Để doanh nghiệp phát huy vai trò là mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết nông nghiệp

Thứ tư, 14/09/2016 17:00
(ĐCSVN) – Trong lĩnh vực nông nghiệp, việc quan trọng là phải xây dựng được chuỗi liên kết từ khâu sản xuất đến việc phân phối sản phẩm ra thị trường. Trong đó doanh nghiệp chính là mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết này. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn vướng mắc khi đầu tư vào lĩnh vực này nên họ ít "mặn mà".

 Tỷ trọng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông lâm thủy sản còn thấp (Ảnh: M.P)

Doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn ít

Là một quốc gia có nhiều lợi thế về phát triển nông nghiệp, tuy nhiên, thực tế hiện nay năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng thấp là nguyên nhân khiến tăng trưởng trong ngành nông nghiệp những năm gần đây có xu hướng giảm, phát triển kém bền vững.

Trong một diễn đàn về nông nghiệp vừa được tổ chức, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đã nhận định, tăng trưởng và phát triển nông nghiệp trong vài thập kỷ qua chủ yếu dựa trên cơ sở thâm dụng đầu vào sản xuất, nguồn lực con người và tài nguyên thiên nhiên. Dẫn chứng như năm 2014, năng suất lao động ngành nông nghiệp chỉ bằng 39% năng suất lao động chung của nền kinh tế. Điều này làm cho nông nghiệp Việt Nam phát triển thiếu bền vững, đối mặt với nhiều khó khăn như giá trị gia tăng thấp, an toàn thực phẩm không đảm bảo và khả năng sinh lời thấp. Nguyên nhân là do phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; số lượng các doanh nghiệp nông nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ và tốc độ phát triển chậm.

Thêm đó, việc huy động các nguồn lực ngoài ngân sách cho phát triển nông nghiệp nông thôn chưa tương xứng, đầu tư của xã hội cho nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng thấp, khoảng 5,4-5,6% tổng đầu tư cả nước. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp, các doanh nghiệp phải chủ động trong xây dựng các mô hình liên kết, xây dựng mối quan hệ hợp tác hài hòa với các tác nhân trong chuỗi cung ứng, đồng thời thúc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

Theo một khảo sát của của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), dù là một lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế, nhưng tỷ trọng doanh nghiệp trong lĩnh vực nông lâm thủy sản rất nhỏ. Mặc dù số lượng doanh nghiệp trong nông lâm thủy sản đã tăng từ 2397 doanh nghiệp năm 2007 lên 3635 doanh nghiệp năm 2013, tuy nhiên, tỷ trọng doanh nghiệp trong nông lâm thủy sản lại có xu hướng giảm đi, từ 1,6% xuống còn 1% trong giai đoạn 2007-2013. Điều này cho thấy sự phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông lâm thủy sản kém hơn sự phát triển của doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế.

Trong số 3 ngành kinh tế thuộc lĩnh vực nông lâm thủy sản, nông nghiệp là ngành có số lượng doanh nghiệp tăng trưởng ấn tượng hơn cả, từ 787 doanh nghiệp năm 2007 lên 1707 doanh nghiệp năm 2013, chiếm tỷ trọng doanh nghiệp lớn nhất trong lĩnh vực nông lâm thủy sản. Trong khi đó, ngành Thủy sản dù có tỷ trọng doanh nghiệp cao nhất trong giai đoạn 2007-2010, tuy nhiên do tốc độ tăng trưởng doanh nghiệp thấp, thậm chí có những năm số lượng doanh nghiệp giảm đi nên tỷ trọng doanh nghiệp đã kém hơn so với ngành Nông nghiệp. Ngành Lâm nghiệp cũng có sự tăng trưởng cao về số lượng doanh nghiệp trong giai đoạn 2007-2013 từ 328 doanh nghiệp lên 632 doanh nghiệp.

Nguyên nhân từ đâu?

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách rất cụ thể nhằm thu hút, khuyến khích phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Tuy nhiên, những chủ trương chính sách đến nay chậm đi vào cuộc sống.

Những vướng mắc, cản trở chủ yếu là thủ tục và các quy định đặt ra cho doanh nghiệp nông lâm thủy sản đang là một trong những hạn chế đáng quan ngại. Có tới 79,2% doanh nghiệp nông lâm thủy sản được điều tra mong muốn Nhà nước tiếp tục cải cách hành chính để tạo điều kiện thông thoáng hơn cho doanh nghiệp phát triển. Báo cáo Tạo thuận lợi cho kinh doanh nông nghiệp 2016 của Ngân hàng Thế giới dựa trên điều tra 40 nước trên thế giới cho thấy môi trường kinh doanh nông nghiệp Việt Nam ở dưới mức trung bình chung của các nước.

Các khó khăn về đất đai thường gặp đối với doanh nghiệp nông nghiệp là thiếu đất cho vùng nguyên liệu, thiếu đất xây dựng trụ sở, khu chế biến, giá thuê đất cao, cản trở chính yếu nhất để doanh nghiệp đầu tư và phát triển sản xuất kinh doanh ở khu vực nông nghiệp nông thôn. Chưa có chính sách tạo quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho các công đoạn sau thu hoạch như phơi sấy, chế biến, kho chứa…Các quy định và hướng dẫn về góp vốn bằng quyền sử dụng đất chưa đầy đủ, rõ ràng để người dân an tâm góp vốn với doanh nghiệp. Chính sách khuyến khích chuyển đổi, tích tụ ruộng đất nông nghiệp dưới hình thức trang trại, gia trại, cánh đồng mẫu lớn, đã thực hiện nhưng chậm được tổng kết rút kinh nghiệm nên chưa tạo được động lực mạnh mẽ cho doanh nghiệp cũng như người dân thực hiện.

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp nông lâm thủy sản còn khó tiếp cận vốn tín dụng. Nguyên nhân chủ yếu do hệ thống ngân hàng và tài chính ở khu vực nông thôn còn quá yếu, thiếu động lực cho vay tại nông thôn, đặc biệt đối với nông hộ và doanh nghiệp nhỏ, do chi phí giao dịch, quản lý, giám sát thấp, nhưng rủi ro cao. Ngoài ra, thủ tục còn nhiều phức tạp nên kể cả khi có những gói hỗ trợ tín dụng của Nhà nước, cũng rất khó để cho nông dân và doanh nghiệp nhỏ tiếp cận mặc dù có nhu cầu thực sự.

Cùng với đó, năng lực liên kết với các đối tác, khả năng tìm kiếm và tiếp cận thông tin thị trường của chủ doanh nghiệp nông lâm thủy sản còn yếu, là nguyên nhân chính gây cản trở tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nông lâm thủy sản. Ngoài ra, chủ doanh nghiệp còn thiếu hiểu biết về các rào cản kỹ thuật, các quy định thương mại quốc tế, là một ảnh hưởng rất nghiêm trọng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nông lâm thủy sản.

Do đó, bất ổn về giá cả đầu vào, đầu ra, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp. Năng lực cạnh tranh thấp, hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao, còn nhiều khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phần lớn doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Giải pháp nào giúp doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn

Theo ông Lê Văn Tam – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, Nhà nước cần có đổi mới chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nông nghiệp và nông thôn, thông qua cơ giới hóa, ưu đãi thuế, lãi suất giúp doanh nghiệp nông nghiệp. Các doanh nghiệp nhất trí là hỗ trợ bằng cơ chế hoàn trả chứ không cho không. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chủ trương, chính sách tạo điều kiện thuận lợi giúp nông dân và doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật công nghệ hiện đại vào sản xuất thay cho các hình thức canh tác truyền thống; phổ biến rộng rãi các kiến thức về sản xuất nông nghiệp hiện đại nhằm giảm bớt lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho thị trường trong nước và xuất khẩu; có chính sách tạo hỗ trợ vốn hoặc thiết bị, công nghệ cho các mô hình sản xuất hữu cơ hoặc công nghệ nhằm tạo tiền đề khuyến khích phát triển theo xu hướng chung của thế giới... Liên kết doanh nghiệp với hợp tác xã để tạo ra sản xuất lớn cho ngành nông nghiệp. Đối với phát triển nông nghiệp cũng như xây dựng nông thôn mới và phát triển nông nghiệp theo phương thức mới thì vấn đề quan trọng là cần phải đổi mới phương thức sản xuất từ sản xuất nhỏ lẻ, cần thay đổi về cơ chế đất đai tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Để thúc đẩy nông nghiệp phát triển trong xu thế hiện nay, các doanh nghiệp cần phải chủ động xây dựng các mô hình liên kết, xây dựng mối quan hệ hợp tác hài hòa với các tác nhân trong chuỗi cung ứng, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã đưa ra một số khuyến nghị để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nông nghiệp. Theo đó, đẩy nhanh quá trình tập trung, tích tụ đất sản xuất nông nghiệp, nâng cao quy mô sản xuất của các hộ sản xuất, doanh nghiệp nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp hoá. Khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ các hộ nông dân có thể chuyển nhượng, cho thuê đất nông nghiệp dễ dàng, thuận lợi để doanh nghiệp mở rộng diện tích, quy mô sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng, giảm giá thành, nâng cao giá trị, năng lực cạnh tranh hàng hoá nông sản.

Đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tham gia vào quá trình tổ chức sản xuất theo chuỗi, ký kết hợp đồng cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm theo hình thức xây dựng “Cánh đồng lớn”; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp công nghệ cao tiếp cận các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, tiếp nhận công nghệ mới, ứng dụng khoa học và công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng nông, lâm, thủy sản, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm, mở rộng thị trường.

Cùng với đó, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa. Nghiên cứu, đề xuất chính sách chính sách bảo hiểm nông nghiệp, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp khi gặp thiên tai, rủi ro do thời tiết; hạ tầng phục vụ sản xuất, đầu tư nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ mới, công nghệ cao vào nông nghiệp, nông thôn; xây dựng liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với hợp tác xã trang trại, gia trại, nông dân để sản xuất nông nghiệp hàng hóa có chất lượng và giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị.

Đẩy nhanh ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ hiện đại trong sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ hàng hóa; ưu tiên ứng dụng công nghệ sinh học để tạo ra và chủ động được nhiều giống cây trồng, vật nuôi và quy trình sản xuất đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả cao, tăng nhanh giá trị gia tăng trên mỗi đơn vị diện tích canh tác.

Tăng cường vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề trong quá trình đối thoại, tham vấn xây dựng chính sách, kiểm tra, giám sát và thực hiện các chương trình trợ giúp doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực