Chăm sóc rau sạch trong nhà lưới phục vụ thị trường Tết Mậu Tuất ở Đông Nam bộ. (Ảnh: K.V)
Ngay từ đầu tháng 12 âm lịch, những người trồng rau màu ở huyện Cần Đước, Cần Giuộc và TP.Tân An, tỉnh Long An đã bắt tay vào vụ sản xuất chuẩn bị cho Tết Nguyên đán. Hiện toàn tỉnh Long An có khoảng 3.600ha diện tích trồng rau màu, chủ yếu là rau ăn lá, rau gia vị, rau ăn quả...
Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hiệp, xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc có 110 xã viên tham gia sản xuất trên diện tích 35ha, trong đó có gần 5ha được trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP. Vụ rau Tết năm nay, Hợp tác xã mở rộng thêm 20% diện tích trồng rau, sản lượng tăng hơn 20% so với thường ngày, tập trung vào các loại như cải xanh, cải ngọt, hành lá, rau sống… Hiện nay, rau màu có giá cao, nông dân huyện Cần Giuộc đang tích cực chăm sóc để phục vụ thị trường Tết. Thời gian qua, thời tiết bất thường, ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng rau cung cấp cho thị trường, vì vậy giá rau màu tăng cao, tuy nhiên vẫn đủ sản lượng cung cấp cho thị trường tại chỗ.
Theo ông Phạm Văn Tăng, Phó Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa, huyện Cần Đước, vụ Tết, lượng rau bán tăng gấp 3 đến 4 lần và giá cao hơn so với ngày thường. Năng suất vụ rau Tết cũng cao và ít sâu, bệnh hơn các vụ khác. Chính vì vậy sẽ bảo đảm đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tổng diện tích trồng rau màu các loại trên địa bàn tỉnh phục vụ cho dịp Tết năm nay là 3.240ha. Do thời tiết cuối năm thuận lợi, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh dự báo năng suất vụ rau Tết Mậu Tuất 2018 sẽ tăng từ 15% đến 20% so với năm trước. Do đó, lượng rau cung cấp cho thị trường sẽ khá dồi dào, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng. Tuy nhiên, do nhu cầu tăng đột biến nên giá của một số loại rau màu như súp lơ, su hào, hành, các loại rau gia vị sẽ vẫn tăng từ 30% đến 50% so với ngày thường.
Bên cạnh phục vụ trước và trong Tết, nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đang tích cực chăm sóc cho vụ rau xanh phục vụ thị trường sau Tết. Theo bà Lộ Thị Na, một hộ trồng rau ở xã Tân Hải, huyện Tân Thành, ra Tết là thời điểm tàu, thuyền trên địa bàn tỉnh đồng loạt mở biển đầu năm nên nhu cầu về rau xanh sẽ tăng mạnh, giá cũng cao hơn. Để đáp ứng nguồn rau phục vụ sau Tết, gia đình bà Na vừa xuống giống 4.000m2 rau cải xanh, cải ngọt, rau dền…
Để chuẩn bị có đủ lượng rau xanh phục vụ trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018, bà con nông dân xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cũng đang khẩn trương chăm sóc nhiều loại rau màu để cung ứng cho thị trường.Vụ đông xuân năm nay, xã An Hải đã trồng 200 ha rau màu các loại để cung cấp thị trường dịp Tết Mậu Tuất, trong đó, cà rốt, củ cải trắng, hành lá... vẫn là cây trồng chủ lực. Để rau màu phát triển tốt, xã An Hải đã tích cực vận động nông dân tập trung chăm sóc cây trồng, đặc biệt là áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, như mô hình tưới nước tiết kiệm, trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP để nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Dự kiến, trong dịp Tết này, toàn xã An Hải sẽ cung cấp hàng chục tấn rau phục vụ thị trường trong và ngoài tỉnh.
Từ giữa tháng 12/2017 đến nay, nông dân các địa phương tỉnh Tiền Giang đã tập trung xuống giống vụ rau màu phục vụ Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018, với tổng diện tích xuống giống ước đạt trên 10.000 ha rau màu các loại, tăng từ 150 đến 200 ha so với Tết năm trước. Diện tích sản xuất rau màu Tết tập trung nhiều nhất ở các huyện Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông và thị xã Gò Công, với các loại rau ăn lá là chủ lực, trong đó có khoảng 1.000 ha trồng dưa hấu.
Để người nông dân sản xuất rau màu Tết thuận lợi và đạt hiệu quả kinh tế cao, Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang và Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Tiền Giang phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương tăng cường tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn, hướng dẫn nông dân các biện pháp phòng, chống các loại sâu hại, dịch bệnh, kỹ thuật bón phân hợp lý… Đặc biệt, khuyến cáo nông dân áp dụng quy trình sản xuất rau màu an toàn hoặc sản xuất rau màu theo tiêu chuẩn Việt GAP để tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận và bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Với sản lượng rau màu lớn và được chăm sóc bảo đảm, người tiêu dùng ở Tiền Giang cũng như các địa phương lân cận sẽ yên tâm, không lo thiếu rau xanh trong dịp Tết này.
Tiền Giang hiện là địa phương dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về sản xuất rau màu, với tổng diện tích gieo trồng trong năm 2017 đạt gần 54.000 ha, tổng sản lượng đạt hơn 1 triệu tấn./.