Định vị lại thương hiệu du lịch quốc gia

Chủ nhật, 31/12/2023 12:22
(ĐCSVN)- Khép lại năm 2023, Du lịch Việt Nam đã có nhiều nỗ lực, cố gắng để vượt khó, đạt được nhiều kết quả, cán đích về các chỉ tiêu đón khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên để đạt mục tiêu đề ra năm 2024, còn rất nhiều việc phải làm.
Ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, lượng khách quốc tế và doanh thu được coi là "thước đo thành công" của hầu hết ngành du lịch các nước.

Theo báo cáo của Cục Du lịch quốc gia, năm 2023, tổng số khách du lịch quốc tế đạt 12,6 triệu lượt khách, đạt mục tiêu đã điều chỉnh (12 - 13 triệu lượt) của năm 2023. Lượng khách du lịch nội địa đạt 108,2 triệu lượt; vượt 6,0% so với kế hoạch năm 2023. Tổng thu từ du lịch đạt 678,3 nghìn tỷ đồng, vượt 4,35% so với kế hoạch năm 2023.

Tuy nhiên theo đánh giá của một số chuyên gia để cán đích các mục tiêu đề ra chúng ta đã phải khá chật vật. Năm 2023 lượng khách nội địa vượt năm 2022 nhưng số khách đi tour giảm mạnh do kinh tế suy thoái trên toàn cầu. Khách đi theo hình thức tự túc hoặc mua một phần tour như combo phòng và khách sạn. Thay vì đi dài ngày và xa, khách chọn các chuyến đi trong ngày, ngắn ngày và các điểm đi gần. Chi tiêu dành cho du lịch cũng tiết kiệm hơn. Vì thế các doanh nghiệp làm trong lĩnh vực dịch vụ gặp khó khăn do lượng khách tour giảm mạnh. Có công ty du lịch giảm tới 50% so với năm 2022.

Ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, lượng khách quốc tế và doanh thu được coi là "thước đo thành công" của hầu hết ngành du lịch các nước. Khách quốc tế đến mang theo ngoại tệ, đóng góp quan trọng cho GDP đất nước. Năm 2019, năm hoàng kim của du lịch Việt, có 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch đạt hơn 726.000 tỷ đồng, đóng góp trực tiếp 9,2% GDP. Mặc dù năm nay chúng ta đã vượt chỉ tiêu đặt ra từ đầu năm là 8 triệu và hoàn thành mục tiêu điều chỉnh hồi tháng 10 là 12,5-13 triệu lượt nhưng doanh thu từ du lịch vẫn chưa cao ước đạt 421.000 tỷ đồng, chiếm 55,7% tổng thu từ du lịch.

Là một quốc gia có lịch sử lâu đời và giàu truyền thống văn hóa, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp là những tiềm năng rất lớn để chúng ta phát triển du lịch. Đặc biệt năm 2023, Cục Du lịch quốc gia Việt Nam tiếp tục được vinh dự nhận danh hiệu "Cơ quan quản lý du lịch hàng đầu châu Á năm 2023" lần thứ 4 sau các năm 2017, 2021 và 2022. Tại Lễ trao giải thưởng toàn cầu, Việt Nam tiếp tục được Tổ chức giải thưởng du lịch quốc tế (WTA) vinh danh là "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới". Cũng tại đây, nhiều điểm đến, doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng nhận được nhiều hạng mục giải thưởng danh giá khác. Làng du lịch Tân Hóa (Quảng Bình) vinh dự nhận giải thưởng "Làng du lịch tốt nhất" do Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) trao tặng.

Đây là những điều kiện tốt để chúng ta nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên bản đồ du lịch thế giới.Tuy nhiên cũng theo các chuyên gia, bước sang năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến khó lường, tăng trưởng kinh tế chậm, lạm phát tăng, xung đột ở các khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt…sẽ là những lực cản đáng kể cho sự phục hồi du lịch trong năm 2024. Hơn nữa nhu cầu của khách du lịch quốc tế liên tục thay đổi, đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng sản phẩm, sự trải nghiệm, tính đa dạng, độc đáo… đây lại là vấn đề còn khá yếu ở Việt Nam.

Có lẽ cũng vì thế mà trong cuộc họp ngày 15/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận xét "du lịch Việt Nam đi trước về sau". Việt Nam mở cửa sớm so với nhiều nước trong khu vực nhưng lại chưa thành công trong việc thu hút khách quốc tế. So với một số nước trong khu vực chúng ta vẫn thua xa bởi chúng ta thiếu các chiến lược ngắn, trung và dài hạn.

Để định vị lại thương hiệu du lịch quốc gia và đạt được mục tiêu đón 17-18 triệu lượt khách quốc tế; phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng vào năm 2024, còn rất nhiều việc phải làm nhưng có lẽ điều đầu tiên là chúng ta cần phải triển khai các chương trình, đề án trọng tâm, xây dựng chương trình hành động du lịch xanh, triển khai chương trình hành động, khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch mới, xây dựng các chiến dịch marketting, triển khai các hoạt động xúc tiến, quảng bá trong và ngoài nước.

Trong đó cần đặc biệt chú ý tới việc xúc tiến, quảng bá du lịch ở các thị trường trọng điểm. Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện tại, chiến dịch quảng bá du lịch của Việt Nam với thị trường quốc tế vẫn được cho là "mờ nhạt", "thiếu sự hấp dẫn". Phần lớn khách quốc tế đến Việt Nam không phải thông qua các kênh quảng bá chính thức mà qua mạng xã hội, các KOLs (những người có tầm ảnh hưởng trên mạng) review mà họ đến Việt Nam lại phần lớn qua việc truyền tai và theo các video mà khách đi về rồi quay đăng lên.

Bên cạnh đó, nhân sự chất lượng cao trong ngành du lịch cũng là vấn đề cấp bách cần giải quyết. Sau dịch nhiều người làm lâu năm trong ngành đã đổi nghề dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân sự và chất lượng nhân sự không cao do tuyển mới nhiều.

Để du lịch Việt Nam thực sự đem lại nguồn thu như mong đợi, đặc biệt từ khách du lịch quốc tế chúng ta cần phân khúc lại khách hàng, hướng khách quốc tế đến những điểm sang trọng, giàu văn hóa và di sản thay vì điểm đến giá rẻ như trước đây.

Theo thống kê năm 2019 Khách Trung Quốc đến Việt Nam chiếm hơn 30% trong tổng số 18 triệu lượt khách quốc tế. Tuy nhiên, hầu hết đều đi theo hình thức tour 0 đồng hoặc giá rẻ khiến du lịch Việt không thu được nhiều tiền.

Cũng theo các chuyên gia, các tour 0 đồng cần hạn chế hoặc bỏ hẳn. Một trong các hệ lụy của hình thức tour này là khách bị dẫn đi mua sắm nhiều hơn là tới các điểm tham quan, khiến họ không có nhiều ấn tượng về Việt Nam và sẽ không quay lại.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần quản lý tốt điểm đến; thu hút khách từ các thị trường mới và giàu có như Trung Đông, New Zealand, Australia, Bắc Âu; quy hoạch để phát triển kinh tế đêm một cách hiệu quả; tạo ra các sản phẩm du lịch mới mang tính đặc trưng vùng miền./.

TT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực