Đưa các giống lúa ngắn ngày, chịu mặn cao vào sản xuất

Thứ bảy, 12/03/2016 10:56
(ĐCSVN) - Trước tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt, phạm vi ảnh hưởng rộng, ngành chức năng và các địa phương đã liên kết tạo ra các giống lúa ngắn ngày, chịu mặn, đáp ứng nhu cầu sản xuất của người nông dân.


Mô hình lúa - tôm với giống lúa chịu được độ mặn cao ở ĐBSCL. (Ảnh: K.V)

Vào thời điểm này, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do khô hạn và xâm nhập mặn kỷ lục trong gần 100 năm qua. Các địa phương đang khẩn trương tìm các giải pháp cấp bách để ứng phó với tình hình ngày càng diễn biến nghiêm trọng. Trong bối cảnh này, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, các giống chống chịu với hạn, mặn được xem là lối ra cho vựa lúa của đất nước.

Trước tình hình ngày càng diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, lường trước những bất lợi xảy ra, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Trường Đại học Cần Thơ đã nghiên cứu, chọn lọc và cho ra đời một số giống lúa chịu mặn từ 4‰-6‰. Nhiều nơi bước đầu chọn tạo được giống siêu chịu mặn. Các giống này, thu thập từ vùng đất ngập nước ven biển đồng bằng sông Cửu Long rồi nghiên cứu. Sau đó, được trồng khảo nghiệm nhiều năm tại Trường và theo nhu cầu  của một vài địa phương.

Để bảo đảm cho người nông dân yên tâm sản xuất trên đồng ruộng, dần thích nghi với biến đổi khí hậu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu đã đưa giống lúa thích hợp cho vùng nhiễm mặn áp dụng tại các khu vực canh tác lúa tôm và canh tác lúa một vụ trên đất nhiễm mặn ven biển, nơi tưới tiêu phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nước mưa, đưa tỉnh này và trở thành tỉnh đi đầu trong công tác áp dụng những giống lúa mới chịu mặn, cho năng suất cao.

Từ năm 2012, các giống lúa chịu mặn như OM5629, OM6677, OM5954, OM10252 và OM0066 đã được đưa vào sản xuất thử và theo dõi chặt chẽ độ mẫn cảm với độ mặn cũng như tình hình sâu bệnh, thích nghi, chống chịu của các giống lúa mới tại các vùng canh tác nhiễm mặn của tỉnh Bạc Liêu. Hầu hết các giống lúa mới cho kết quả sinh trưởng tốt trên những vùng đất ngập mặn, cây lúa có bộ rễ phát triển mạnh, thân cứng, chống đổ ngã và khả năng chống chọi với sâu bệnh tốt hơn, trong đó giống OM5629 có khả năng chịu mặn tốt nhất với thời gian sinh trưởng 95 đến 100 ngày, kháng bệnh đạo ôn ở mức khá, tương đối phù hợp, giống lúa này đang tiếp tục được nhân rộng, đánh giá thêm những đặc tính nổi trội mới.

Huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu phần lớn diện tích sản xuất nông nghiệp là đất ngập mặn, người dân ở đây đã đưa vào canh tác 1 vụ lúa 2 vụ tôm. Trong đó có giống lúa Một Bụi Đỏ chịu được mặn, diện tích trồng giống lúa này tại huyện Hồng Dân là khoảng 15.000ha, chiếm khoảng 90% diện tích canh tác lúa tại đây. Sau khi Trường Đại học Cần Thơ thực hiện đề tài “Phục tráng giống lúa Một Bụi Đỏ có chất lượng tốt”, giống lúa này đã được người nông dân huyện Hồng Dân tin tưởng gieo trồng. Theo PGS.TS Võ Công Thành, Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng - Trường Đại học Cần Thơ thì giống lúa này không thua những giống lúa mà bà con nông dân quen trồng, kể cả loại lúa có phẩm chất thấp như IR 50404.

