Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành lâm nghiệp

* Tọa đàm trực tuyến: Chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp, cơ hội và thách thức
Thứ sáu, 17/11/2023 18:30
(ĐCSVN) - Xác định chuyển đổi số là động lực trong phát triển, là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục, thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Cục Lâm nghiệp nói riêng đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động quản lý của ngành.

Ngày 17/11, Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt phối hợp với Cục Lâm nghiệp, Bộ NNPTNT tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "Chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp, cơ hội và thách thức" nhằm giúp các ngành chức năng, doanh nghiệp, người dân có cái nhìn toàn cảnh về quá trình chuyển đổi số ngành lâm nghiệp, những cơ hội và thách thức có thể gặp phải trong quá trình thực hiện.

Chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu và hiện nay, các ngành, lĩnh vực, địa phương cũng đang nỗ lực triển khai các giải pháp để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý cũng như sản xuất kinh doanh.

Chuyển đổi số - Xu hướng tất yếu

Bản thân ngành Lâm nghiệp đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp, từng bước số hóa các hoạt động giám sát, quản lý, bảo vệ rừng. Việc ứng dụng công nghệ số đã và đang giúp lực lượng kiểm lâm dễ dàng phát hiện những biến động của rừng và đất lâm nghiệp, nhất là các vụ phá rừng, cháy rừng ở mọi vị trí, thời điểm… với tính chính xác cao nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, phát triển rừng bền vững.

Theo đó, ngày 29/5/2023, Cục Lâm nghiệp ban hành Quyết định 34/QĐ-LN-CĐS năm 2023 về Kế hoạch chuyển đổi số năm 2023 nhằm tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý công việc hành chính của Cục Lâm nghiệp. Bảo đảm an toàn thông tin trong quá trình vận hành, khai thác, sử dụng Hệ thống Thông tin quản lý ngành lâm nghiệp và các phần mềm chuyên dụng.

Cục cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể như: Hoàn thành danh mục cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý của Cục Lâm nghiệp và ban hành được Kế hoạch, lộ trình cụ thể để xây dựng, triển khai các cơ sở dữ liệu trong danh mục. Nâng cấp, cải tiến Hệ thống nền Thông tin quản lý ngành Lâm nghiệp (FORMIS) nhằm đáp ứng các yêu cầu về cấu trúc, chuẩn hóa dữ liệu, đảm bảo cho việc cài đặt, tích hợp, kết nối các phần mềm/ứng dụng chuyên ngành vào Hệ thống. Thiết lập Hệ thống CSDL tập trung, thực hiện quản lý dữ liệu trên hệ thống FORMIS.

Để chỉ đạo xây dựng và thực hiện kế hoạch chuyển đổi số ngành lâm nghiệp cũng như các nhiệm vụ chuyển đổi số, ngày 09/10/2023, Cục Lâm nghiệp đã ban hành Quyết định số 227/QĐ-LN-CĐS thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ giúp việc Chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp của Cục Lâm nghiệp.

Tại Tọa đàm trực tuyến, ông Phạm Hồng Lượng, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững nhận định: Cụ thể hóa chương trình, kế hoạch của Bộ NN&PTNT, Cục Lâm nghiệp đã ban hành Kế hoạch số 34, ngày 29/5/2023 về tăng cường năng lực ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, tập trung vào các vấn đề trọng tâm: duy trì, cập nhật, nâng cấp hệ thống thông tin của ngành lâm nghiệp; đẩy mạnh việc duy trì, cập nhật, tổng hợp dữ liệu thông tin trên các lĩnh vực quản lý rừng, thương mại và chế biến lâm sản; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, triển khai ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số trong ngành.

Các đại biểu là chuyên gia, diễn giả tại Tọa đàm (Ảnh: PV) 

Cũng tại Tọa đàm trực tuyến, đề cập tới quá trình chuyển đổi số của ngành Lâm nghiệp hiện nay, TS. Nguyễn Đức Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam cho rằng: Hiện nay, Bộ NN&PTNT và ngành Lâm nghiệp đã triển khai đẩy mạnh chuyển đổi số: đã ứng dụng dự báo nguy cơ cháy rừng, ứng dụng trong phân cấp nguy cơ cháy rừng cảnh báo tự động sẽ giảm thiểu thiệt hại khi cháy rừng xảy ra; ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và viễn thám trong quản lý rừng tài nguyên bền vững đã được triển khai từ 1990 trở lại đây cùng nhiều hoạt động như: xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên rừng, thực vật, lâm sản ngoài gỗ; cơ sở dữ liệu giống cây trồng cung cấp kỹ thuật, giống, thị trường và giúp minh bạch hóa thông tin của ngành, giảm thiểu tranh chấp; xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực, khoa học công nghệ; xây dựng phần mềm số hóa quản lý và truy xuất gỗ hợp pháp; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng, tài nguyên về gỗ phục vụ giám định…

Dịp này, GS.TS Phạm Văn Điển, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp nhận định: Đại học Lâm nghiệp đã bước đầu nhập cuộc khá nhanh với xu thể chuyển đổi số nói chung và đây là hướng đi tất yếu không chỉ với ngành lâm nghiệp mà với hầu hết các cấp, ngành khác. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của chuyển đổi số là tăng lợi ích của người sử dụng, trong đó có các cơ quan nhà nước, các vườn quốc gia, các doanh nghiệp, chủ rừng và cả những sinh viên đang theo học ngành lâm nghiệp. Do đó, chúng tôi cũng đang tích cực chuyển đổi và xây dựng kho dữ liệu thành tài nguyên phục vụ cho các đối tượng trên. Việc làm này có sự phối hợp với các đơn vị như Tổng Cục Lâm nghiệp, Viện Nghiên cứu Lâm nghiệp rừng… nhằm phục vụ lợi ích chung.

Ứng dụng công nghệ viễn thám, việc theo dõi tài nguyên rừng được triển khai thuận lợi và có độ chính xác cao, không tốn nhiều thời gian, công sức khảo sát hiện trường, thông qua ảnh chụp xác định được sự thay đổi của rừng.

Tham gia tọa đàm trực tuyến qua Zoom, ông Lê Văn Hương, Giám đốc Vườn quốc gia Biduop Núi Bà cho biết, thực hiện Quyết định số 34 của Cục Lâm nghiệp, Vườn quốc gia Biduop Núi Bà đã thành lập nhóm chuyển đổi số, xác định rõ mục tiêu, kế hoạch làm sao thực hiện Quyết định số 34 này, hòa vào quá trình chuyển đổi số của Quốc gia, Chính phủ; làm sao để cộng đồng hiểu thêm giá trị của mẹ thiên nhiên, giá trị ẩn mình của Vườn quốc gia Biduop Núi Bà.

Trong khuôn khổ Tọa đàm trực tuyến, các đại biểu đã chia sẻ những hiệu quả mà quá trình chuyển đổi số đã và đang mang lại, đặc biệt là những đổi mới trong công tác quản lý. Đồng thời, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra các khó khăn tồn tại trong chuyển đổi số lâm nghiệp cần phải khắc phục, nhất là khi lâm nghiệp là lĩnh vực có địa hình rộng lớn, chia cắt, nhiều đồi núi cũng như diện tích rừng lớn; còn chưa kể tới việc chuyển đổi số cũng phải hỗ trợ chủ rừng nhiều vấn đề khác liên quan, ngoài năng lực, nguồn lực cũng phải tính đến các tình huống có thể xảy ra, chẳng hạn từ cơ sở dữ liệu đã có thì kết nối với các HTX, doanh nghiệp như thế nào? Xử lý trường dữ liệu ra sao? Trước những vấn đề nói trên, đòi hỏi ngành lâm nghiệp phải vượt qua tư duy, ý thức và cả cần nguồn lực về kinh tế để giải quyết các khó khăn thách thức đó.

Ban tổ chức và các diễn giả tham dự Tọa đàm (Ảnh: PV) 

Tựu chung lại, khi tiến hành ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số trong lĩnh vực lâm nghiệp cần lưu ý:

Thứ nhất, cơ quan quản lý áp dụng chuyển đổi số giúp cho công việc quản trị rừng tốt hơn, minh bạch hóa toàn quá trình, trong quản lý nhà nước về lâm nghiệp về bảo vệ, thương mại, chế biến lâm sản hay tham gia các quy định, đạo luật mới của EU...

Thứ hai, rõ ràng tiếp cận về phía người dùng người dân, doanh nghiệp về tương tác trải nghiệm dễ hơn nên cơ quan quản lý thu hẹp được quản lý và tiếp cận được nhiều thông tin và mở thêm các tiện ích cho người sử dụng hiệu quả hơn.

Thứ ba, khi nhìn nhận khía cạnh kinh tế chuyển đổi số giúp chúng ta cắt giảm nhiều chi phí, thời gian... Khi áp dụng ứng dụng tích hợp nhiều ứng dụng nên người dùng sử dụng rất tiện, thông qua ứng dụng có thể truy xuất thông tin ngay không tốn thời gian, chi phí./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực