Đóng góp ý kiến về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi)

Thứ sáu, 16/12/2016 21:32
(ĐCSVN) - Ngày 16/12, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội thảo Quốc gia về Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi).

Hội thảo Quốc gia về Dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (Ảnh: BT)

Theo báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), qua gần 12 năm thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng từ năm 2004, cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần tạo chuyển biến quan trọng trong phát triển lâm nghiệp. Trong đó, góp phần chuyển từ nền lâm nghiệp lấy quốc doanh là chủ yếu sang nền lâm nghiệp xã hội với nhiều thành phần kinh tế tham gia; từ chủ yếu dựa vào khai thác rừng tự nhiên sang bảo tồn, bảo vệ, nuôi dưỡng, làm giàu rừng và trồng rừng.

Thực hiện Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 cũng đã góp phần thúc đẩy, phát triển nhanh chóng diện tích rừng từ 12,306 triệu ha năm 2004 lên 14,061 triệu ha vào năm 2015, tương đương độ che phủ của rừng toàn quốc từ 37% lên 40,84%. Sản xuất lâm nghiệp ngày càng thích ứng với điều kiện của thị trường thế giới, tạo được vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ, giấy, ván nhân tạo,… Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 3,4% năm 2011 lên 5,9% năm 2013 và 7,92% năm 2015. Chính sách, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng đã có những đóng góp tích cực trong việc giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an sinh xã hội; tạo việc làm, ổn định đời sống cho người dân các địa phương vùng trung du, miền núi; đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong quá trình vận dụng vào thực tiễn, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 vẫn còn tồn tại những bất cập. Cụ thể, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004 xác định rừng là một hệ sinh thái, tuy nhiên, chưa làm rõ quy mô hay diện tích tối thiểu của hệ sinh thái này là bao nhiêu. Mặt khác, định nghĩa về rừng trong Luật mới chỉ đề cập đến thành phần chính của rừng là cây rừng các loại và độ tàn che (mức độ che phủ của tán cây rừng), chưa quy định tiêu chí về cây rừng. Việc quản lý theo 3 loại rừng bộc lộ những khó khăn và bất cập, dẫn đến hiệu quả quản lý rừng chưa cao. Do vậy, việc điều chỉnh, sửa đổi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 là điều cần thiết.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi cho biết, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) dự kiến gồm 12 chương, 97 điều. Cấu trúc các nội dung của Luật theo hướng quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước về quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quản lý rừng (Chương 2,3), quyền và nghĩa vụ của các chủ rừng (chương 4); điều chỉnh các hoạt động theo chuỗi giá trị lâm nghiệp, từ bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến, thị trường lâm sản và các dịch vụ liên quan đến rừng và các điều kiện đảm bảo thực hiện Luật.

So với Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi) dự kiến bổ sung 4 Chương mới gồm: Chế biến và thị trường lâm sản; Hợp tác quốc tế trong lâm nghiệp; Quản lý nhà nước về lâm nghiệp; Giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp. Dự thảo Luật có 97 Điều, trong đó, kế thừa 11 Điều, sửa đổi 58 Điều, bổ sung mới 28 Điều, bỏ 19 Điều. Tổng số điều sửa đổi, bổ sung là 86, chiếm 88% tổng số Điều của dự thảo Luật.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận để đóng góp ý kiến vào việc xây dựng Luật Bảo vệ và Phát triển rừng (sửa đổi). Trong đó, các đại biểu cho rằng, cần kế thừa những quy định còn phù hợp của Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004, đưa vào Luật sửa đổi những quy định đã được kiểm nghiệm trong thực tiễn, bảo đảm tính liên tục, thống nhất và đồng bộ giữa quy định của Luật này với các Luật khác có liên quan. Bên cạnh đó, Luật mới cần nâng cao được giá trị kinh tế của rừng, đặc biệt là giá trị dịch vụ môi trường rừng, duy trì và bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có, trồng và khai thác rừng bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu; hài hòa các lợi ích của Nhà nước, chủ rừng và người làm nghề rừng.

Dự kiến, sau khi hoàn chỉnh Hồ sơ xây dựng Luật, Bộ NN&PTNT sẽ gửi Bộ Tư pháp thẩm định trước ngày 30/12/2016. Dự kiến, ngày 15/1/2017, trình Chính phủ hồ sơ dự án Luật; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 3/2017; trình Quốc hội xem xét thông qua vào tháng 10/2017.

* Cùng ngày, tại Hà Nội, Ủy ban Khoa học công nghệ và Môi trường Quốc hội phối hợp cùng Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Liên minh đất rừng tổ chức Hội thảo khởi động Dự án “Cung cấp thông tin, tư vấn phản biện và thẩm tra Dự án Luật Bảo vệ và Phát triển rừng”.

Dự án được thực hiện bởi Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường Quốc hội, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (Liên minh đất rừng). Thời gian thực hiện Dự án gồm 24 tháng, trong đó, giai đoạn 1 từ tháng 11/2016 đến tháng 4/2017; giai đoạn 2 từ tháng 4/2017 đến tháng 10/2018.

Mục tiêu của Dự án nhằm tăng cường sự tham gia chủ động của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong việc cung cấp thông tin; góp phần tạo lập các liên minh, diễn đàn hợp tác giữa các tổ chức trong và ngoài nhà nước với các chuyên gia, nhà khoa học,...Qua đó, tạo ra sự đồng thuận trong việc giải quyết các khó khăn, hạn chế trong quá trình xây dựng và thực thi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi; đóng góp các bài học kinh nghiệm trong nước và quốc tế cho việc xây dựng và thực thi chính sách về lâm nghiệp.

Dự kiến, trong giai đoạn 1, kết quả của Dự án sẽ huy động sự tham gia của cộng đồng vào vào khuyến nghị cho Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi thông qua tham vấn cộng đồng. Đồng thời, xây dựng bản kế hoạch hành động đóng góp cho quá trình hoàn thiện dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi, hỗ trợ việc tiếp nhận và áp dụng khuyến nghị về Luật của các bên liên quan.

Ở giai đoạn 2 của Dự án, dự kiến, sẽ thực hiện các đợt tham vấn cộng đồng nhằm cung cấp thông tin và phản ánh tiếng nói của người dân ở các vùng dự án về quyền quản lý sử dụng đất rừng nhằm phục vụ cho việc phản biện, thẩm tra Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi và các văn bản dưới Luật. Tăng cường hợp tác với truyền thông, báo chí để chuyển tải thông tin tư vấn phản biện, thẩm tra dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi và các văn bản dưới Luật đến các nhà hoạt động chính sách về lâm nghiệp.

Các sản phẩm của Dự án dự kiến gồm: Tài liệu hướng dẫn sự tham gia của khối ngoài nhà nước vào tiến trình xây dựng chính sách ở Việt Nam; tài liệu hướng dẫn tham vấn cộng đồng về thực thi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004; các báo cáo tham vấn cộng đồng về thực thi Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004, khuyến nghị chính sách về Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và các văn bản dưới Luật./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực