Đồng Tháp phát huy vai trò của hội quán nông dân trong xây dựng nông thôn mới

Thứ năm, 09/05/2024 16:33
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Nhằm phát huy vai trò cộng đồng tham gia xây dựng nông thôn mới; sản phẩm sạch, hữu cơ và phát triển du lịch địa phương, ngay từ khi thành lập Tâm Quê hội quán, xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh đã định hướng cho thành viên hoạt động và sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ vi sinh kết hợp với xây dựng làng thông minh.

 

 Sản phẩm cây trồng của các thành viên Tâm Quê hội quán đều gắn mã quét truy xuất nguồn gốc. (Ảnh: Lê Hoàng Vũ)

Tâm Quê hội quán tại xã Tân Thuận Tây (TP Cao Lãnh) được thành lập vào năm 2017, hoạt động và sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ kết hợp với xây dựng làng thông minh, phát triển du lịch trải nghiệm. Các thành viên của Tâm Quê hội quán đã tiên phong gương mẫu đi đầu trong việc đóng góp và vận động cộng đồng tham gia xây dựng nông thôn mới từ năm 2015 đến năm 2022. Các thành viên của Tâm Quê hội quán đã đóng góp hơn 7 tỷ đồng để làm nơi sinh hoạt của hội quán, mở mới tuyến đường vào chùa Hồng Liên, xây dựng 3 cầu bê tông liên ấp và ủng hộ hơn 1.500 ngày công làm đường nội bộ ở ấp Tân Hậu… góp phần phát triển kinh tế của ấp nói riêng và chung tay xây dựng xã nông thôn mới nâng cao.

Ban chủ nhiệm Tâm Quê Hội quán tham gia thực hiện mô hình thi đua phấn đấu trở thành người nông dân chuyên nghiệp do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phát động, bước đầu đã xây dựng được nền tảng vững chắc từ các thành viên Hội quán, Tổ hợp tác, Hợp tác xã, đã góp vào việc chuyển đổi ý thức của hộ nông dân trong quá trình sản xuất an toàn, an toàn trong kết nối đảm bảo phát triển kinh tế hợp tác bền vững. Hội quán phối hợp cùng với chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục tuyên truyền, vận động thành viên tham gia mô hình phải áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong canh tác; phải chuyển đổi cách sản xuất, canh tác phải đảm bảo an toàn môi trường tiến tới phát triển du lịch cộng đồng.

Không chỉ có vai trò gắn kết cùng nhau làm kinh tế, xây dựng hệ sinh thái cộng đồng cùng làm cùng phát triển, nông dân hội quán đã có nhiều sáng kiến thiết thực phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình sản xuất và chuyển giao kỹ thuật, các thành viên luôn tuân thủ quy tắc đảm bảo an toàn, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm hoặc không rõ nguồn gốc, tạo tiền đề cho sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP. Các thành viên có sự liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, xuất khẩu xoài đi các nước Nhật, Úc, Nga và một số quốc gia khác.

 Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong (trái) khảo sát việc triển khai làng thông minh và tìm hiểu việc người dân thao tác các ứng dụng phần mềm công nghệ tại Tâm Quê hội quán (Ảnh: Lê Hoàng Vũ).

Ông Đặng Văn Những, Chủ nhiệm Tâm Quê hội quán cho biết: Nông dân Tâm Quê hội quán (xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh) nghiên cứu chế phẩm thảo mộc có lợi cho cây trồng. Theo đó, ban đầu nông dân lấy rác từ chợ để phân loại và ủ phân, gồm phân vi sinh (chuối, xoài, khóm…) và phân đạm (cá, vi sinh) bón trên cây trồng, rau màu đạt hiệu quả cao. Sau đó các thành viên tiếp tục nghiên cứu chế phẩm thảo mộc có thành phần từ thiên nhiên như gừng, tỏi, ớt, rượu… dùng trị sâu bọ và xua đuổi một số côn trùng có hại trên cây trồng.

Từ việc triển khai thực hiện tốt liên kết phát triển nông nghiệp, từ chủ trương của tỉnh, được tư vấn từ các đơn vị hỗ trợ việc thực hiện mô hình “Làng thông minh” trên địa bàn xã, Tâm Quê hội quán đã kết hợp với Công ty du lịch Mỹ Phước Thành kết nối theo tour du lịch trải nghiệm cộng đồng như: tham quan làm sản phẩm bánh tráng xoài, bánh dân gian, dỡ chà bắt cá, trồng rau sạch trong nhà lưới…  

Từ khi thành lập Tâm Quê hội quán đến nay, bộ mặt kinh tế của ấp nói riêng và xã Tân Thuận Tây nói chung có bước phát triển nhiều hơn trước, đặc biệt là ý thức của người nông dân khi tham gia vào Hội quán đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết liên kết để giảm giá trị đầu vào của quá trình sản xuất, tăng lợi nhuận đầu ra, giúp cho người dân có thu nhập ngày càng cao hơn... 

Tâm Quê hội quán là một trong những mô hình tiêu biểu trong phong trào thi đua "Dân vận khéo" giai đoạn 2010-2023 của tỉnh Đồng Tháp./.

Hội quán nông dân là mô hình mở dựa trên hình thức liên kết tự nguyện của những người nông dân nhằm chia sẻ “chuyện làng, chuyện xóm” và hỗ trợ nhau trong sản xuất, kinh doanh tại Đồng Tháp. Hội quán không giới hạn địa giới hành chính, chỉ cần người dân có cùng chung ngành nghề, chung lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều có thể tham gia. 

 

Phú Đức

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực