Đồng Tháp: Tạo điều kiện thuận lợi để đón các doanh nghiệp và nhà đầu tư Nhật Bản

Thứ tư, 29/11/2023 21:04
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác, đầu tư phát triển nguồn giống cây trồng chất lượng, đa dạng; đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, thúc đẩy chuỗi giá trị ngành nông sản, đặc biệt là các chuỗi giá trị có hàm lượng công nghệ cao, trong các nhóm ngành hàng chủ lực của Đồng Tháp gồm: lúa gạo, xoài, cá tra, sen, hoa kiểng.
 Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong phát biểu tại hội nghị.

Chiều 29/11, tại TP Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị Hợp tác Đầu tư và Thương mại giữa tỉnh Đồng Tháp và doanh nghiệp Nhật Bản.

Tham dự hội nghị có đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; đại diện các bộ, ngành Trung ương; Ông Ono Masuo, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh và gần 50 doanh nghiệp, nhà đầu tư, các Hội - Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản và tỉnh Đồng Tháp.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, đồng chí Lê Quốc Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Hội nghị diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt. Việt Nam - Nhật Bản đang tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Ngay tại thời điểm này, Chủ tịch nước Việt Nam cũng đang có chuyến thăm chính thức tại Nhật Bản, đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp độ.

Những năm qua, Đồng Tháp đã thúc đẩy nhiều hoạt động hợp tác với nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân của Nhật Bản. Riêng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa sang thị trường Nhật Bản đạt 18,17 triệu USD và trong 08 tháng đầu năm 2023, đạt 20,5 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Giày da, thủy sản, sản phẩm sau gạo, dệt may, collagen, bánh phồng tôm, trái cây,... Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: Nguyên liệu dệt may, nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, dược phẩm,... Những mặt hàng mà Nhật Bản có nhu cầu nhập khẩu chính là những mặt hàng Đồng Tháp có thế mạnh và tiềm năng để trở thành nguồn cung ứng lớn cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác, đầu tư phát triển nguồn giống cây trồng chất lượng, đa dạng; kêu gọi đầu tư, phát triển công nghiệp chế biến, thúc đẩy chuỗi giá trị ngành nông sản, đặc biệt là các chuỗi giá trị có hàm lượng công nghệ cao, trong các nhóm ngành hàng chủ lực của Đồng Tháp gồm: lúa gạo, xoài, cá tra, sen, hoa kiểng.  

Bên cạnh đó, Đồng Tháp có quy mô dân số khá lớn, hơn 1,6 triệu người, tỉnh có nguồn lao động trẻ dồi dào; trong đó, có hơn 40% đã qua đào tạo cùng với trên 10.000 lao động đã và đang đi làm việc ở nước ngoài. Nguồn nhân lực dồi dào, chất lượng ngày càng tốt đang là lợi thế của Đồng Tháp cho doanh nghiệp đầu tư tại tỉnh hoặc tuyển dụng lao động đi làm việc tại Nhật Bản.

Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp nhấn mạnh: Tỉnh xác định đồng hành cùng doanh nghiệp là trách nhiệm và cam kết cao nhất của lãnh đạo và chính quyền các cấp. Tỉnh đã và đang chuẩn bị những điều kiện thuận lợi nhất để doanh nghiệp nhanh chóng triển khai dự án tại nhiều khu, cụm công nghiệp trên địa bàn như: Tân Kiều, Tân Lập, Trường Xuân, Quảng Khánh, Khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp (với 02 cửa khẩu Quốc tế Thường Phước và Dinh Bà) đã được xây dựng hoàn chỉnh, sẵn sàng cho việc triển khai thi công dự án. Hạ tầng giao thông được tập trung thúc đẩy, hoàn thiện.

Cao tốc An Hữu - Cao Lãnh đang đẩy nhanh tiến độ thi công, khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đến Đồng Tháp còn khoảng 2 giờ. Hệ thống giao thông thuỷ, với 02 bến cảng nằm bên bờ sông Tiền giúp vận chuyển hàng hóa thuận tiện ra biển Đông và Campuchia. Cùng với đó là những chính sách ưu đãi, thủ tục hành chính nhanh chóng,… đang mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư Nhật Bản.

Đồng Tháp đang đặt ra nhiều mục tiêu, khát vọng phát triển cho chặng đường sắp tới. Đó là, tăng trưởng duy trì ở mức 7 - 7.5%/ năm. Tỉnh đang được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đặt hàng, kỳ vọng trở thành một trong những tỉnh tiên phong, kiểu mẫu về nông thôn hiện đại, nông nghiệp sinh thái và nông dân thông minh. Đồng Tháp cũng đặt yêu cầu cao, đột phá trong chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp.

Ngoài sức mạnh tự thân, tỉnh Đồng Tháp đang tích cực đẩy mạnh kêu gọi đầu tư, Hội nghị hôm nay là một trong những nỗ lực để thúc đẩy hiện thực hoá những khát vọng, mục tiêu đó của Đồng Tháp.

Bên cạnh việc giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cơ hội, chính sách, Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong khẳng định: Đồng Tháp luôn lắng nghe nhu cầu, yêu cầu, những gợi mở, chia sẻ của quý vị đại biểu, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản để thúc đẩy hợp tác, đầu tư giữa Đồng Tháp - Nhật Bản.

“Với hành trình 15 năm liên tục trong nhóm dẫn đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, Đồng Tháp tự tin là địa phương có môi trường đầu tư lý tưởng để doanh nghiệp Nhật Bản ưu tiên lựa chọn khi quyết định đầu tư tại Việt Nam” - Bí thư Tỉnh ủy Lê Quốc Phong nhấn mạnh.

 Ông Ono Masuo - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Ono Masuo - Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh cho biết, theo kết quả khảo sát thực trạng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài do JETRO thực hiện, Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn đứng thứ hai, chỉ sau Hoa Kỳ.

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tìm hiểu đầu tư tại Đồng Tháp, ông Ono Masuo đề nghị tỉnh Đồng Tháp xem xét, xây dựng Tổ công tác Nhật Bản - Japan Desk. Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp Nhật Bản khi cân nhắc ý định đầu tư vào Đồng Tháp có thể liên hệ đến một đầu mối thống nhất mà còn giúp  Ủy ban nhân dân tỉnh có thể nắm bắt thông tin một cách toàn diện, không bị phân tán rời rạc về tình hình tìm hiểu đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản.

 Hội nghị nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, hình ảnh địa phương, con người, môi trường và cơ hội đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp để thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản.

Hội nghị nhằm quảng bá, giới thiệu tiềm năng, hình ảnh địa phương, con người, môi trường và cơ hội đầu tư vào tỉnh Đồng Tháp để thu hút, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư Nhật Bản triển khai các dự án đầu tư trong và ngoài khu, cụm công nghiệp tại Tỉnh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương; đồng thời, tạo cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư cho các doanh nghiệp của tỉnh Đồng Tháp với các đối tác Nhật Bản trong thời gian tới.

Tại Hội nghị, bố trí một số quầy trưng bày, triển lãm giới thiệu các sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP, sản phẩm xuất khẩu của tỉnh Đồng Tháp; thông tin về các Khu công nghiệp, Khu kinh tế cửa khẩu, Cụm công nghiệp, lĩnh vực, dự án kêu gọi đầu tư; các kết quả đạt được trong quan hệ giữa Nhật Bản và Đồng Tháp về văn hoá, du lịch, nông nghiệp, công tác đưa người lao động làm việc tại Nhật Bản,…

Sau Hội nghị, sẽ diễn ra hoạt động giao lưu - kết nối (networking) đầu tư và thương mại giữa các doanh nghiệp Đồng Tháp với các doanh nghiệp Nhật Bản; giới thiệu về văn hóa, du lịch, ẩm thực đặc trưng của tỉnh và giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của Đồng Tháp đã và đang có nhu cầu xuất khẩu sang Nhật Bản./.

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực