Trồng thanh long xuất khẩu ở Long An. (Nguồn: Báo Long An)
Những năm qua, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất cây ăn trái chủ lực của cả nước. Tuy nhiên, chất lượng trái cây còn hạn chế, kích cỡ chưa đồng đều, từ đó ảnh hưởng đến xuất khẩu. Khắc phục tình trạng này, ngành nông nghiệp đã chủ trương phát triển vườn cây ăn trái theo hướng VietGAP, nhằm đưa trái cây ở đây xuất khẩu ra các nước trên thế giới.
Với các sản phẩm đặc trưng được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến như bưởi da xanh; măng cụt; sầu riêng; vú sữa; dừa.v.v…, các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã tạo nên thương hiệu trái cây đặc sản của mình. Không những thị trường trong nước biết đến mà các nước trong khu vực, trên thế giới cũng bắt đầu tiêu thụ mạnh.
Do các địa phương hướng dẫn người trồng cây áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nên nhiều loại trái cây đã đạt tiêu chuẩn chất lượng, năng suất cao và được xuất khẩu sang nhiều thị trường “khó tính”, các mô hình canh tác VietGAP đã được bà con nông dân ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long áp dụng và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cùng với đó là các công đoạn từ khâu chọn giống, canh tác, chăm sóc…đều tuân thủ chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm; việc bón phân, tưới nước tuân thủ đúng định kỳ để đảm bảo trái cây phát triển đều, chất lượng ngon…
Những địa phương làm tốt việc này như Tiền Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Đồng Tháp, Long An.v.v…
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, hiện toàn tỉnh có hơn 70.000ha cây ăn trái, những năm qua tỉnh này đã thành lập được 46 hợp tác xã và tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ trái cây, trong đó canh tác theo hướng GAP. Hàng năm các hợp tác xã và tổ hợp tác trái cây như sầu riêng, xoài cát Hòa Lộc, khóm, vú sữa Lò Rèn, thanh long… hợp tác với các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ với số lượng khá lớn.
Tại tỉnh Vĩnh Long, cây ăn trái được xác định là thế mạnh nông nghiệp, vì thế tỉnh luôn khuyến cáo nông dân canh tác theo hướng GAP. Đến nay, nhiều xã viên của hợp tác xã chôm chôm Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ; tổ hợp tác trồng sầu riêng Thanh Bình, huyện Vũng Liêm; hợp tác xã chôm chôm Tích Thiện, huyện Trà Ôn; các hợp tác xã và tổ hợp tác trồng bưởi Năm Roi ở thị xã Bình Minh… cùng nhiều nơi khác đã mạnh mẽ hưởng ứng mô hình GAP, nhằm nâng cao chất lượng trái cây.
Theo ông Nguyễn Thành Tài, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, thời gian qua, tỉnh này đã quan tâm sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Trong đó, có 34ha xoài đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, 48ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; bên cạnh đó còn thành lập 2 hợp tác xã và 34 tổ hợp tác về sản xuất và tiêu thụ xoài, cùng một chợ đầu mối, 75 cơ sở thu mua. Tỉnh Đồng Tháp còn kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu, tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết cùng nông dân sản xuất trái cây sạch… đã xuất khẩu xoài sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…
Trên thực tế, nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long sau khi sản xuất theo GAP đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, sản xuất đã hướng tới gắn với thị trường; Tất cả các thành viên của hợp tác xã cũng như tổ hợp tác đều năng động cập nhật và ứng dụng khoa học kỹ thuật và xây dựng những vườn cây ăn trái theo tiêu chuẩn GAP, phát triển kinh tế trang trại theo hướng sản xuất hàng hóa.
Ngành chức năng của các địa phương cũng đã quy hoạch vùng sản xuất đối với các loại cây ăn trái, đồng thời tiến hành chuyển giao, hướng dẫn nông dân tiếp cận với những kỹ thuật mới theo hướng an toàn và tiêu chuẩn GAP.
Có thể thấy, với định hướng trồng cây ăn trái theo chuẩn GAP đang được nhân rộng ở các địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong những năm qua đã thực sự mở ra một cơ hội mới cho người làm vườn. Đó là tránh được những rủi ro bấp bênh về đầu ra và giá cả, để tăng cao lợi nhuận trong trồng trọt, nhanh chóng vươn lên xóa nghèo, làm giàu từ cây ăn trái./..