Trong đó:
Tiếp tục theo dõi sát diễn biến tiền tệ trong nước, quốc tế, dự báo lạm phát và lãi suất thị trường để điều hành lãi suất phù hợp cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu CSTT, NHNN sẽ tiếp tục có các giải pháp khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN phục hồi và phát triển SX-KD. Điều hành tỷ giá linh hoạt, phù hợp, can thiệp thị trường khi cần thiết và phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT để ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Triển khai các giải pháp điều hành kịp thời, phù hợp, chủ động, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế. Chỉ đạo các TCTD hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực SX-KD, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của ngành ngân hàng tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
|
Đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển SX-KD vẫn luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành Ngân hàng (Ảnh: M.P) |
Cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành
Phóng viên: Thực tế, nguồn vốn của nền kinh tế vẫn phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, NHNN có định hướng điều hành tín dụng ra sao để tiếp tục đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế?
Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Trong bối cảnh thị trường vốn của Việt Nam vẫn gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn của nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng thì nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu vốn cho phát triển SX-KD vẫn luôn là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của ngành Ngân hàng.
Vì vậy, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến kinh tế trong nước và quốc tế để điều hành CSTT, tín dụng chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để vừa góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa đảm bảo cung ứng vốn tín dụng hợp lý cho nền kinh tế, góp phần tháo gỡ khó khăn cho SX-KD, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo chủ trương chung của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Cụ thể: NHNN sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách có liên quan để tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng trong thời gian tới, như: nghiên cứu để có thể từng bước tháo bỏ cơ chế hạn mức tín dụng để tiến tới tạo chủ động cho NHTM thúc đẩy TTTD nhưng vẫn kiểm soát được mức TTTD chung cả nền kinh tế phù hợp yêu cầu kiểm soát lạm phát và an toàn lành mạnh của các TCTD; kéo dài thời gian thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN đến hết năm 2024; sửa đổi hoặc bãi bỏ quy định về điều kiện đối với việc mua lại trái phiếu DN; sửa đổi, hoàn thiện các quy định về cấp tín dụng; khuyến khích TCTD mở rộng cho vay nhà ở xã hội, khu công nghiệp và cho vay nông nghiệp, nông thôn thông qua giảm hệ số rủi ro tín dụng đối với các khoản phải đòi này...
Bên cạnh các giải pháp của ngành Ngân hàng, tôi cho rằng cũng cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành nhằm kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu; khai thác thị trường nội địa; cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính; ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu DN; Xử lý các vấn đề tồn tại của thị trường bất động sản, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa; Xử lý các tổ chức, cá nhân lợi dụng, trá hình kinh doanh tiền tệ bất hợp pháp (qua mạng và đòi nợ thuê)…
Về phía cộng đồng DN, cần thiết nâng cao năng lực, khả năng hấp thụ vốn thông qua các biện pháp tái cấu trúc hoạt động, nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án SX-KD khả thi, minh bạch tình hình tài chính… để TCTD có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay và tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Phó Thống đốc!