Vụ Đông Xuân 2015-2016, Trung tâm Giống Nông nghiệp -Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang đã đưa ra hai giống lúa OM 5451 và OM 6976 có ưu điểm chịu mặn, thích hợp với điều kiện sản xuất khắc nghiệt vùng cù lao nhiễm mặn và hạn hán gay gắt của Tân Phú Đông. Hai giống lúa này thuộc đề tài nghiên cứu “Đánh giá, tuyển chọn giống lúa cao sản thích nghi điều kiện canh tác đất nhiễm mặn tại huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang” của ThS Trần Thị Thanh Thúy, Phó Phòng kỹ thuật, Trung tâm Giống Nông nghiệp- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang.

Cũng được triển khai từ vụ Thu Đông năm 2012, từ 10 giống lúa đưa vào nghiên cứu khảo nghiệm, đánh giá, sàng lọc, ThS Trần Thị Thanh Thúy và cộng sự đã thành công khi tuyển chọn ra được 2 giống lúa OM 5451 và OM 6976 thích nghi với điều kiện canh tác trên đất nhiễm mặn, thường xuyên hạn hán của huyện cù lao Tân Phú Đông. Kết quả so sánh qua thực tiễn sản xuất cho thấy hai giống lúa này cho năng suất cao hơn các giống lúa đối chứng địa phương từ 29-36% và sinh trưởng tốt trên vùng đất khó khăn này. Theo kỹ sư Trần Ngọc Ẩn, Giám đốc Trung tâm Giống Nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, hai giống lúa chịu mặn OM 5451 và OM 6976 trong vụ Đông Xuân có chu kỳ sinh trưởng 95 ngày, năng suất có thể đạt từ 60-70 tạ/ha, chất lượng gạo ngon, được thị trường ưa chuộng nên đầu ra thuận lợi, lợi nhuận khá. Hai giống lúa này cần được ưu tiên đưa vào sản xuất đại trà từ vụ Đông Xuân 2015-2018, thay thế các giống lúa không còn phù hợp nữa.

Theo ông Nguyễn Thành Phước, Giám đốc Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Sóc Trăng, mùa khô năm nay, những địa bàn trước đây chưa bị mặn xâm nhập như huyện Kế Sách và huyện Châu Thành của tỉnh này cũng đã bị nhiễm mặn và độ mặn có thời điểm lên khá cao. Để ứng phó với hạn, mặn, ngoài những giải pháp về thủy lợi, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng đặc biệt quan tâm đến hai giải pháp chính là chọn giống lúa có khả năng chịu mặn để đưa vào sản xuất và căn cứ vào điều kiện thổ nhưỡng của từng khu vực để bố trí thời vụ gieo trồng phù hợp.

Mới đây, Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã giới thiệu 18 giống lúa được nhân giống trình diễn để chọn ra những giống lúa mới triển vọng ngắn ngày, năng suất cao, phẩm chất gạo tốt, chống chịu sâu bệnh, đáp ứng nhu cầu sản xuất ở khu vực này, trong đó, có một số giống chống chịu mặn tốt từ 4-5‰ như OM 108, OM 284, giống lúa chịu mặn từ 3-4‰ như OM 359, OM 232, OM 9921... Các giống lúa này sẽ tiếp tục được trồng khảo nghiệm tại các địa phương để xác định khả năng thích nghi ở những vùng sinh thái khác nhau.

Theo TS Đoàn Mạnh Tường, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao Tiến bộ Khoa học kỹ thuật, Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, căn cứ vào khuyến cáo của Cục Trồng trọt và Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Viện đã tổ chức sản xuất các giống lúa đáp ứng yêu cầu sản xuất lúa hàng hóa, ứng phó với biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn, dịch hại... Viện cũng có một số giống chịu phèn, mặn tốt như AS 996, OM 2395, OM 2517, OM 6677, OM 9921, OM 576, OM 6976... để các địa phương có thể khuyến cáo đưa vào sản xuất./..

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực