Đề xuất để Bộ Tài chính quản lý dự trữ quốc gia về xăng dầu đã hợp lý?

Thứ bảy, 16/12/2023 16:23
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Bộ Công Thương vừa đề xuất Chính phủ chuyển nhiệm vụ quản lý dự trữ quốc gia (DTQG) mặt hàng xăng dầu từ Bộ Công thương sang Bộ Tài chính trong giai đoạn 2024-2025. Trước đề xuất này các chuyên gia cho rằng cần có tính toán, đánh giá kỹ hơn cho phù hợp với thực tiễn.
 Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P)

Trong báo cáo về công tác dự trữ xăng dầu quốc gia của Bộ Công Thương gửi Chính phủ. Cơ quan này này cho biết, lượng dự trữ xăng dầu quốc gia tới cuối 2020 là gần 371,25 triệu lít, kg (tăng gần 13,8 triệu lít so với 2016), chi phí bảo quản 2016-2020 là gần 291 tỷ đồng.

Tổng lượng xăng dầu dự trữ quốc gia đến cuối 2022 là hơn 367.125 m3, tấn. Trong đó, 55% là dầu diesel; trên 27% là xăng RON 92, còn lại là dầu mazut và nhiên liệu máy bay (Jet A1). Theo khối lượng xăng dầu nhập ròng năm 2022 là 52.097 m3 một ngày thì mức dự trữ xăng dầu quốc gia tương đương 7 ngày nhập ròng bình quân.

Nếu tính cả 3 loại dự trữ xăng dầu, gồm dự trữ sản xuất, thương mại và dự trữ quốc gia, thì tổng lượng xăng dầu dự trữ đạt khoảng 65 ngày nhập ròng, thấp hơn tiêu chuẩn của IEA và mục tiêu tại các Nghị quyết, Quyết định của các cấp có thẩm quyền.

Bộ Công Thương cho biết, việc dự trữ xăng dầu quốc gia được Bộ Công Thương ký hợp đồng bảo quản với 4 doanh nghiệp, gồm Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil); Công ty TNHH MTV Dầu khí Đồng Tháp (Petec) và Công ty cổ phần nhiên liệu bay Petrolimex.

Trong bối cảnh thị trường xăng dầu nhiều biến động khó lường, có thể ảnh hưởng tới phát triển kinh tế xã hội, Bộ Công Thương nghiên cứu mở rộng, nâng cao năng lực dự trữ xăng dầu quốc gia, đảm bảo an ninh năng lượng và cân đối cung cầu xăng dầu trong mọi tình huống.

Trong báo cáo của mình Bộ Công Thương đề xuất hiện Bộ Tài chính đang trực tiếp quản lý dự trữ quốc gia với các mặt hàng thiết yếu, dân sinh như gạo. Xăng dầu cũng là mặt hàng thiết yếu, nên chuyển nhiệm vụ quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia sang Bộ Tài chính trong giai đoạn 2024-2025.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng đề xuất của Bộ Công Thương chuyển nhiệm vụ quản lý dự trữ quốc gia xăng dầu cho Bộ Tài chính để thống nhất đầu mối quản lý dự trữ các mặt hàng thiết yếu là chưa thực sự phù hợp.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam cho biết, theo quy định hiện hành, Bộ Công Thương được Chính phủ giao quản lý đối với mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia, còn Bộ Tài chính quản lý nhà nước về lĩnh vực dự trữ quốc gia và các mặt hàng lương thực (gạo, thóc), các mặt hàng trang thiết bị phòng, chống thiên tai...

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam, đề xuất của Bộ Công Thương là không phù hợp, thậm chí “ngược đời”. Bộ Tài chính không thể có hệ thống kho, cùng các hệ thống cơ sở hạ tầng liên quan để bảo quản xăng dầu. Mặc dù Bộ Tài chính cũng có hệ thống dự trữ quốc gia nhưng đó chỉ là hệ thống dự trữ các mặt hàng thiết yếu như lương thực là gạo, các mặt hàng phòng chống thiên tai,…

Ông cho rằng, các mặt hàng dự trữ quốc gia khác hiện nay cũng đang được Chính phủ giao cho các bộ, ngành khác quản lý, phân bổ theo quyết định của cấp có thẩm quyền. Việc Chính phủ phân công Bộ Công Thương quản lý mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia trên cơ sở thực trạng về hạ tầng, bến bãi, kho tàng đã có sẵn.

Thực tiễn triển khai thời gian qua cho thấy, Bộ Công Thương đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia. Theo đó, Bộ Công Thương cho biết: “Việc bảo quản riêng mặt hàng xăng dầu chưa thực hiện được do chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu của Nhà nước, phải thuê các doanh nghiệp xăng dầu để bảo quản”.

Về vấn đề này, tại văn bản mới nhất gửi Bộ Công Thương về giải quyết khó khăn, vướng mắc trong công tác bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Điều 51, Điều 52 Luật DTQG và quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch hệ thống kho xăng dầu dự trữ quốc gia, xăng dầu DTQG được cất giữ riêng, được thực hiện thuê kho để bảo quản theo quy định tại Thông tư số 172/2013/TT-BTC ngày 20/11/2013 của Bộ Tài chính; chi phí bảo quản tính đúng, tính đủ theo quy định tại Quyết định số 16/2020/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, Bộ Tài chính nhận định của Bộ Công Thương “việc bảo quản riêng mặt hàng xăng dầu chưa thực hiện được do: Chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu của nhà nước, phải thuê các doanh nghiệp xăng dầu để bảo quản” là không có cơ sở.

Một trong những vướng mắc khác cũng được Bộ Công Thương nêu: “Việc bảo quản riêng mặt hàng xăng dầu chưa thực hiện được do chưa có kho dự trữ quốc gia xăng dầu của Nhà nước, phải thuê các doanh nghiệp xăng dầu để bảo quản”, Bộ Tài chính cũng khẳng định, đây là vướng mắc không có cơ sở, không phù hợp với tình hình thực tiễn.

Liên quan việc “bảo quản riêng mặt hàng xăng dầu chưa thực hiện được do: Định mức phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia chưa phù hợp với thực tế”, Bộ Tài chính cho biết, theo quy định tại Thông tư số 108/2013/TT-BTC ngày 13/8/2023 của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch, dự thảo định mức xăng dầu dự trữ quốc gia và lấy ý kiến tham gia của các cơ quan đơn vị có liên quan gửi Bộ Tài chính thẩm định, ban hành. Được biết, từ khi Luật Dự trữ quốc gia ban hành năm 2012 đến nay, Bộ Tài chính chưa nhận được văn bản đề nghị kèm hồ sơ xây dựng định mức của Bộ Công Thương.

Để tháo gỡ khó khăn về chi phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia khi bảo quản riêng theo quy định tại Điều 51 Luật Dự trữ quốc gia, thời gian qua, Bộ Tài chính đã chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các đơn vị có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 16/2020/QĐ-TTg ngày 15/5/2020 về Quy chế quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia; trong đó Điều 3 Quy chế này quy định quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia thực hiện theo nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia hằng năm.

Hiện nay, cơ chế, chính sách hiện hành đã được hoàn thiện đầy đủ để triển khai thực hiện bảo quản riêng mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia theo quy định tại Thông tư số 108/2013/TT-BTC ngày 13/8/2013 của Bộ Tài chính.

Ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, Bộ Công Thương đưa ra những khó khăn về bảo quản xăng dầu dự trữ quốc gia như: Chưa được bảo quản riêng; các quy định về thẩm quyền, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật mặt hàng xăng dầu, dự trữ nhà nước còn hạn chế; việc áp dụng các quy định pháp luật về nhập, xuất, luân chuyển hàng dự trữ quốc gia phát sinh vướng mắc, khó khăn. Những khó khăn, vướng mắc này của Bộ Công Thương là không có cơ sở, không hợp lý.

Ông Nguyễn Tiến Thoả cho rằng, “Những khó khăn, vướng mắc của Bộ Công Thương không liên quan tới các vấn đề như: Cơ chế, chính sách mà không thể tháo gỡ được; không liên quan tới hạ tầng kỹ thuật không được đầu tư... Do đó, đề xuất của Bộ Công Thương là “ngược đời”, vì không căn cứ vào tình hình thực tế, giao cho Bộ Tài chính quản lý thì Bộ Tài chính lại phải đầu tư lại cơ sở vật chất kỹ thuật để thực hiện nhiệm vụ quản lý xăng dầu là không đúng”.

Dưới góc nhìn khác, ông Bùi Ngọc Bảo - Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam cho biết, xét dưới góc độ quản lý ngành, thì xăng dầu thuộc quản lý của Bộ Công Thương, do đó không nên phân định bộ nào quản lý xăng dầu dự trữ quốc gia mà phải là liên bộ, liên ngành.

Trên thực tế, hiện nay, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu sự chỉ đạo, thực hiện theo liên bộ. Hàng dự trữ quốc gia dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, nên các bộ ngành đều phải phối hợp với nhau quản lý tốt nguồn hàng này.

“Về lâu về dài, tất cả các lĩnh vực kinh doanh xăng dầu nên giao hết đầu mối cho Bộ Công Thương quản lý, điều hành để đảm bảo tính thông suốt, tập trung, hiệu quả hơn. Còn Bộ Tài chính quản lý thu thuế, phí đối với mặt hàng này”, ông Nguyễn Tiến Thỏa nêu quan điểm và khuyến nghị.

Cùng chung quan điểm, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh - Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho biết, các quỹ dự trữ quốc gia hầu hết do Bộ Tài chính quản lý. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm về lập Quy hoạch phát triển hệ thống kinh doanh xăng dầu, Quy hoạch hệ thống kho cảng, kho xăng dầu dự trữ; Cấp phép cho thương nhân kinh doanh xuất nhập khẩu, Quy hoạch hạn mức nhập khẩu; Quản lý đăng ký sản xuất xăng dầu trong nước.

Bộ Công Thương là cơ quan quản lý sản xuất, kinh doanh và điều tiết cung - cầu và là đơn vị hiểu về sản xuất, kinh doanh về cung - cầu, hiểu về giá thị trường thế giới và thị trường trong nước hơn các bộ khác.

PGS.,TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, dự trữ xăng dầu gắn với hoạt động quản lý kinh doanh của thị trường xăng dầu. Hiện nay, nếu quản lý lĩnh vực xăng dầu một cách tổng thể từ khâu nhập khẩu, xuất khẩu, lên kế hoạch bán buôn bán lẻ hiện đều do Bộ Công Thương thực hiện. Vì vậy, nếu như Bộ Công Thương quản lý dự trữ xăng dầu quốc gia có lẽ là hợp lý hơn khi Bộ này đang quản lý một cách toàn diện đối với thị trường xăng dầu Việt Nam.

Để giải quyết những bất cập trên,  thiết nghĩ các chuyên gia cho rằng, các Bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương phải cùng ngồi lại, tính toán, bàn bạc với nhau để việc quản lý mặt hàng xăng dầu dự trữ quốc gia hợp lý, phù hợp với tình hình thực tiễn./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực