Hình ảnh tại Hội thảo (Ảnh: M.P).
Được biết, để chuẩn bị cho năm Việt Nam là chủ nhà của APEC 2017, Hải quan Việt Nam đã chủ động thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức các hoạt động của Tiểu ban Thủ tục hải quan (SCCP) APEC 2017 tại Việt Nam.
Tiếp nối thành công của SCCP 2016, Việt Nam đã nhận chuyển giao từ Peru để đăng cai tổ chức SCCP APEC 2017. Đây là lần thứ hai, sau hơn 10 năm Việt Nam đăng cai tổ chức APEC 2006 và là dấu mốc quan trọng kỷ niệm 20 năm Việt Nam gia nhập APEC.
Tại Hội thảo, các đại biểu đã nghe các báo cáo liên quan đến SCCP APEC gồm: Chủ đề và các ưu tiên chính của Năm APEC 2017; vai trò của chủ nhà Việt Nam và các hoạt động hợp tác về thuận lợi hóa thương mại trong APEC; hoạt động hợp tác về hải quan trong APEC một số năm gần đây; một số ưu tiên về vấn đề hải quan của các nền kinh tế APEC; Chương trình hành động tập thể của SCCP; mối quan tâm của khu vực tư nhân đối với các vấn đề hải quan trong APEC và các vấn đề ưu tiên dự kiến của SCCP APEC 2017.
Nhấn mạnh trong phát biểu khai mạc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Công Bình cho rằng, trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với nhiều vấn đề về an ninh trong chống khủng bố, di cư bất hợp pháp và kiểm soát vận chuyển hàng hóa trong tình hình buôn lậu và vận chuyển các chất ma túy ngày càng phức tạp, tinh vi với khối lượng lớn; những thách thức về an ninh thương mại trong kỷ nguyên số; hay áp lực về duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu,... đòi hỏi trách nhiệm và sức mạnh liên kết của lực lượng hải quan quốc tế và khu vực để đảm bảo an ninh huyết mạch cho khu vưc có tầm chiến lược quan trọng như Châu Á - Thái Bình Dương.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Công Bình cho biết, trên cơ sở chủ đề và các ưu tiên quốc gia APEC trong năm tới cũng như các ưu tiên của Ủy ban Thương mại và Đầu tư (CTI) APEC 2017 gắn với kết quả SCCP APEC 2016, các vấn đề ưu tiên của SCCP APEC 2017 được xác định sẽ tập trung vào nhóm các nội dung.
Thứ nhất, đẩy mạnh các hoạt động xây dựng năng lực, phê chuẩn và thực hiện Hiệp định tạo thuận lợi thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới.
Thứ hai, tăng cường khung kết nối chuỗi cung ứng, trong đó nhấn mạnh vào nội dung quá cảnh hải quan với mục tiêu dài hạn nhằm thực hiện xây dựng năng lực, triển khai hướng dẫn quá cảnh hải quan, thực hiện đánh giá thường xuyên và xây dựng các thỏa thuận về chứng nhận xuất xứ đối với hàng hóa quá cảnh nhằm tạo ra môi trường thuận lợi cho thông quan hải quan và các quy tắc quá cảnh đối với các nhà thương mại quốc tế, cải thiện tính hiệu quả và an ninh dây chuyền cung ứng; đồng thời, đảm bảo công tác kiểm soát hải quan trong khu vực dựa trên các nguyên tắc cơ bản: Thuận lợi, trách nhiệm, minh bạch, nhất quán và đơn giản.
Thứ ba, hoàn thiện kết nối cơ chế "một cửa" nhằm mục đích cải cách hành chính thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại việc phát triển cơ chế một cửa và hợp tác chia sẻ thông tin sẽ tăng tính đồng thuận, giảm bớt khoảng cách giữa, các quốc gia, tăng cường hội nhập và liên kết khu vực chặt chẽ.
Thứ tư, phát triển chương trình doanh nghiệp ưu tiên và tăng cường quan hệ đối tác giữa hải quan- doanh nghiệp trong đó tạo cơ hội thúc đẩy năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong kỷ nguyên số.
Thứ năm, tăng cường phát triển công nghệ thông tin và ứng dụng quản lý rủi ro. Phân tích thông tin trước khi hàng đến là các biện pháp kỹ thuật tối quan trọng trong công cuộc cải cách, hiện đại hóa hải quan, đảm bảo kiểm soát hải quan hiệu quả gắn liền với tuân thủ nhằm hướng tới mục tiêu tạo thuận lợi thương mại và đảm bảo an ninh cung ứng thương mại APEC.
Thứ sáu, tăng cường phát triển thương mại điện tử qua biên giới là một biện pháp góp phần thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại: khuyến khích các thành viên APEC xây dựng kho dữ liệu và chia sẻ dữ liệu thông tin; đồng thời phát triển mạnh mẽ cơ chế hợp tác để khuyến khích việc trao đổi thông tin giữa các cơ quan hải quan, các nhà cung ứng dịch vụ.
Thứ bảy, tăng cường thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ qua biên giới nhằm khuyến khích tăng trưởng đổi mới, đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng toàn cầu và thúc đẩy đầu tư.
Bên cạnh đó, SCCP APEC 2017 cũng sẽ tiếp tục trao đổi để triển khai 9 nội dung cập nhật nhất trong Kế hoạch hành động tập thể (CAP), trong đó có 3 nội dung Hải quan Việt Nam đã đãng ký tham gia điều phối gồm: Xác định trước, thông tin trước khi hàng đến và thủ tục hàng chuyển phát nhanh./.