1. Huy động các nguồn lực tài chính phục vụ Cách mạng tháng Tám 1945
Xuất thân từ gia đình nhà nho nghèo tại thôn Đông, nay thuộc xã Thanh Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, đồng chí Nguyễn Lương Bằng sớm nung nấu lòng yêu nước, thương dân và căm thù thực dân xâm lược trong bối cảnh đất nước chìm trong lầm than. Trí lớn, ý chí kiên cường, nghị lực mạnh mẽ thôi thúc đồng chí phá bỏ ách kìm kẹp, bóc lột để mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí được giác ngộ về con đường giải phóng dân tộc và nhanh chóng trở thành chiến sĩ cộng sản kiên cường, bất khuất, một lòng một dạ hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập.
Dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những năm đầu tham gia cách mạng, đồng chí hoạt động trong các phong trào yêu nước ở nước ngoài, trên tàu biển, và cả miền Nam, miền Bắc. Năm 1926, khi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên muốn phát triển cơ sở cách mạng trong nước, để gây dựng thêm lực lượng đánh đổ thực dân Pháp, Nguyễn Lương Bằng đã không ngần ngại xung phong về nước hoạt động. Khi về nước, với kiến thức được học từ những bài giảng của Nguyễn Ái Quốc, cũng như được Người trực tiếp chỉ bảo thêm, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã nhanh chóng xây dựng được cơ sở ở Hải Phòng, tổ chức quần chúng, lập các hội tương tế, v.v. hoạt động theo sự chỉ đạo của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên; thiết lập được đường dây liên lạc từ Hải Phòng sang Trung Quốc. Đặc biệt, mối liên lạc giữa Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở trong nước với Tổng bộ Hội ở Quảng Châu đã được Nguyễn Lương Bằng thực hiện thành công. Thông qua sự chuyển tải của đường dây liên lạc do Nguyễn Lương Bằng phụ trách, báo Thanh niên và sách Đường kách mệnh được bí mật đưa về nước đã nhanh chóng truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước ở nước ta, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình vận động thành lập Đảng Cộng sản, đồng thời gần 200 cán bộ đã được đưa đón an toàn[1].
|
Hai người bạn tù Sơn La đồng chí Trường Chinh (phải), Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội,
thăm đồng chí Nguyễn Lương Bằng tại nhà riêng, Hà Nội, 1978 |
Ngày 03/02/1930, tại bán đảo Cửu Long (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản đã diễn ra dưới sự chủ trì của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Qua cuộc họp này, các đại biểu quyết định về việc thống nhất các tổ chức cộng sản tại Việt Nam thành một Đảng duy nhất, mang tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt lịch sử quan trọng, chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài về tổ chức và đường lối của cách mạng Việt Nam. Đảng ra đời, đã nhanh chóng nắm lấy ngọn cờ lãnh đạo cách mạng Việt Nam, đấu tranh để giải phóng dân tộc, đưa đất nước tiến lên chủ nghĩa cộng sản. Để hoàn thành được mục tiêu này, việc phát triển nguồn lực tài chính nhằm đảm bảo các hoạt động của Đảng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Trong những năm đầu, công tác tài chính của Đảng còn gặp nhiều khó khăn, quỹ Đảng hầu như không đáng kể, đảng viên đa phần phải tự lao động, sản xuất để có kinh phí hoạt động cách mạng.
Tháng 10/1943, tại căn cứ Trung ương Đảng ở Mai Lĩnh, Hà Đông, các đồng chí Đặng Xuân Khu, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng đã tiến hành một cuộc họp và giao nhiệm vụ chính cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng là phụ trách công tác tài chính Đảng vì vào lúc này vấn đề tài chính của Đảng gặp rất nhiều khó khăn và cũng chưa có người phụ trách. Là người đầu tiên phụ trách công tác tài chính của Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng nhận thức rõ nhiệm vụ mà Trung ương Đảng đã giao. Với suy nghĩ “Tiền không phải là cái quyết định song có tiền thì có thêm sức mạnh cho phong trào”, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã ra sức chăm lo tổ chức các hoạt động tài chính và từng bước xây dựng ngành tài chính của Đảng.
Từ năm 1944, phong trào cách mạng ngày một mạnh mẽ, số tiền mà những gia đình có cảm tình với Đảng đóng góp cho Đảng ngày một nhiều, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã chỉ đạo dùng một phần mua bổ sung nguyên liệu, thiết bị, giấy cho các cơ quan in ấn. Số tiền còn lại dùng làm vốn kinh doanh như tổ chức buôn gạo, khô dầu, dầu ve, dầu trẩu, buôn bè, buôn trâu bò, buôn mật, buôn gỗ làm lược... Tuy nhiên, việc ủng hộ tài chính cho Đảng chưa đáp ứng hết các hoạt động của Đảng. Để chủ động một lượng tài chính lớn, và để động viên lòng yêu nước của nhân dân, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đề nghị Thường vụ Trung ương Đảng cho chủ trương phát hành tín phiếu và tiền tín phiếu, chuyển từ việc đóng góp tài chính như bắt buộc sang tự nguyện. Đề nghị của đồng chí Nguyễn Lương Bằng được Thường vụ Trung ương đồng ý.
Đồng chí Nguyễn Lương Bằng với vai trò Tổng trưởng tài chính của Tổng bộ Việt Minh, đã đề xuất nhiều sáng kiến tài chính để hỗ trợ Mặt trận Việt Minh. Một trong những ý tưởng đó là cuộc vận động "Đồng tiền cứu nước" nhằm đáp ứng chi phí ngày càng tăng của Mặt trận do sự phát triển của cách mạng và sự chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, thay mặt Tổng bộ Việt Minh, đã quyết định phát hành tín phiếu để hỗ trợ cuộc vận động này.
Qua hai đợt phát hành tín phiếu, Tổng bộ Việt Minh đã thu được 50 triệu đồng Đông Dương. Đó là một thắng lợi lớn xét về mặt tài chính. Song, việc phát hành tín phiếu không chỉ đơn thuần nhằm mục đích tài chính, mà còn cao hơn thế, là nhằm tuyên truyền, phát huy ảnh hưởng của Việt Minh trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong tầng lớp trung gian và tầng lớp trên. Thông qua hành động yêu nước cụ thể để tuyên truyền, vận động, lôi kéo, mà những tầng lớp này ngả về phía Việt Minh, hướng đến và đi theo cách mạng.
Mặc dù chưa có kinh nghiệm, nhưng việc phát hành tín phiếu là một thắng lợi không chỉ có ý nghĩa là làm giảm đi những khó khăn về tài chính cho hoạt động cách mạng của Đảng mà còn làm thay đổi nhận thức, phương thức hoạt động của những người làm tài chính cho Đảng và tạo ra nhận thức mới với việc đóng góp tự nguyện của toàn dân cho Đảng và cách mạng.
Nhờ bán tín phiếu theo nhiều hình thức, tài chính của Đảng được gia tăng, giảm bớt khó khăn trong hoạt động cách mạng. Số tiền thu được được Trung ương Đảng sử dụng để mua sắm thêm phương tiện làm việc. Ông quyết định mua đá in để tăng cường in sách, báo phục vụ công tác tuyên truyền. Ông còn bí mật liên hệ với công nhân Nhà in Lê Văn Tân (Hà Nội), hướng dẫn cách in bằng chữ đúc để sản xuất sách, báo, tài liệu nhanh chóng và hiệu quả. Mở rộng in ấn giúp Đảng nhanh chóng và rộng rãi truyền đạt chủ trương đến các địa phương, động viên nhân dân đấu tranh. Quỹ Đảng còn hỗ trợ mua sắm vũ khí, chi viện Đội du kích Võ Nhai và các cơ sở khác. Để quản lý tài chính chặt chẽ, Đảng thiết lập kỷ luật nghiêm ngặt. Các đồng chí, trong đó có Nguyễn Lương Bằng, đều kiểm tra tài chính mỗi cuộc họp. Ông chi tiêu rất chi tiết, ghi chép cẩn thận và minh bạch, đồng thời tuân thủ nghiêm túc kỷ luật tài chính của Đảng. Ông không tiêu tiền của Đảng cho mục đích cá nhân, thậm chí khi đói, ông vẫn giữ tiền của Đảng với tư tưởng "Tiền của Đảng không được phép vi phạm” và đã nêu một tấm gương sáng về liêm chính.
Nhờ có chính sách tài chính đúng đắn của Đảng và những đóng góp rất tích cực của đồng chí Nguyễn Lương Bằng, công tác quản lý tài chính của Đảng dần dần đi vào nền nếp, ngày càng hoàn thiện hơn và đã từng bước giải quyết được nhiều yêu cầu của Đảng và cách mạng. Đồng thời, qua công tác này, nhân cách liêm chính sáng ngời của đồng chí Nguyễn Lương Bằng càng được các đồng chí trong Trung ương kính trọng.
2. Xây dựng ngành tài chính phục vụ kháng chiến
Cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp ngày càng cam go, ách liệt. Để hoàn thiện bộ máy quản lý công tác tài chính của Đảng. Cuối năm 1947, Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương được thành lập. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được cử giữ chức Trưởng ban. Chức năng của Ban vừa nghiên cứu vừa giúp Trung ương hoạch định đường lối kinh tế, tài chính chung, vừa làm công tác tài chính Đảng.
Lúc đầu, nhiệm vụ của Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương còn đơn giản, chỉ đơn thuần quản lý đồng tiền. Sau đó, nhiệm vụ được mở rộng ra quản lý một số đơn vị kinh doanh như xưởng dệt, lò bát... Để tăng ngân sách cho các hoạt động kháng chiến, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã chỉ đạo tìm cách đưa một số hàng hóa từ các tỉnh miền núi như Hà Giang, Yên Bái về Hà Nội bán lấy tiền để mua sắm vũ khí, in báo... Đồng thời, đồng chí cũng chỉ đạo tổ chức cho một số cơ sở kinh doanh như Hãng Sao Đỏ và Công ty Nam Phát buôn bán hàng ở trong nước, tổ chức vận tải đường thủy, đường bộ và được phép xuất nhập khẩu một số mặt hàng.
Ngoài việc thống nhất phương hướng và nguyên tắc hoạt động tài chính làm công cụ chỉ đạo chung, từ khi đảm nhận lãnh đạo Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đặc biệt chú trọng vào công tác đào tạo cán bộ kinh tế, tài chính của Đảng. Ông tiến hành tổ chức một mạng lưới kinh tế, tài chính từ Trung ương đến các địa phương, nhằm phục vụ cho công cuộc kháng chiến. Sau Hội nghị cán bộ kinh tế, tài chính Bắc Bộ (tháng 9/1947), theo Nghị quyết của Hội nghị tháng 10/1949, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã chỉ đạo thành lập Ban Kinh tế - Tài chính tại các khu và tỉnh, trực thuộc cấp ủy. Ông đã cử các cấp ủy viên hay ủy viên thường vụ cấp ủy làm trưởng ban, hướng dẫn công tác kinh tế, tài chính từ cấp cơ sở đến cấp trung ương.
Vào thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã tham mưu cho Chính phủ phát hành giấy bạc Việt Nam, còn gọi là giấy bạc tài chính, lưu thông trên toàn cõi Việt Nam nhưng chủ yếu ở các khu vực Việt Bắc, vùng tự do ở đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Ở vùng tự do Liên khu V, từ tháng 7/1947, đã phát hành tín phiếu lưu hành song song với tiền tài chính. Từ đầu tháng 11/1947, tại Nam Bộ cũng được phép phát hành, sử dụng tín phiếu. Loại tín phiếu này có giá trị ngang với tiền tài chính.
Trong giai đoạn kháng chiến, tài chính Đảng gặp khó khăn do nguồn cung không đáp ứng đủ. Từ ngày 21 đến 29 tháng 3 năm 1949, đồng chí Nguyễn Lương Bằng chủ trì Hội nghị cán bộ kinh tế, tài chính quốc gia nhằm tìm giải pháp. Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đề xuất một số chủ trương lớn về tài chính nội bộ Đảng như tăng cường các khoản thu (thu nguyệt phí; gây phong trào ủng hộ quỹ Đảng) nhưng phải chấm dứt các cuộc lạc quyên tự động; phải mở rộng và phát triển kinh doanh để tăng tiền lời thu vào quỹ; xây dựng quỹ chi bộ để tạo nguồn đóng góp từ dưới lên; ra sức tiết kiệm chi, vận động các đoàn thể xây dựng quỹ để dần dần tự túc; tách những khoản chi thuộc chính quyền để chính quyền đài thọ; chỉnh đốn các cơ quan ấn loát và phát hành để giảm bớt kinh phí phải trợ cấp; thi hành nghiêm ngặt các chế độ chi tiêu, thực hiện chế độ thu chi có sổ sách kế toán thống nhất. Phải tăng cường kiểm tra tài chính. Gấp rút nghiên cứu, đề nghị Trung ương ban hành chế độ sinh hoạt phí, công tác phí và các chế độ khác. Đồng chí chỉ đạo Hội nghị quán triệt thống nhất phương hướng kinh doanh của Đảng nhằm làm lợi cho quỹ Đảng nhưng không được trái với chính sách kinh tế, tài chính của Đảng và Nhà nước.
Dưới sự chỉ đạo của Đồng chí Nguyễn Lương Bằng, hệ thống kiểm tra tài chính đã được xây dựng và hoạt động mạnh mẽ, đồng thời đi kèm với việc hình thành các cơ sở sản xuất, kinh doanh và cơ quan tài chính Đảng ở mọi cấp. Từ năm 1949, các đơn vị cơ sở và trực thuộc đã thường xuyên lập kế hoạch hoạt động, dự trù ngân sách và báo cáo định kỳ (tháng, quý, năm). Để đảm bảo sự minh bạch và hiệu quả, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đề xuất tổ chức kiểm tra tài chính định kỳ. Hai đến ba lần mỗi năm, ông chủ trương cử các đồng chí lãnh đạo Ban Kinh tế - Tài chính Trung ương và các khu xuống đơn vị cơ sở để kiểm tra tài sản, tiền vốn, kho, quỹ, sổ sách, và đánh giá đúng hoạt động của chúng thông qua thực tế. Qua công tác kiểm tra tài chính, các địa phương và cơ sở đã thực hiện đúng chính sách, nguyên tắc quản lý kinh tế, tài chính của Đảng. Tài sản được giao hoặc làm thêm của các cơ sở được quản lý một cách hiệu quả, đồng thời cơ quan tài chính Đảng đã có kiểm soát chặt chẽ về lượng tài sản. Điều này giúp định hướng và chỉ đạo kịp thời các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đồng thời đảm bảo báo cáo đầy đủ tình hình với Trung ương và các cấp ủy.
Khi sử dụng con người trong công tác, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã chỉ đạo và phối hợp với các cấp ủy địa phương chọn lựa những cán bộ thích hợp, tin cậy, tháo vát, có kinh nghiệm về sản xuất, kinh doanh để đưa đi bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về tài chính. Đồng thời, đồng chí chỉ đạo các cấp tích cực mời những nhân sĩ, nhà doanh nghiệp, nhà chuyên môn và kỹ thuật tham gia các lớp bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ tài chính.
Từ tháng 10 năm 1947, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đưa ra chỉ đạo mở các lớp đào tạo cán bộ quản lý kinh doanh và kế toán trong cơ quan tài chính của Đảng tại Trung ương và các liên khu. Đồng thời, ông tập trung vào việc sử dụng và đào tạo cán bộ ngành, cùng với việc tuyển chọn cán bộ mới có tiềm năng. Trong khoảng ba năm từ 1947 đến 1949, tại Trung ương, đã tổ chức thành công 4 lớp đào tạo, thu hút gần 200 học viên, bao gồm đảng viên trẻ triển vọng đến từ các khu, tỉnh và ngành khác nhau. Mỗi khóa học kéo dài từ 4 đến 6 tháng, và sau đó, học viên có thêm 2 đến 3 tháng thực tập tại các cơ sở. Điều này nhằm giúp họ áp dụng kiến thức đã học vào thực tế công việc. Trong cùng khoảng thời gian, Liên khu Việt Bắc, III, IV cũng tổ chức thành công 5 lớp kế toán viên, nhằm đáp ứng nhu cầu bổ sung cán bộ cho các cơ quan quản lý tài chính và cơ sở sản xuất, kinh doanh của Đảng trong các liên khu này. Điều này thể hiện sự chú trọng của Đảng đối với việc đào tạo cán bộ chất lượng để nâng cao chất lượng quản lý và vận hành tài chính trong tình hình kháng chiến và phát triển quốc gia.
3. Đóng góp về mặt lý luận vào đường lối kinh tế, tài chính của Đảng
Bên cạnh những hoạt động thực tiễn, đồng chí Nguyễn Lương Bằng cũng có nhiều đóng góp quan trọng về mặt lý luận vào đường lối kinh tế, tài chính của Đảng. Từ ngày 11 đến 19/2/1951, Đại hội lần thứ II của Đảng đã được tổ chức tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Tại Đại hội, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã trình bày báo cáo về kinh tế - tài chính. Trong báo cáo, đồng chí đã làm rõ “Nhiệm vụ kinh tế tài chính chủ yếu trước mắt của chúng ta là đánh bại chủ nghĩa đế quốc xâm lược trên mặt trận kinh tế”[2], “phải tập trung mọi sự cố gắng về kinh tế tài chính vào đó... không phải chúng ta gác nhiệm vụ thực hiện chính sách kinh tế tài chính phản phong kiến lại. Hai nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến luôn luôn gắn vào nhau, ảnh hưởng lẫn nhau, thúc đẩy nhau tiến lên. Cho nên, trong kinh tế kháng chiến, nhiệm vụ chống phong kiến cũng phải tích cực tiến hành cho đúng mức... Nói vắn tắt lại, kinh tế kháng chiến tức là kinh tế dân chủ nhân dân trong giai đoạn mà nhiệm vụ chủ yếu là tiêu diệt chủ nghĩa đế quốc xâm lược”[3]
Sau khi nêu lên một số thành tựu, cũng như hạn công tác quản lý kinh tế, tài chính, đồng thời chỉ rõ các nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng kinh tế, tài chính trên tất cả các lĩnh vực. Đối với lĩnh vực tài chính, đồng chí Nguyễn Lương Bằng nêu rõ những việc cần làm ngay: “a) Thiết lập quốc gia ngân hàng, phát hành đồng bạc mới làm cho tiền tệ có thể ổn định phần nào và có giá hối đoái trên trường quốc tế; b) Quy định rõ ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương; c) Phát hành công trái quốc gia; d) Dân chủ hóa chế độ thuế khóa. Bấy lâu nay chúng ta thật chưa dân chủ hoá thuế khoá đúng mức nhu cầu và khả năng của hoàn cảnh.…e) Cải tiến chế độ tín dụng đối với nông nghiệp và thủ công nghiệp.”[4]
Đường lối kinh tế, tài chính của Đảng không thể tách rời khỏi vai trò lãnh đạo của Đảng, đồng chí nêu rõ: “Trước tình thế ngày càng khó khăn, Đảng ta ngày càng phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn bộ cuộc kháng chiến nói chung, cũng như riêng về mặt kinh tế tài chính. Sự lãnh đạo ấy phải vững chắc, sáng suốt, thống nhất về tư tưởng, chính trị và về tổ chức”[5].
Sự lãnh đạo của Đảng thể hiện trên cách mặt về tư tưởng, chính trị và tổ chức: Về tư tưởng, Đảng phải làm cho mỗi đảng viên thấm nhuần quan điểm quần chúng, quan điểm nhân dân và quan điểm lao động trong phạm vi công tác kinh tế, thấm nhuần lý luận chiến tranh nhân dân trong công tác kinh tế - tài chính, chống khuynh hướng tách rời kinh tế với đường lối chính trị chung và khuynh hướng “thuần túy lý tài” tách rời tài chính với kinh tế và chính trị. Về chính trị, Đảng phải giáo dục cho đảng viên nắm vững những nguyên tắc kinh tế, tài chính của Đảng trong kháng chiến để quần chúng hóa các chính sách ấy, được chính quyền, mặt trận và nhân dân nhất trí và chấp hành đúng tiêu chuẩn. Về tổ chức, “Đảng phải ra sức kiện toàn cơ quan lãnh đạo kinh tế, chấn chỉnh toàn thể bộ máy kinh tế không những ở trung ương mà còn ở các cấp... Đảng phải ra sức giáo dục cán bộ cũ, đào tạo cán bộ mới... phải cương quyết gây tác phong làm việc... có sự thưởng phạt kịp thời. Đảng phải đấu tranh tích cực chống lối làm việc vô nguyên tắc, quan liêu, hủ hóa, hình thức, thủ công nghiệp và những lối làm việc đại quy mô không sát thực tế”[6]
Những quan điểm trên là một đóng góp lớn về lý luận vào đường lối kinh tế, tài chính của Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
4. Tính liêm chính và tiên phong trong công việc
Điều đầu tiên khi nói đến nhân cách cao đẹp của đồng chí Nguyễn Lương Bằng đó là tính liêm chính khi giữ các cương vị là người đứng đầu ngành tài chính của Đảng, mặc dù ở vị trí này, không ít người có thể dễ dàng bị cám dỗ, nhất là trong điều kiện kháng chiến còn nhiều khó khăn. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng luôn công minh, phân tách rạch ròi giữa tiền của Đảng với cá nhân, sẵn sàng chịu đói chứ nhất định không động đến một đồng tiền của Đảng. Nguyễn Lương Bằng luôn sống giản dị, tiết kiệm, không ham mê vật chất. Ông thường xuyên nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải gương mẫu, đi đầu trong việc thực hành tiết kiệm. Ông luôn giữ vững nguyên tắc, không tham nhũng, hối lộ. Trong công việc, ông luôn công tâm, xử lý mọi việc một cách công bằng, minh bạch. Đánh giá về ông, nguyên Tổng Bí Thư Đỗ Mười đã nói: “Không hám hư danh, không màng tư lợi, suốt đời hy sinh phấn đấu vì lợi ích của dân tộc và hạnh phúc của nhân dân, chiến đấu không mệt mỏi vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đó là động cơ, là mục tiêu phấn đấu của đồng chí Nguyễn Lương Bằng”[7]
Nguyễn Lương Bằng là người tiên phong trong việc tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ mới, quan trọng của cách mạng. Mặc dù chưa ngày nào được đào tạo về lĩnh vực tài chính, kinh tế nhưng khi được Đảng tin tưởng giao nhiệm vụ, ông đều chấp hành tuyệt đối, luôn phấn đấu đến mức cao nhất để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Ông là người đầu tiên thực hiện nhiệm vụ xây dựng tài chính cho Đảng và Mặt trận Việt Minh trong những năm tháng khẩn trương chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám, đồng chí cũng là người đầu tiên lãnh đạo công tác kinh tế - tài chính của Đảng trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Và vấn đề không chỉ là người đầu tiên thực hiện những nhiệm vụ khó khăn trên, mà còn là hiệu quả những công việc đó mà ông mang lại cho Đảng, nhân dân và đất nước.
Để có được tinh thần cách mạng, tính liêm chính và tiên phong, bản thân ông phải vượt qua được những cám dỗ, cạm bẫy của chủ nghĩa cá nhân, những lợi ích vật chất. Thành công của đồng chí Nguyễn Lương Bằng trong thực hiện các nhiệm vụ mà Đảng giao phó, trước sự vận động phức tạp của cuộc sống, gắn liền với những thành công về phương pháp hoạt động rất hài hòa nhưng thể hiện bản lĩnh của một nhà lãnh đạo đặt lợi ích của dân tộc, của Đảng lên trên hết.
Nguyễn Lương Bằng luôn chú trọng việc nghiên cứu lý luận, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối của Đảng và kết hợp chặt chẽ với thực tiễn hoạt động. Ông luôn đi sâu vào thực tế, nắm bắt tình hình, lắng nghe ý kiến của nhân dân để từ đó đưa ra những quyết định, chủ trương phù hợp. Ông luôn đề cao tinh thần tập trung dân chủ, nhưng đồng thời cũng khuyến khích cán bộ, đảng viên và nhân dân phát huy tính sáng tạo trong công việc. Ông thường xuyên tổ chức các hội nghị, tập huấn để cán bộ, đảng viên và nhân dân thảo luận, đóng góp ý kiến cho các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Trong những năm phụ trách công tác kinh tế, tài chính của Đảng, đồng chí Nguyễn Lương Bằng đã đề xuất và tổ chức thực hiện những chủ trương, chính sách đúng đắn và sáng tạo về kinh tế, tài chính; xây dựng những cơ sở sản xuất, kinh doanh của tài chính Đảng và góp phần quan trọng vào việc ổn định nền kinh tế nước nhà; bảo đảm khối lượng tài chính to lớn đáp ứng nhu cầu lãnh đạo và hoạt động của Đảng, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta đến thắng lợi; đồng chí cũng là người lãnh đạo chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ tài chính của Đảng có phẩm chất và năng lực, đóng góp những cán bộ cốt cán cho các ngành kinh tế và tài chính của Nhà nước. Là người phụ trách ngành tài chính của Đảng trong nhiều năm, đồng chí luôn nêu cao tấm gương sáng về tinh thần liêm khiết, về tổ chức và quản lý chặt chẽ, về phong cách hoạt động sáng tạo, năng động và kiên quyết. Đồng chí Nguyễn Lương Bằng được các đồng chí trong Đảng gọi bằng cái tên thân yêu và kính trọng: “Anh Cả”. Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười đã dành những lời trân trọng về đồng chí Nguyễn Lương Bằng: "Anh Nguyễn Lương Bằng, Anh Cả quý mến của chúng ta đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc. Anh Cả là tấm gương sáng về tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất, về đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và tác phong cần cù, giản dị; là người lãnh đạo, người đồng chí được toàn Ðảng, toàn dân yêu mến, cảm phục"[8].
-----------------
[1] Nguyễn Lương Bằng tiểu sử, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2015, tr.46
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2001, tập 12, tr.310;
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2001, tập 12, tr.310-311.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2001, tập 12, tr.337-338
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2001, tập 12, tr.343
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2001, tập 12, tr.343-344.
[7]https://baohaiduong.vn/ong-chi-nguyen-luong-bang-tam-guong-nguoi-cong-san-nhan-nghia-tri-dung-liem-340192.html
[8] https://xaydungdang.org.vn/ly-luan-thuc-tien/dong-chi-nguyen-luong-bang-nguoi-chien-si-cong-san-mau-muc-nguoi-tham-gia-sang-lap-nuoc-viet-nam-dan-chu-cong-hoa-7231