Điểm nhấn du lịch Hòa Bình

Thứ tư, 01/02/2023 11:01
(ĐCSVN) - Năm 2022 vừa qua, điểm nhấn nổi bật của du lịch tỉnh Hòa Bình là hoạt động du lịch đã có sự phục hồi một cách toàn diện, hiệu quả. Hoạt động du lịch khởi sắc tại hầu hết các địa phương trong tỉnh với nhiều loại hình như: Hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá, trải nghiệm…

Những năm gần đây, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình) đã trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. Trên địa bàn xã có hơn 900 hộ với gần 3.800 nhân khẩu, gồm 5 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó chủ yếu là dân tộc Thái.

Chiềng Châu được thiên nhiên ưu đãi với cảnh sắc tuyệt đẹp của núi rừng Tây Bắc. Đến nơi đây, du khách không chỉ được hoà mình vào thiên nhiên trong lành, phong cảnh nên thơ, trữ tình mà còn được thưởng thức những nét đặc sắc từ ẩm thực, trang phục, cuộc sống lao động, sinh hoạt hàng ngày của đồng bào dân tộc Thái. Vì vậy, Chiềng Châu đã và đang phát triển hiệu quả loại hình du lịch cộng đồng gắn với làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào dân tộc Thái. Toàn xã có 11 đội văn nghệ phục vụ các dịch vụ tại homestay. Các homestay trên địa bàn đã liên kết, tạo tour, tuyến với các bản du lịch khác như bản Bước (xã Xăm Khòe), bản Cha Lang Lác (xã Mai Hịch), bản Pom Coọng (thị trấn Mai Châu)…

 Du khách chụp ảnh lưu niệm tại khu du lịch cộng đồng bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu.

Đồng thời, hoạt động dịch vụ, du lịch đã giới thiệu những nét văn hóa độc đáo của địa phương như múa hát, ẩm thực, nếp nhà sàn, cuộc sống lao động của những con người mộc mạc, chân chất, góp phần trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của người dân địa phương. Chị Vì Thị Thanh ở xóm Mỏ, xã Chiềng Châu chia sẻ: “Những lúc nông nhàn, tôi thường làm việc cho hợp tác xã dệt thổ cẩm và tham gia đội văn nghệ phục vụ du khách. Nhờ đó, mỗi tháng cũng có thêm thu nhập khoảng 3 - 4 triệu đồng. Nếu tháng nào làm đều thì thu nhập cao hơn. Các hoạt động này vừa giúp chị em chúng tôi có thêm điều kiện chăm lo cho cuộc sống gia đình, vừa góp phần giữ gìn nghề dệt thổ cẩm và các nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Được biết, năm 2022 vừa qua, điểm nhấn nổi bật của du lịch tỉnh Hòa Bình là hoạt động du lịch đã có sự phục hồi một cách toàn diện, hiệu quả. Hoạt động du lịch khởi sắc tại hầu hết các địa phương trong tỉnh như các huyện Mai Châu, Kim Bôi, Lương Sơn, Đà Bắc… và thành phố Hòa Bình với nhiều loại hình như hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, khám phá, trải nghiệm… Tính chung trên địa bàn toàn tỉnh, năm 2022 vừa qua, du lịch Hòa Bình đã đón khoảng 3 triệu lượt du khách, đạt 203% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách quốc tế 100 nghìn lượt, đạt 206% so với cùng kỳ, thực hiện 100% kế hoạch năm; khách nội địa 2,9 triệu lượt, đạt 202,9% so với cùng kỳ, thực hiện 116,9% kế hoạch năm. Tổng thu từ du lịch khoảng 3.100 tỷ đồng, đạt 204,9% so với cùng kỳ, thực hiện 129,3% kế hoạch năm. Số lượng khách du lịch đến với tỉnh tăng nhanh, nhất là dịp cuối tuần và những kỳ nghỉ lễ. Kết quả hoạt động kinh doanh du lịch góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, tạo nhiều việc làm và sinh kế bền vững cho người lao động.

 Du khách thập phương đến với Đền bà Chúa Thác Bờ, một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Hòa Bình.

Thực tế, Hòa Bình là tỉnh có nhiều tiềm năng thuận lợi để đẩy mạnh phát triển du lịch. Với 6 dân tộc chính cùng chung sống, gồm: Mường, Kinh, Tày, Thái, Mông, Dao, trong đó, dân tộc Mường chiếm 64%, Hòa Bình hiện có 786 di sản văn hóa phi vật thể được công nhận, có 4 di sản văn hóa phi vật thể gồm: Mo Mường, nghệ thuật chiêng Mường, lễ hội Khai hạ và tri thức lịch tre của dân tộc Mường được ghi danh vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với đó là trên 100 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Những năm qua, tỉnh Hòa Bình đã thường xuyên quan tâm tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, khôi phục các lễ hội truyền thống… để phục vụ phát triển du lịch.

Với mục tiêu sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, hệ thống hạ tầng du lịch và các cơ sở lưu trú cũng đã được đầu tư tương đối đồng bộ, hiện đại. Toàn tỉnh có 67 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch; 448 cơ sở lưu trú được thẩm định, trong đó có 9 khách sạn 3 sao, 26 khu nghỉ dưỡng và khách sạn 2 sao, 6 khách sạn 1 sao, 6 căn hộ đạt chuẩn; 401 nhà nghỉ, nhà sàn du lịch cộng đồng; 9 điểm du lịch địa phương, 1 khu du lịch cấp tỉnh. Đặc biệt, đã có 8 điểm du lịch cộng đồng thuộc các huyện: Mai Châu, Cao Phong, Tân Lạc, Đà Bắc được triển khai số hóa trên Cổng thông tin du lịch tỉnh Hòa Bình. Hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch, quảng bá hình ảnh, xúc tiến thông tin du lịch đã được tăng cường, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

Theo đồng chí Bùi Thị Niềm, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, năm 2022 vừa qua, du lịch Hoà Bình đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt sau khi dịch COVID-19 được khống chế. Đề án Phát triển du lịch tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 xác định mục tiêu đến năm 2025 sẽ đón 4,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 1 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 5,4 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 26 nghìn lao động, trong đó gần 9 nghìn lao động trực tiếp có chuyên môn nghiệp vụ về du lịch…

Để thực hiện được mục tiêu này, thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng dịch vụ, xây dựng các sản phẩm du lịch. Tăng cường đầu tư, chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng phục vụ, xây dựng sản phẩm mới, hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách muốn có nhiều trải nghiệm. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn chặt với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; đa dạng các sản phẩm du lịch gắn với phát huy văn hóa, tiềm năng, lợi thế của địa phương và xây dựng nông thôn mới. Phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh - chăm sóc sức khỏe; du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch thể thao, du lịch cộng đồng, du lịch hội thảo, kinh tế ban đêm… Qua đó, phát huy tối đa lợi thế để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp hẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc./.

Bài, ảnh: Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực