Đề xuất ưu tiên triển khai mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam

Thứ sáu, 24/03/2023 23:14
(ĐCSVN) - Ngày 24/3, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tổ chức Hợp tác Quốc tế Đức GIZ phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn dự thảo rà soát quốc gia tự nguyện (VNR) về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) của Việt Nam năm 2023.

 

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: MPI)

Theo đó, Chương trình nghị sự 2030 được các nước thành viên Liên hợp quốc thông qua vào tháng 9/2015 với trọng tâm là 17 mục tiêu phát triển bền vững; trong đó, rà soát quốc gia tự nguyện về thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững được xem là một cơ chế để theo dõi và đánh giá việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững trên phạm vi toàn cầu.

Thực tế, Việt Nam lần đầu tiên xây dựng và trình bày rà soát quốc gia tự nguyện vào năm 2018 và năm 2023, Việt Nam tiếp tục đăng ký trình bày rà soát quốc gia tự nguyện lần thứ 2 cùng với 41 quốc gia khác.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Việt Anh, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tham gia rà soát quốc gia tự nguyện năm 2023, Việt Nam mong muốn chia sẻ thành tựu, bước tiến đã đạt được trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Đồng thời, chia sẻ khó khăn, thách thức, bài học kinh nghiệm trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và đưa ra những định hướng, các hoạt động trọng tâm trong nửa chặng đường còn lại.

“Tham gia rà soát quốc gia tự nguyện năm 2023, khẳng định Việt Nam tiếp tục cam kết mạnh mẽ và kiên định cùng bạn bè quốc tế trong việc thực hiện các mục tiêu các mục tiêu phát triển bền vững nhằm hướng tới một thế giới bền vững, bao trùm và thịnh vượng cho tất cả mọi người”, ông Lê Việt Anh nhấn mạnh.

Dịp này, ông Lê Việt Anh cũng đánh giá cao sự đóng góp tích cực của các bên liên quan trong nước và quốc tế đặc biệt là Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức về những hỗ trợ rất quan trọng trong suốt quá trình xây dựng, hoàn thiện rà soát quốc gia tự nguyện và phía Liên hợp quốc về các hỗ trợ kỹ thuật trong việc xây dựng dự thảo rà soát quốc gia tự nguyện.

 
leftcenterrightdel
Các mục tiêu phát triển bền vững (Ảnh: MPI) 

Cũng tại Hội thảo, đại diện Cơ quan Hợp tác Quốc tế Đức GIZ, ông Dennis Quennet, Cố vấn trưởng Chương trình cải cách Kinh tế vĩ mô/Tăng trưởng xanh cho biết, rà soát quốc gia tự nguyện là một phần quan trọng trong việc giám sát và đánh giá Chương trình nghị sự 2030 của nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó, có Việt Nam và Đức.

“GIZ sẽ tiếp tục sát cánh cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thông qua chia sẻ kinh nghiệm của Đức và quốc tế, để đảm bảo Việt Nam thực hiện thành công các cam kết phát triển kinh tế bền vững. Công bằng xã hội được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ, việc quản lý và sử dụng tài nguyên được cải thiện, sự chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu là một số trong rất nhiều lợi ích mà Việt Nam sẽ đạt được khi phát triển bền vững thành công", ông Dennis Quennet cam kết.

Bà Naomi Kitahara, Quyền Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc, đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã sử dụng các nguồn dữ liệu sáng tạo, dựa trên phân tích chuyên sâu và huy động nhiều bên tham gia vào quá trình xây dựng rà soát quốc gia tự nguyện 2023.

Bà Naomi Kitahara cũng chỉ ra rằng chỉ riêng đầu tư vào bảo trợ xã hội và chuyển đổi năng lượng cũng có thể đẩy nhanh tiến độ của các mục tiêu phát triển bền vững: “Liên hợp quốc ước tính rằng, mỗi một đồng đầu tư vào an sinh xã hội có thể tạo ra nhiều hơn một đồng GDP, đảm bảo mang lại lợi ích kinh tế-xã hội lớn hơn, đóng góp cho tăng trưởng bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau…”.

Theo đại diện Liên hiệp quốc, dù đã đạt được những tiến bộ tích cực nhưng tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam đến năm 2030 vẫn còn nhiều thách thức. Đại diện Liên hợp quốc tại Việt Nam khuyến nghị, ngoài xây dựng báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Việt Nam cần có thêm những hoạt động cụ thể khác để sớm đạt được mục tiêu.

"Liên hợp quốc khuyến khích Chính phủ Việt Nam tiếp tục xây dựng và thực hiện các hành động tiếp theo để đẩy nhanh việc đạt được các mục tiêu phát triển bền vững sau khi rà soát quốc gia tự nguyện được hoàn thành", đại diện Liên hợp quốc khẳng định.

 
leftcenterrightdel
 Đại biểu quốc tế tham dự Hội thảo (Ảnh: MPI)

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo rà soát quốc gia tự nguyện và đề xuất các lĩnh vực ưu tiên trong triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững tới đây.

Đại diện các bộ, ngành, cơ quan trong nước và quốc tế tham dự Hội thảo đánh giá cao nỗ lực của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc xây dựng rà soát quốc gia tự nguyện; tạo cơ hội để tất cả các bên liên quan có thể đóng góp và thể hiện tiếng nói trong rà soát quốc gia tự nguyện 2023, từ đó, góp phần đẩy nhanh tiến trình thực hiện các mục tiêu các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực