Đối thoại giữa doanh nghiệp ngành du lịch và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ tư, 17/07/2024 18:36
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Hội nghị thu hút hơn 250 đại diện của các doanh nghiệp đăng ký tham dự, tiếp nhận và giải đáp hơn 30 câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về quy hoạch tổng thể phát triển khách sạn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh...
Toàn cảnh Hội nghị. (Ảnh: CM) 

Ngày 17/7, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Sở Du lịch Thành phố tổ chức Hội nghị Đối thoại giữa doanh nghiệp ngành du lịch và chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh nhằm giải đáp các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh về lĩnh vực du lịch; các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp ngành du lịch với Sở Du lịch Thành phố và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Hội nghị thu hút hơn 250 đại diện của các doanh nghiệp đăng ký tham dự, tiếp nhận và giải đáp hơn 30 câu hỏi của doanh nghiệp liên quan đến các vấn đề về quy hoạch tổng thể phát triển khách sạn trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; những ưu đãi về thuế, chính sách hỗ trợ vay vốn lưu động dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch; ổn định giá dịch vụ du lịch; những chủ trương, cơ chế, mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm…

Bên cạnh trả lời vướng mắc của các doanh nghiệp tại Hội nghị, đại diện Sở Du lịch Thành phố còn giải thích chi tiết, cụ thể các chính sách, quy định pháp luật, góp phần tạo thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp Thành phố trong việc thực thi các chính sách của Nhà nước một cách kịp thời, nhanh gọn và hiệu quả.

Trả lời câu hỏi về những ưu đãi về thuế đối với các công ty du lịch lữ hành, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết, để đẩy mạnh phát triển du lịch Việt Nam nói chung và thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, ngày 28/6/2024, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 43/2024/TT-BTC về mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong đó giảm 50% Phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.

Đối với những ưu đãi về thuế để hỗ trợ ngành du lịch, Nghị quyết 110/2023/QH15 đã giảm thuế giá trị gia tăng từ ngày 01/01/2024 đến ngày 30/6/2024. Những mặt hàng hóa, dịch vụ được giảm 2% thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết 43/2022/QH15, giảm 2% thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%). Như vậy, từ ngày 01/7/2024, thì thuế VAT của các doanh nghiệp sẽ quay trở về mức ban đầu. Để hỗ trợ doanh nghiệp, Sở Du lịch Thành phố sẽ kiến nghị Cục thuế Thành phố nghiên cứu quy định pháp luật để có chính sách hỗ trợ phù hợp cho đơn vị trong tình hình giai đoạn sắp tới.

Trả lời câu hỏi chính sách hỗ trợ các công ty du lịch trong việc vay vốn lưu động, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu nhấn mạnh, nhằm thúc đẩy phát triển du lịch Thành phố, Sở Du lịch sẽ chủ động nắm bắt khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp liên quan cơ chế chính sách trong lĩnh vực ngân hàng để phản ánh kịp thời đến Ngân hàng Nhà nước và Sở Du lịch Thành phố để có hướng tháo gỡ phù hợp, đảm bảo hoạt động  ngân hàng ổn định, an toàn và hiệu quả. Liên quan đến vấn đề các công ty lữ hành khó vay vốn ngân hàng vì không có tài sản đảm bảo, Sở Du lịch kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, dựa trên các quy định pháp luật có hướng giải quyết phù hợp.

Về chủ trương, cơ chế để doanh nghiệp phát triển sản phẩm du lịch đêm, đại diện lãnh đạo Sở Du lịch Thành phố chia sẻ, Sở Du lịch sẽ tham mưu và tập trung thúc đẩy phát triển du lịch đêm với những giải pháp cụ thể như: Ứng dụng các nội dung của Đề án du lịch thông minh của thành phố Hồ Chí Minh, đẩy mạnh triển khai các ứng dụng, tiện ích hỗ trợ khách du lịch, ưu tiên triển khai ứng dụng công nghệ trong thanh toán trực tuyến, sử dụng công nghệ tự động hóa trong cung cấp dịch vụ tại các mô hình phát triển sản phẩm du lịch đêm.

Xây dựng Đề án khuyến khích đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn Thành phố để khuyến khích các bảo tàng, khu di tích gắn với văn hóa lịch sử trên địa bàn Thành phố, khu điểm du lịch,… tổ chức các chương trình tham quan, trải nghiệm đặc sắc, hấp dẫn đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ và nâng cao chất lượng dịch vụ, để mở cửa phục vụ du khách về đêm; Hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành phối hợp với các điểm đến, cơ sở cung ứng dịch vụ du lịch xây dựng và tổ chức các chương trình du lịch chuyên đề phục vụ khách du lịch vào ban đêm; tiếp tục hỗ trợ truyền thông để đẩy mạnh 03 chương trình du lịch ban đêm đang khai thác: (1) Quận 1 – Sắc màu đêm; (2) Trăng Chiến khu – Địa đạo Củ Chi; (3) Nhà Bè nghìn lẻ một đêm.

Phát triển những sản phẩm du lịch gắn với khám phá nét văn hóa cộng đồng đô thị về đêm, tập trung ở các tuyến phố chuyên doanh tại Quận 1, Quận 5, quận Phú Nhuận, quận Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức, huyện Củ Chi, huyện Cần Giờ; khuyến khích đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch đường thủy gắn với hoạt động ban đêm: tàu ngủ đêm, hoạt động trải nghiệm ẩm thực và giải trí ban đêm trên tàu, thuyền, du thuyền; xây dựng kế hoạch về khai thác du hệ thống di sản, di tích phong phú, là cơ sở để hình thành nhiều chương trình du lịch hấp dẫn, đa dạng.

 Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu trả lời doanh nghiệp. (Ảnh: CM)

Theo thống kê của Tổ chức Du lịch Thế giới, du lịch văn hóa có đóng góp 37% du lịch toàn cầu và dự báo có thể tăng lên 15% mỗi năm. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, có khoảng 56% khách quốc tế chủ yếu tìm hiểu về giá trị văn hóa – lịch sử, trong khi đó khách nội địa tìm hiểu về giá trị văn hóa – du lịch chiếm khoảng 28%. Vì vậy, ngành du lịch Thành phố cũng cần phát triển 01 chương trình nghệ thuật thực cảnh về thành phố Hồ Chí Minh làm điểm nhấn trong chương tình tham quan tại Thành phố với bản sắc riêng, có chiều sâu của văn hóa, lịch sử và có độ hoành tráng và sự mới mẻ theo xu hướng của thế giới để hu hút khách tham gia và chi tiêu mạnh về đêm.

Ngoài ra, Thành phố hiện đang ưu tiên khai thác mô hình kinh tế đêm, đồng thời đặc biệt thu hút giới đầu tư bởi định hướng tập trung mọi nguồn lực đưa Thành phố phát triển khiến cho thủ phủ du lịch này trở thành “cái nôi” của loại hình du lịch MICE, văn hóa lịch sử, giải trí, ẩm thực, làm tiền đề cho kinh tế đêm phát triển đồng bộ; để sản phẩm du lịch đêm “sống được”, phát triển ổn định và bền vững, Thành phố đã tạo nét riêng với nhiều hoạt động vui chơi, mua sắm, trải nghiệm và các loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc. Tại khu vực Bến Bạch Đằng (Quận 1) có thể đầu tư loại hình du lịch “Trên bến dưới thuyền”, còn khu vực Chợ Lớn, điểm nhấn là chợ Bình Tây (Quận 6) cần có loại hình mua sắm, ẩm thực gắn với cuộc sống của người dân bản địa,… Tại một số nơi đủ điều kiện hình thành các tổ hợp kinh tế đêm mà không ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư, chẳng hạn Thủ Thiêm (thành phố Thủ Đức), bán đảo Thanh Đa (quận Bình Thạnh),… cần kết nối, xây dựng cầu tàu để phát triển sản phẩm du lịch cả đường bộ lẫn đường sông.

Về công tác phát triển sản phẩm du lịch, nâng cao hiệu quả phát triển du lịch của Thành phố, ngành du lịch có 08 nhóm giải pháp đang thực hiện đồng bộ. Đó là, phát triển sản phẩm, tài nguyên, thương hiệu, xúc tiến quảng bá, đào tạo nhân lực, liên kết vùng… Trọng tâm là phát triển sản phẩm cho du lịch thành phố. Hiện ngành xác định 4 nhóm sản phẩm chính đang có nguồn thu lớn là văn hoá lịch sử, hội nghị hội thảo triển lãm, du lịch kết hợp ẩm thực, du lịch kết hợp mua sắm. Ngành cũng xác định các sản phẩm tiềm năng lợi thế của Thành phố như du lịch đường thuỷ, du lịch không ngủ gắn với vui chơi giải trí và kinh tế đêm.

Có thể thấy, để phát triển du lịch bền vững gắn với mô hình kinh tế đêm tại thành phố Hồ Chí Minh, cần tiếp tục xây dựng trên nguyên tắc đảm bảo giải quyết tốt mối quan hệ: Giữa bảo tồn giá trị truyền thống và đưa Thành phố trở thành một trung tâm du lịch sôi động, nhộn nhịp, hấp dẫn về đêm; Cân bằng lợi ích giữa các chủ thể có liên quan (giữa nhu cầu vui chơi của khách du lịch và nhu cầu nghỉ ngơi của người dân); Giữa đa dạng hóa hoạt động kinh tế ban đêm, cung cấp nhiều dịch vụ về đêm; Giữa phát triển kinh tế ban đêm, khuyến khích người dân địa phương tham gia hoạt động về đêm và đảm bảo điều kiện sức khỏe cho người dân địa phương tham gia hoạt động ban ngày.

Tại Hội nghị, bà Bùi Thị Ngọc Hiếu thông tin, năm 2023, Sở Du lịch đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Cuộc thi thiết kế quà tặng lưu niệm du lịch thành phố Hồ Chí Minh. Đây là cuộc thi tìm kiếm những thiết kế sản phẩm quà tặng lưu niệm thể hiện nét đặc trưng, độc đáo, mang bản sắc, nét riêng biệt của thành phố Hồ Chí Minh và tạo ra sản phẩm quà tặng lưu niệm, du lịch có thiết kế mới, đáp ứng yêu cầu quà tặng cho khách du lịch nội địa và quốc tế góp phần thu hút khách du lịch, quảng bá điểm đến và tăng chi tiêu của du khách khi đến thành phố Hồ Chí Minh. Sản phẩm dự thi qua các vòng sơ tuyển, bán kết, chung kết và lựa chọn 25 sản phẩm đoạt giải.

Các sản phẩm đạt giải đã được giới thiệu và trưng bày trong chương trình tham quan Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố. Đồng thời, các sản phẩm đạt giải làm quà tặng của Lãnh đạo Thành phố, lãnh đạo Sở Du lịch cho các đoàn công tác trong và ngoài nước đến thăm và làm việc tại Thành phố và hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch của Thành phố trong và ngoài nước; được giới thiệu đến các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp để phục vụ nhu cầu quà tặng hội nghị mang hình ảnh đặc trưng của Thành phố.

Trong thời gian tới, Sở Công thương sẽ tổ chức Hội chợ, triển lãm quốc tế quà tặng, quà lưu niệm thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 từ ngày 05 - 07/9/2024 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) với các nội dung chính: tổ chức không gian trưng bày sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm với quy mô 80 gian hàng; tổ chức bình chọn Top 50 sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm thành phố Hồ Chí Minh năm 2024; tổ chức kết nối giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm du lịch trong nước và quốc tế, các sàn thương mại điện tử, các hệ thống phân phối, chuỗi siêu thị với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh sản phẩm du lịch; tổ chức tập huấn kỹ năng xúc tiến cần thiết cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh sản phẩm du lịch tăng cường khả năng tiếp cận thị trường quà tặng phục vụ du lịch./.

 

CM

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực