Đồng Tháp: Phát huy thế mạnh từ nông sản đặc trưng của địa phương

Thứ sáu, 30/07/2021 13:41
(ĐCSVN) - Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Đồng Tháp cho biết, thời gian gần đây, các sản phẩm OCOP của tỉnh đang từng bước khẳng định thương hiệu, nhận được tín nhiệm cao và đông đảo người tiêu dùng ưa thích.
 Sản phẩm OCOP Đồng Tháp. (Ảnh: PV)

Cụ thể, mới đây, trái nhãn Đồng Tháp đã từng bước xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 5.340 ha trồng nhãn, sản lượng mỗi năm ước tính hơn 53.000 tấn. Tính riêng tại huyện Châu Thành, địa phương trồng nhãn nhiều nhất tỉnh, đã có hơn 3.660 ha. Nhãn là cây có giá trị kinh tế cao, đặc thù, được trồng nhiều nhất ở vùng cồn xã An Nhơn và các xã An Phú Thuận, An Khánh, Phú Hựu. Dự kiến từ nay đến cuối năm, toàn tỉnh có 1.230 ha nhãn sẽ thu hoạch, sản lượng hơn 11.600 tấn. Riêng huyện Châu Thành, từ nay đến cuối năm sẽ có hơn 340 ha nhãn đến thời điểm thu hoạch, sản lượng dự kiến vào khoảng 4.000 tấn.

Trong khi đó, theo thống kê, diện tích khoai lang toàn tỉnh Đồng Tháp mỗi năm là hơn 3.450 ha, sản lượng vào khoảng 87.400 tấn. Riêng tại huyện Châu Thành, tổng diện tích gieo trồng khoai lang hơn 3.300 ha, chiếm khoảng 98% diện tích khoai lang toàn tỉnh. Dự kiến từ nay đến cuối năm, Đồng Tháp có hơn 1.400 ha khoai sẽ thu hoạch, sản lượng hơn 35.100 tấn.

Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn là địa phương sản xuất cá tra trọng điểm với diện tích 2.000 ha mặt nước, sản lượng lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long với trên 530.000 tấn/năm. Toàn tỉnh cũng có khoảng 20 doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu với diện tích vùng nuôi gần 933 ha. Cá tra được xác định là một trong 5 mặt hàng chiến lược nông nghiệp, được tập trung xây dựng thương hiệu quốc gia và xây dựng kế hoạch hành động. Tại Đồng Tháp, cá tra cũng là 1 trong 5 ngành hàng chủ lực trong việc thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Ngoài ra, trong khoảng thời gian từ nay đến cuối năm, tỉnh Đồng Tháp có khả năng cung ứng thêm nhiều loại nông sản khác như: Lúa: diện tích hơn 123.250 ha, sản lượng ước đạt gần 550.000 tấn; xoài: diện tích hơn 3.770 ha, sản lượng ước đạt gần 30.650 tấn; chanh: diện tích hơn 1.760 ha, sản lượng ước đạt gần 21.500 tấn; ổi: diện tích hơn 600ha, sản lượng ước đạt gần 13.780 tấn; cam: diện tích hơn 1.600 ha, sản lượng ước đạt gần 6.400 tấn; quýt: diện tích hơn 1.520 ha, sản lượng ước đạt gần 5.100 tấn; mít: diện tích hơn 1.970 ha, sản lượng ước đạt gần 3.780 tấn; thanh long: diện tích hơn 270 ha, sản lượng ước đạt gần 2.000 tấn; mận: diện tích hơn 270 ha, sản lượng ước đạt gần 1.900 tấn...

Toàn tỉnh Đồng Tháp đang có 934 tổ hợp tác, 180 hợp tác xã, cùng khoảng 110 hội quán nông dân đang phủ đều khắp các vùng sản xuất trong tỉnh. Đây là lực lượng nhận được sự hỗ trợ tích cực của các tổ chức đoàn thể xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, có thể tổ chức thu hoạch và thu mua nông sản theo yêu cầu của các doanh nghiệp.

Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết thêm, các sản phẩm nông sản đạt hạng 3 sao cũng gia tăng, gồm 104 sản phẩm; các sản phẩm đạt hạng 4 sao gồm 57 sản phẩm, tập trung ở  TX Hồng Ngự, huyện Thanh Bình, huyện Tam Nông, TP Cao Lãnh, huyện Cao Lãnh, huyện Tháp Mười, huyện Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành và Sa Đéc./.

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực