Điện gió toàn cầu cần tăng trưởng gấp ba trong thập kỷ

Thứ năm, 25/03/2021 22:33
(ĐCSVN) -Theo tính toán của các cơ quan năng lượng quốc tế như IRENA và IEA, thế giới cần lắp đặt tối thiểu 180 GW năng lượng gió mới mỗi năm để kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đồng thời chúng ta sẽ cần lắp đặt 280 GW hàng năm để đi đúng lộ trình cho mục tiêu Không phát thải vào năm 2050.
leftcenterrightdel
Cánh đồng điện gió Bạc Liêu. 

 

Ngày 25/3, Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) cho biết: Năm 2020 là năm thành công nhất trong lịch sử ngành công nghiệp điện gió toàn cầu khi có thêm 93GW điện từ các nhà máy mới lắp đặt - tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng một báo cáo mới công bố của Hội đồng Năng lượng Gió Toàn cầu (GWEC) cảnh báo rằng mức tăng trưởng này không đủ để đảm bảo thế giới đạt được mục tiêu Không phát thải vào năm 2050. Theo Báo cáo Điện gió toàn cầu 2021, ấn bản thứ 16 báo cáo đặc biệt thường niên của GWEC, thế giới cần tăng tốc lắp đặt thêm các hệ thống nhà máy điện gió lên gấp ba lần trong thập kỷ tới để đáp ứng mục tiêu Không phát thải, cũng như tránh những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Nhờ có các đổi mới công nghệ và những lợi thế kinh tế nhờ quy mô, thị trường điện gió toàn cầu đã tăng trưởng gần gấp bốn lần trong thập kỷ qua, và tự khẳng định vị thế là một trong những nguồn năng lượng có khả năng cạnh tranh và bền vững nhất trên thế giới. Trong năm 2020, mức tăng trưởng kỷ lục của ngành là nhờ Trung Quốc và Mỹ gia tăng lắp đặt các công trình điện gió. Hai thị trường điện gió lớn nhất thế giới này đã lắp đặt 75% số lượng nhà máy điện gió mới trong năm 2020, đồng thời đóng góp hơn một nửa tổng công suất điện gió toàn cầu.

Hiện nay, tổng công suất điện gió trên thế giới đã đạt 743GW, giúp giảm phát thải hơn 1.1 tỷ tấn CO2 một năm – tương đương lượng phát thải hằng năm ở Châu Phi.

Tuy là công nghệ năng lượng sạch với tiềm năng loại bỏ carbon cao nhất trên mỗi MW điện, nhưng tốc độ triển khai điện gió hiện tại vẫn không đủ để thế giới đạt được mức trung hòa carbon vào năm 2050, báo cáo của GWEC chỉ ra, và các nhà hoạch định chính sách cần có các hành động khẩn cấp ngay từ bây giờ để mở rộng quy mô điện gió với tốc độ cần thiết.

Theo tính toán của các cơ quan năng lượng quốc tế như IRENA và IEA, thế giới cần lắp đặt tối thiểu 180 GW năng lượng gió mới mỗi năm để kìm hãm mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đồng thời chúng ta sẽ cần lắp đặt 280 GW hàng năm để đi đúng lộ trình cho mục tiêu Không phát thải vào năm 2050. Điều này có nghĩa là ngành điện gió và các nhà hoạch định chính sách cần phải chung tay hành động khẩn trương nhằm đẩy mạnh lắp đặt thêm các công trình điện gió.

GWEC kêu gọi các nhà hoạch định chính sách thực hiện "tình trạng khẩn cấp về khí hậu" để đẩy nhanh hơn quá trình: Gỡ bỏ các rào cản chính sách, cải cách cơ cấu hành chính để tăng cường và đẩy quá trình phê duyệt và cấp giấy phép triển khai cho các dự án;

Đầu tư mạnh mẽ hơn nữa cho lưới điện, các trạm điện cũng như hệ thống hạ tầng thiết yếu khác nhằm tạo điều kiện cho các dự án lắp đặt mới tăng tốc;

Cải cách thị trường năng lượng để đảm bảo các thị trường này chịu trách nhiệm cho những chi phí xã hội thực sự từ ô nhiễm do nhiên liệu hóa thạch, đồng thời tạo điều kiện chuyển đổi nhanh chóng sang hệ thống sử dụng năng lượng tái tạo.

Ông Ben Backwell, Giám đốc Điều hành của GWEC cho biết: “Người dân và chính phủ trên khắp thế giới đang dần nhận ra rằng chúng ta chỉ có một cánh cửa cơ hội hẹp để tránh khỏi tình trạng biến đổi khí hậu nguy hiểm. Trong khi nhiều nền kinh tế lớn đã công bố mục tiêu Không phát thải của họ, chúng ta vẫn cần thực hiện các hành động khẩn cấp và thực chất ngay bây giờ, đảm bảo mục tiêu này phù hợp với mức đầu tư và lắp đặt đang tăng trưởng mạnh mẽ của ngành năng lượng tái tạo trên mặt đất và ngoài khơi. Phát triển kỷ lục tại Trung Quốc và Mỹ trong năm ngoái là một tín hiệu đáng khích lệ, nhưng giờ đây chúng ta cần các quốc gia còn lại trên thế giới cũng nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu đề ra.

“Khảo sát thị trường hiện tại cho thấy trong 5 năm tới sẽ có 469GW công suất điện gió mới được lắp đặt. Nhưng để đảm bảo mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở dưới 2oC, chúng ta cần lắp đặt thêm ít nhất 180GW một năm từ nay cho tới 2025 – nghĩa là trung bình mỗi năm chúng ta sẽ thiếu 86GW công suất lắp đặt mới. Với mức độ hiện tại, chúng ta sẽ cần tăng quy mô lắp đặt lên 280GW sau năm 2030 để có thể đạt mục tiêu trung hòa carbon vào giữa thế kỷ này. Cứ mỗi năm thiếu hụt thì ngọn núi chúng ta phải leo sau đó lại càng cao hơn,”.

Feng Zhao, Trưởng phòng Chiến lược và Nghiên cứu Thị trường tại GWEC bình luận: “Ngành công nghiệp điện gió phải bắt tay với chính phủ, cộng đồng cũng như các ngành khác như năng lượng mặt trời, lưu trữ năng lượng, và dầu khí để tìm ra giải pháp tăng tốc tiến trình chuyển đổi hiệu quả nhất có thể. Điện gió đất liền và ngoài khơi sẽ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc loại bỏ carbon không chỉ electron mà còn cả các phân tử bằng cách thúc đẩy thương mại hóa với các giải pháp chuyển đổi, lưu trữ năng lượng cạnh tranh về chi phí. Đây chính là chìa khóa để đạt được mục tiêu Không phát thải trong các ngành khó cắt giảm phát thải như các ngành công nghiệp nặng hay vận tải đường dài, đồng thời cho phép chúng ta loại bỏ hoàn toàn carbon khỏi cuộc sống.”

“Trong mọi trường hợp dự báo chuyển đổi hệ thống năng lượng được phân tích trong báo cáo này, thị trường điện gió đều cần phải nhanh chóng mở rộng trong thập kỷ tới. Ngành công nghiệp điện gió phải hiểu rõ rằng kỳ vọng tăng trưởng này sẽ không tự xảy ra mà sẽ có những chính sách can thiệp khẩn cấp trên toàn thế giới. Trong suốt đại dịch COVID-19, chúng ta đã thấy cách chính phủ các nước có thể phản xạ nhanh thế nào để giải quyết một cuộc khủng hoảng toàn cầu – họ cũng nên áp dụng tinh thần ứng cấp bách như vậy đối với cuộc khủng hoảng khí hậu”, ông nói thêm.

Năm 2020 là năm phát triển kỷ lục của ngành công nghiệp điện gió toàn cầu, nhưng một báo cáo mới công bố của GWEC cảnh báo để có thể đạt được mục tiêu khí hậu toàn cầu, trong thập kỷ tới thế giới cần tăng lượng lắp đặt hệ thống nhà máy điện gió mới lên gấp ba lần.

Ngành công nghiệp điện gió toàn cầu trong năm 2020 tăng trưởng kỷ lục với 93GW công suất lắp đặt mới – tăng 53% so với năm trước đó, cho thấy khả năng hồi phục mạnh mẽ của ngành này trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Tổng công suất ngành điện gió toàn cầu hiện đã lên tới 743GW, giúp cho thế giới giảm thiểu được 1,1 tỷ tấn CO2 hàng năm – tương đương với lượng phát thải của cả Châu Phi trong một năm.

Tuy nhiên, thế giới vẫn cần lắp đặt thêm ít nhất 180GW điện gió mới mỗi năm để tránh được những tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu, nghĩa là ngành điện gió và các nhà hoạch định chính sách cần hành động để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án điện gió.

Chính phủ các nước trên toàn thế giới cần áp dụng 'tình trạng khẩn cấp về khí hậu' để gỡ bỏ những rào cản hành chính và chậm trễ trong lập kế hoạch, cũng như phát triển hạ tầng lưới điện nhằm mở rộng quy mô điện gió hơn nữa với tốc độ cần thiết.

Điện gió là một trụ cột quan trọng để thế giới đạt được mục tiêu Không phát thải và thúc đẩy cuộc hồi phục xanh hậu COVID-19, bởi đây là một nguồn năng lượng bền vững, giá cả cạnh tranh cùng với tiềm năng loại bỏ carbon cao nhất trên mỗi MW điện được tạo ra.


Mạnh Hùng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực