Động lực xóa đói giảm nghèo bền vững ở Quảng Ninh

Thứ hai, 28/10/2019 11:52
(ĐCSVN) - Được quan tâm thường xuyên và triển khai đồng bộ, kịp thời của cấp ủy, chính quyền các cấp, nguồn vốn từ chương trình tín dụng chính sách xã hội đã giúp hàng trăm ngàn hộ nghèo tại Quảng Ninh tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo; trở thành động lực quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững tại nhiều địa phương trong tỉnh.
Trong những năm qua, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Ngân hàng Chính sách Xã hội (CSXH) tỉnh Quảng Ninh đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm, tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời. Đến nay Ngân hàng CSXH tỉnh đang thực hiện 19 chương trình tín dụng khác nhau. Nguồn vốn tín dụng chính sách trong hơn 17 năm qua đã làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho các hộ vay, giúp hàng trăm ngàn hộ nghèo được vay vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo.

Cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Cô Tô hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục vay vốn. (Ảnh: CQ)

Anh Phạm Văn Thành ở thôn Phúc Thị, xã Việt Dân, thị xã Đông Triều (Quảng Ninh) chia sẻ: Năm 2015, tôi vay 50 triệu đồng vốn chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH thị xã Đông Triều để đầu tư trồng các loại cây ăn quả như bưởi, cam, na xoài... Sau 3 năm trồng, chăm sóc, năm 2018 tôi thu được gần 100 triệu đồng từ tiền bán hoa quả. Năm nay, nhờ thời tiết ủng hộ và giá thu mua cao nên ước tính nguồn thu của gia đình tôi có thể đạt hơn 180 triệu đồng. Theo cam kết, gia đình tôi luôn chấp hành tốt việc trả gốc và lãi cho Ngân hàng theo quy định.

Anh Phạm Văn Thành chỉ là một trong số hàng chục vạn lượt hộ gia đình tại các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Quảng Ninh đang thụ hưởng lợi ích từ các chương trình tín dụng CSXH. Theo đó, thực hiện chủ trương “đa dạng hóa nguồn lực để thực hiện tín dụng chính sách xã hội”, cùng với nguồn vốn của trung ương, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo UBND các cấp quan tâm thực hiện tốt việc bổ sung nguồn vốn cho các chương trình tín dụng chính sách từ một phần ngân sách địa phương. Hệ thống Ngân hàng CSXH cũng chú trọng huy động vốn của tổ chức, cá nhân, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhờ đó, tính đến ngày 30/9/2019, tổng nguồn vốn tín dụng CSXH trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng 179,1 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ trung ương là 2.228 tỷ đồng (chiếm hơn 74%), vốn huy động được trung ương cấp bù lãi suất trên 544 tỷ đồng (chiếm trên 18%), nguồn vốn nhận ủy thác từ địa phương trên 226 tỷ đồng (chiếm gần 8%).

Cùng với đó, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn từ các chương trình tín dụng CSXH, hệ thống Ngân hàng CSXH các cấp còn thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh phổ biến nội dung, mục đích, ý nghĩa của hoạt động tín dụng chính sách bằng nhiều hình thức. Ngân hàng CSXH và các tổ chức đoàn thể phát huy vai trò cầu nối, đưa tín dụng ưu đãi đến với các hộ và đối tượng chính sách khác, tạo động lực giúp xóa đói, giảm nghèo. Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách được đưa đến 100% xã, phường, thị trấn với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi như cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay nhà ở, giải quyết việc làm... Chất lượng tín dụng không ngừng được củng cố và nâng cao, nợ quá hạn và nợ khoanh luôn được kiểm soát ở mức thấp.

 
Từ nguồn vốn vay CSXH, nhiều hộ dân ở thị xã Đông Triều (Quảng Ninh)
 đã có thu nhập hàng trăm triệu đồng nhờ đầu tư phát triển cây na. Ảnh: MH

Thực hiện phương châm “đồng hành cùng khách hàng”, không chỉ bảo đảm nhu cầu vốn vay. Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ninh còn chủ động phối hợp với địa phương tham gia tư vấn phát triển sản xuất; hướng dẫn các hộ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; triển khai các mô hình kinh tế phù hợp để bà con áp dụng, từ đó phát huy hiệu quả nguồn vốn vay; góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo của các địa phương. Tính đến hết tháng 9/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt 2.913,2 tỷ đồng với 70.688 khách hàng còn dư nợ, bình quân dư nợ 41,2 triệu đồng/khách hàng. Trong đó, dư nợ của chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... chiếm tỷ lệ lớn; nợ quá hạn chiếm tỷ lệ thấp, chiếm 0,14% tổng dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 19.200 hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên thoát nghèo, trên 1.800 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải học phí, trên 1.200 hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà ở kiên cố, khang trang... Nguồn vốn từ các chương trình tín dụng CSXH đã góp phần quan trọng vào kết quả chung của tỉnh Quảng Ninh trong việc đưa tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giảm xuống còn 1,2% (năm 2018).

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai các chương trình tín dụng cũng gặp một số khó khăn, bất cập về nguồn vốn, thời hạn cho vay, đối tượng... Hiệu quả sử dụng vốn tại một số khu vực nhất là khu vực vùng sâu, vùng xa còn chưa cao; nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm còn hạn chế trong khi nhu cầu vay lớn... Để khắc phục những tồn tại này, thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Ninh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng vốn vay ưu đãi tại các chương trình tín dụng CSXH; tăng cường nguồn vốn ủy thác cho Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giảm dần sự hỗ trợ cho không các đối tượng chính sách... Đồng thời, từng bước mở rộng đối tượng cho vay; tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác các cấp, các tổ tiết kiệm và vay vốn về quy trình, thủ tục cấp tín dụng để triển khai tại cơ sở; duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động các điểm giao dịch xã, thị trấn; tổ chức bình xét cho vay công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng...

Vốn tín dụng CSXH đã góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới. Các chương trình tín dụng CSXH vì vậy đã và đang là động lực quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo bền vững tại nhiều địa phương ở Quảng Ninh./.

Hoàng Mạnh Hà

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực