Đồng bằng sông Cửu Long: Tổng sản lượng lúa hè thu ước đạt hơn 8,5 triệu tấn

Thứ năm, 12/08/2021 10:27
(ĐCSVN) – Theo Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ hè thu năm 2021, nông dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long xuống giống hơn 1,5 triệu ha, giảm 9.000 ha; năng suất ước đạt 5,66 tấn/ha, tăng 0,11 tấn/ha. Hiện nay đang vào cao điểm thu hoạch lúa và ước tính tổng sản lượng cả vụ đạt hơn 8,5 triệu tấn, tăng 124.000 tấn so với cùng kỳ.

Hiện nông dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu; cùng với đó là triển khai sản xuất vụ lúa thu đông. Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn thì năm nay mực nước lũ không cao nên nông dân các tỉnh đầu nguồn triển khai canh tác để phục vụ xuất khẩu.

Theo Cục Trồng trọt, giá thành bình quân vụ hè thu tạm tính là 3.728 đồng/kg, tăng 143 đồng/kg so với vụ hè thu 2020. Nguyên nhân do giá phân bón và vật tư đầu vào tăng. Song, nhờ thực hiện giảm chi phí giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... nên chi phí giá thành sản xuất dù tăng nhưng không đáng kể và vẫn đảm bảo mức lợi nhuận cho nông dân cao hơn so với vụ hè thu 2020.

Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN) 

Một số địa phương thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như Tiền Giang năng suất ước đạt 5,6 tấn/ha, tổng chi phí khoảng 20 triệu đồng/ha, thu nhập đạt 42 triệu đồng/ha, lợi nhuận 22 triệu đồng/ha, tăng khoảng 5 triệu đồng/ha so với vụ hè thu 2020.

Tại tỉnh Hậu Giang, đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh này đã thu hoạch được hơn 45.000 ha trong tổng số 76.616 ha lúa hè thu đã xuống giống, với năng suất bình quân ước đạt 6,38 tấn/ha. Thương lái đang thu mua lúa tươi của người dân tại ruộng với giá dao động từ 5.000-5.800 đồng/kg (tùy giống), giảm 200-300 đồng/kg so với thời điểm trước giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19.

Vụ hè thu năm nay, nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống, đẩy mạnh sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu. Theo đó, người nông dân ở đây đã đưa giống lúa thơm, đặc sản đạt 29,3%, tăng 3,3% so với cùng kỳ; lúa chất lượng cao đạt 48,5%, tăng 2,5%; trong khi giống trung bình chỉ còn 11,5%, giảm 4,7%; giống nếp 10,7%, giảm 1,1%... Cơ cấu giống lúa sản xuất từng mùa vụ đang có xu hướng chuyển dịch dần sang các giống lúa thơm, đặc sản (nhất là lúa thơm ST 24, ST 25) và giống lúa chất lượng cao phù hợp với yêu cầu thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, thị trường EU theo các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đang có tiềm năng phát triển trong thời gian tới và nâng cao giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam, có thời điểm đạt đến 500 USD/tấn trong năm 2020, giúp thương hiệu và vị thế xuất khẩu gạo Việt Nam phát triển không ngừng.

Được biết, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện đã thu hoạch được hơn 700.000 ha. Tại những tỉnh có lúa hè thu đang thu hoạch, như: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Đồng Tháp, An Giang… lúa chất lượng cao OM 18 được nông dân bán lúa tươi cho thương lái và các doanh nghiệp ở mức 5.800- 6.000 đồng/kg, trong khi cách nay  hơn 1 tuần giá chỉ ở mức 5.600-5.800 đồng/kg trở lại. Còn giá các loại lúa OM 6976, OM 5451… ở mức 5.100-5.400 đồng/kg, trong khi trước đó giá chỉ 4.900-5.200 đồng/kg. Riêng giá lúa tươi IR50404 tại nhiều nơi có tăng nhẹ trở lại khoảng 100 đồng/kg nhưng vẫn còn ở mức thấp, dao động từ 4.500-4.900 đồng/kg. Tại nhiều địa phương, các loại lúa thơm: lúa tươi Đài thơm 8, RVT, ST24… bán được giá 6.000-6.500 đồng/kg.

Giá lúa hè thu tại nhiều địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có tín hiệu khởi sắc trở lại nhờ hoạt động thu mua lúa gạo đang được các đơn vị, doanh nghiệp đẩy mạnh. Những ngày qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp các bộ, ngành Trung ương, địa phương và doanh nghiệp có liên quan để triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân thu hoạch, tiêu thụ lúa và thúc đẩy các đơn vị, doanh nghiệp  đẩy mạnh hoạt động chế biến, xuất khẩu gạo.

Để chuỗi ngành hàng lúa gạo không bị đứt gãy, 4 tỉnh, thành phố là Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang thống nhất hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân, phương tiện trong sản xuất, thu hoạch. Đối với người và phương tiện vận chuyển lúa gạo di chuyển qua các địa phương khác phải có danh sách cụ thể, giấy xét nghiệm COVID-19 âm tính (bằng phương pháp PCR mẫu gộp). Đồng thời, các địa phương sẽ thành lập tổ công tác liên ngành, thiết lập đường dây nóng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc việc tiêu thụ, lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh. Bên cạnh đó, 4 tỉnh còn thống nhất đề nghị Trung ương hỗ trợ lãi suất, gói tài chính cho doanh nghiệp thu mua nông sản…/..

           

K.V(t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực