Xây dựng các kịch bản ứng phó
|
Công nhân điện EVNHCMC kiểm tra đảm bảo an toàn điện cho hộ gia đình |
Ông Luân Quốc Hưng – Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC cho biết, ngay từ quý III/2020 EVNHCMC đã xây dựng và ban hành kế hoạch đảm bảo điện năm 2021, đặc biệt chú trọng vào các tháng mùa khô. Theo đó, EVNHCMC đã tính toán, xây dựng các kịch bản vận hành lưới điện trong mọi trường hợp, trường hợp bình thường và trường hợp tăng trưởng ở mức cao để chủ động nguồn điện đủ cung cấp Thành phố.
Ông Hưng cho biết thêm, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, sản lượng điện và công suất cực đại của năm 2020 chỉ sấp xỉ so với năm 2019. Vì vậy, đối với giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2021, EVNHCMC dựa trên số liệu vận hành năm 2019 để tính toán dự báo tăng trưởng phụ tải. Trong đó lựa chọn phương án dự báo tăng trưởng phụ tải ở mức 10% (Pmax đạt 5.025MW) là phương án cơ sở để xây dựng các kịch bản vận hành và thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo cung cấp điện mùa khô.
EVNHCMC đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc thực hiện rà soát đánh giá và cập nhật các giải pháp điều hòa, cân đối lưới điện hiện hữu theo phương án cấp điện mùa khô năm trước, phù hợp với các kịch bản dự báo phụ tải trong mùa khô năm 2021, đảm bảo lưới điện đáp ứng tiêu chí vận hành N-1; tăng cường sử dụng các giải pháp như máy phát, máy biến áp lưu động, thi công live-line, không bố trí công tác có mất điện để cung cấp điện liên tục cho khách hàng; khai thác dữ liệu từ hệ thống đo đếm từ xa (MDIS) để có các kịch bản vận hành phù hợp trong giai đoạn mùa khô 2021.
Bên cạnh đó, EVNHCMC còn tập trung vào công tác đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ để đóng điện các công trình mới nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của các tháng mùa khô. Trong đó, bổ sung 01 công trình lưới điện 220kV, 05 công trình lưới điện 110kV và 18 công trình lưới điện 22kV. EVNHCMC yêu cầu các Công ty Điện lực có giải pháp triển khai đồng bộ các công trình hoặc dự án đầu tư kiện toàn lưới điện đảm bảo đóng điện vận hành các dự án liên quan đến việc cung cấp điện mùa khô năm 2021 theo đúng tiến độ đã đề ra, xử lý các trạm phân phối đầy/quá tải cơ bản hoàn thành trước 31/3/2021.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành
Hiện tại, EVNHCMC đã đưa vào hoạt động hệ thống tự động hóa (miniSCADA/DAS/DMS) để giám sát và điều khiển từ xa 100% lưới điện, tự động điều khiển từ xa các thiết bị đóng cắt để nhanh chóng tái lập cung cấp điện cho khách hàng khi có sự cố. Hiện toàn bộ trạm biến áp 110 kV do EVNHCMC quản lý đều được vận hành tự động, không người trực, ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến trên thế giới để từng bước hoàn thiện mô hình Lưới điện thông minh (Smart Grid).
Để giảm sự cố lưới điện, EVNHCMC yêu cầu các đơn vị tăng cường khai thác hiệu quả hệ thống đo đếm từ xa, dashboard cảnh báo mất điện của Tổng công ty để phát hiện và xử lý nhanh các trường hợp mất điện trạm biến áp phân phối, cũng như nâng cao chất lượng cung cấp điện (xử lý mất cân bằng pha, tình trạng non/đầy/quá tải, thiếu/quá bù CSPK…); Đẩy mạnh triển khai áp dụng phương pháp sửa chữa bảo dưỡng theo CBM (sửa chữa bảo dưỡng hệ thống điện dựa trên tình trạng vận hành của thiết bị - bảo trì theo điều kiện) để nâng cao chất lượng công tác chẩn đoán thiết bị và bảo trì định kỳ. Trong trường hợp có sự cố xảy ra, các đơn vị phải tuân thủ nghiêm ngặt chủ trương “Chuyển tải trước, xử lý sự cố sau”, với thời gian xử lý phấn đấu bình quân dưới 05 phút, có nghĩa là khi xảy ra sự cố, ngay lập tức các đơn vị phải thực hiện chuyển tải nguồn điện qua một mạch/nhánh khác để tái lập điện ngay cho khách hàng, sau đó mới cô lập và thực hiện xử lý nơi xảy ra sự cố.
|
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vận hành |
Để làm được điều này, EVNHCMC đã và đang tiếp tục hoàn thiện kết cấu lưới điện theo định hướng hiện đại hóa, tự động hóa vận hành hiệu quả mô hình Trung tâm Điều khiển xa trong việc giám sát, điều hành lưới điện; khai thác dữ liệu các hệ thống đo đếm xa từ các trạm biến áp 220/110kV và trạm phân phối để kịp thời phát hiện các hiện tượng bất thường và có biện pháp xử lý nhanh chóng cũng như không ngừng nâng cao chất lượng điện năng cung cấp.
Vận động khách hàng tiết kiệm điện
Theo ông Luân Quốc Hưng, năm 2021, EVNHCMC tiếp tục triển khai vận, động lan tỏa sâu rộng từ nhận thức đến hành động đến tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình về sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả. Cụ thể, phấn đấu sản lượng tiết kiệm đạt tối thiểu ≥ 2% tổng sản lượng điện thương phẩm. Đồng thời, kiện toàn 20% hệ thống đèn chiếu sáng dân lập trên địa bàn Thành phố theo hướng sử dụng đèn LED và cải tạo đèn chiếu sáng ngõ hẻm sang đèn chiếu sáng giao thông.
Theo đó, EVNHCMC sẽ tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời; thường xuyên tổ chức các hoạt động với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, thu hút người dân cùng tham gia.
Đặc biệt, trong năm 2021, EVNHCMC triển khai các chương trình Quản lý năng lượng tại các tòa nhà thay thế cho chương trình Thi đua gia đình tiết kiệm điện (giai đoạn 2009 -2020), gồm: Chương trình “Nhà trọ sử dụng năng lượng xanh”, với mục tiêu vận động khách hàng là các chủ nhà trọ kiện toàn hệ thống điện đảm bảo an toàn, tiết kiệm, mỹ quan và sử dụng một phần năng lượng mặt trời trên mái nhà; Chương trình giải thưởng “Tòa nhà sử dụng năng lượng hiệu quả”, với mục tiêu vận động các doanh nghiệp, khách hàng là chủ các tòa nhà văn phòng có quy mô sử dụng lớn áp dụng các quy chuẩn sử dụng năng lượng hiệu quả, năng lượng xanh.
EVNHCMC cũng khuyến cáo người dân nên sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách, đúng yêu cầu. Khi mua thiết bị điện, nhất là những thiết bị có công suất tiêu thụ lớn, khách hàng nên mua những sản phẩm có dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Ngoài ra, người dân cũng cần kiểm tra lại đường dây và thiết bị bảo vệ điện trong nhà để bảo đảm an toàn cũng như chống thất thoát, tổn hao điện. Đồng thời, tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, qua đó giảm chi phí tiền điện cũng như góp phần cho việc vận hành ổn định nguồn điện cấp cho Thành phố. Các doanh nghiệp sản xuất cần cân đối bố trí lịch sản xuất theo hướng tiết giảm sử dụng điện trong giờ cao điểm, tăng cường sử dụng điện trong giờ thấp điểm, đầu tư các thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng và phối hợp với ngành điện theo dõi, kiểm soát chất lượng điện năng. Sẵn sàng tham gia các chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR), chủ động điều chỉnh giảm nhu cầu sử dụng điện khi có yêu cầu của đơn vị cung cấp điện./.