Sản xuất nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long chịu ảnh hưởng trầm trọng
do thiếu nguồn nước tưới cho cây trồng (Ảnh: BT)
Những ảnh hưởng không nhỏ Theo TS. Hoàng Xuân Hồng (Hội đập lớn Việt Nam), tổng lượng nước mặt trung bình năm trên lãnh thổ Việt Nam khoảng 830 tỷ m3, trong đó gần 57% tập trung ở lưu vực sông Cửu Long, trên 16% ở lưu vực sông Hồng – Thái Bình, trên 4% ở lưu vực sông Đồng Nai. Phần còn lại hơn 20% tập trung ở miền Trung và Tây Nguyên. Khoảng hơn 60% lượng nước của Việt Nam là chảy từ ngoài vào, trung bình chỉ có 309 tỷ m3/năm được tạo ra ở trong nước.
Thực tế ở Việt Nam, ngành nông nghiệp là ngành sử dụng nguồn nước lớn nhất. Lượng nước tưới hàng năm của Việt Nam nằm trong khoảng 66 tỷ m3, chiếm trên 82% tổng lượng nước sử dụng ở Việt Nam. Diện tích được tưới trong những năm 2010-2015 khoảng 8,34 triệu ha trong tổng số diện tích canh tác là 9,7 triệu ha. Từ năm 2015 đến nay, diện tích tưới được tăng lên do một số hệ thống thủy lợi mới được xây dựng và đưa vào khai thác.
Nước giữ một vị trí quan trọng đối với cây trồng, tuy nhiên, tài nguyên nước của Việt Nam phân bố không đều về không gian và thời gian. Lượng mưa thay đổi theo mùa và thời điểm mùa mưa, mùa khô ở các vùng cũng khác nhau đã gây không ít khó khăn cho sản xuất nông nghiệp. Ở Đồng bằng Bắc bộ, mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau, lượng nước tưới cần lớn trong khi lượng mưa rất nhỏ. Ở Trung bộ, từ tháng 4 đến tháng 7, thậm chí tháng 8 ít mưa nên lượng nước yêu cầu cho tưới lớn hơn. Ở Đồng bằng sông Cửu Long, mùa khô do ảnh hưởng của xâm nhập mặn ảnh hưởng đến việc lấy nước tưới.
Đặc biệt, những tháng đầu năm 2016, hạn hán xảy ra khốc liệt ở duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên; hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long đã làm hàng nghìn ha lúa, cây ăn trái bị thiệt hại, giảm năng suất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất ngành trồng trọt. Cùng với đó, ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn do tác động của biến đổi khí hậu đã làm cho hàng triệu hộ dân thiếu nguồn nước ngọt sinh sống ở vùng Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
Cần tận dụng nguồn nước mưa
Để giải quyết bài toán về nguồn nước, theo TS. Chu Phượng Chí (Hội Thủy lợi Việt Nam), thay vì chỉ tập trung đến nguồn nước mặt và nước ngầm, chúng ta cần quan tâm đến nguồn nước mưa. Đây cũng là một trong những giải pháp quan trọng để cung cấp nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp. Bởi ở Việt Nam, tiềm năng của nông nghiệp nhờ nước mưa là đủ lớn để đáp ứng nhu cầu lương thực thông qua việc tăng hiệu quả sử dụng.
Theo TS. Chu Phượng Chí, giá trị lượng mưa trung bình nhiều năm trên phạm vi Việt Nam đạt 1.960 mm hay 649 tỷ/m3 năm. Trong khi theo tính toán của Viện Quy hoạch Thủy lợi, lượng nước sử dụng hàng năm cho nông nghiệp khoảng 93 tỷ m3. Vì vậy, cần có đầu tư công nghệ với tỷ lệ thích ứng và nâng cao hiệu quả, hiệu suất sử dụng nước mưa; mở rộng diện tích canh tác nhờ nước mưa. Đây là giải pháp khả thi với một nước có chế độ khí hậu nhiệt đới gió mùa như Việt Nam. Và với nguồn nước mưa, cần được xem là nguồn tài nguyên nước có thể được quản lý và sử dụng.
Đánh giá về tầm quan trọng của nguồn nước mưa, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho rằng, chúng ta cần tìm các giải pháp để cố gắng giữ được nguồn nước mưa từ thiên nhiên, thấm xuống và tạo nguồn nước ở trong đất, đặc biệt ở những vùng thường xảy ra khô hạn như duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long.
“Với lượng mưa hàng năm tới gần 2.000mm, nếu tận dụng các hồ với dung tích 80 tỷ m3, chúng ta chỉ giữ được khoảng 10%, còn 90% chảy xuống sông và biển. Liệu có lãng phí? Vậy thì chiến lược phát triển nguồn nước là phải tận dụng và giữ được nguồn nước mưa từ thiên nhiên” – GS.TS Vũ Trọng Hồng phân tích.
Để giữ được nguồn nước mưa, theo GS. TS Vũ Trọng Hồng, chúng ta có thể thực hiện thông qua nhiều giải pháp công nghệ cao, có thể kể đến việc làm hồ ngầm dưới đất. Đồng thời, cần quan tâm đến rừng có thảm thực vật, bởi 1ha rừng nếu có thảm thực vật, 1 trận mưa xuống có thể giữ được 4m3 nước.
Nguồn nước rất cần được sử dụng hợp lý và hiệu quả để tránh lãng phí (Ảnh: BT).
Cần đưa nguồn nước trở thành chiến lược phát triển Theo GS. TS Vũ Trọng Hồng, một vấn đề quan trọng nữa hiện nay là chúng ta chưa có chiến lược trong việc sử dụng nguồn nước và chưa tính được về cân bằng nước.
“Chúng ta đang xem nguồn nước là vô tận, vì thế phát triển kinh tế mà chưa tính đến nguồn nước sử dụng. Điều này dẫn đến việc chưa tính đến những ảnh hưởng và tác động khi sử dụng nguồn nước. Đơn cử, nếu chúng ta phát triển 1 triệu ha lúa nước thì với nguồn nước được sử dụng đủ nuôi sống 60 triệu dân trong cả mùa khô. Nếu bớt 1 triệu ha lúa là chúng ta bớt được 20 tỷ m3 nước” – GS.TS Vũ Trọng Hồng cho hay.
Để không sử dụng nguồn nước lãng phí, theo GS. TS Vũ Trọng Hồng, cần đưa ra cân bằng nước, trong đó, cần tính định mức dùng nước cho tất cả các ngành và định mức này sẽ đưa xuống từng tỉnh.
Cùng với đó, chiến lược về sử dụng nước cần phải đi đến với từng người dân, đặc biệt người dân ở nông thôn. Đồng thời, việc sử dụng nguồn nước hợp lý, hiệu quả cần được đưa vào từng kế hoạch phát triển sản xuất; với những ngành phát triển tốn quá nhiều nước cần hạn chế. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, vận động người dân biết quý trọng và không sử dụng lãng phí nguồn nước.
Đặc biệt, theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, đã đến lúc chúng ta nên đưa việc sử dụng nguồn nước trở thành một trong những chiến lược an ninh quốc gia, tương tự như an ninh lương thực, an ninh giao thông,…Đây là giải pháp quan trọng mà các cấp, các ngành cũng như mọi người dân sẽ có ý thức trong việc sử dụng và bảo vệ nguồn nước./.