Ghi nhận từ hội nghị quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ cam Hà Tĩnh

Thứ năm, 25/11/2021 17:22
(ĐCSVN) – Tại Hội nghị, đại diện các siêu thị như Vinmart, Co.opmart Hà Tĩnh, sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmar.vn và chủ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh cam đã trao đổi bản thỏa thuận ghi nhớ, hợp tác tiêu thụ các loại cam đặc sản của Hà Tĩnh.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thăm quan các gian hàng trưng bày cam. 

Vừa qua, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ cam Hà Tĩnh theo hình thức kết nối trực tuyến 300 điểm cầu đến các đại biểu ở Trung ương, tỉnh bạn và các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.

Theo đó, tham dự tại các điểm cầu có lãnh đạo Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT, Hội Nông dân Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam...; đại diện các ban, ngành; các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, siêu thị, chuỗi cửa hàng kinh doanh, phân phối sản phẩm cam.

Theo thống kê cho thấy, hiện tổng diện tích trồng cam trên địa tỉnh đạt trên 7.900ha, tập trung chủ yếu tại 4 huyện, gồm có Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn và Can Lộc, diện tích cho sản phẩm đạt gần 5.600ha. Trong đó, diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 1.657ha, năng suất đạt trên 11,7 tấn/ha, tổng sản lượng cam năm 2021 ước đạt trên 65.000 tấn.Nhờ sự hỗ trợ và vào cuộc của các cấp, các ngành, doanh nghiệp đến nay sản lượng cam Hà Tĩnh tiêu thụ đạt 13.000 - 14.000 tấn

Được biết, Cam là một trong 15 cây trồng chủ lực của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, mùa thu hoạch cam kéo dài từ tháng 10 năm nay đến tháng 2 dương lịch năm sau... Sản phẩm cam Hà Tĩnh có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm, quy trình sản xuất được đầu tư thâm canh, đảm bảo kỹ thuật và được chứng nhận đảm bảo an toàn thực phẩm. Thời gian qua, Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách, chú trọng áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và hữu cơ nhằm mở rộng diện tích, tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Đồng thời, xác định chuyển đổi số, phát triển kinh tế số là một trong những bước đi quan trọng nhằm gia tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cây cam Hà Tĩnh tại địa chỉ https://camhatinh.gov.vn để minh bạch thông tin đến người tiêu dùng. Hiện nay, hệ thống đã kết nối với trên 1.611 hộ dân và 278 hợp tác xã/tổ hợp tác trồng cam trên địa bàn tỉnh.

Gian hàng trưng bày Cam ấn tượng của Huyện Vũ Quang.

Hiện nay, tổng diện tích trồng cam trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 7.900 ha, tập trung chủ yếu tại 4 huyện: Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Can Lộc; diện tích cho sản phẩm đạt gần 5.600 ha; trong đó, diện tích đạt tiêu chuẩn VietGAP trên 1.657 ha, năng suất đạt trên 11,7 tấn/ha, tổng sản lượng cam năm 2021 ước đạt trên 65.000 tấn.

Nhờ sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành, doanh nghiệp, đến nay, sản lượng cam tiêu thụ đạt 13.000 - 14.000 tấn, bước đầu thâm nhập vào hệ thống phân phối hiện đại như Vinmart, Co.opmart, sàn thương mại điện tử.

Thảo luận tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, các tỉnh thành trong nước, các doanh nghiệp khẳng định: Cam Hà Tĩnh không chỉ ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, sản xuất sạch theo tiêu chuẩn chất lượng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ mà còn thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, bảo quản, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm qua nhiều kênh phân phối. Các đại biểu cũng khẳng định sẽ phối hợp với tỉnh trong quá trình sản xuất, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Một số đại biểu bộ, ngành Trung ương cho rằng: Hà Tĩnh cần tập trung thâm canh ở những vùng sản xuất chất lượng cao; kịp thời tổng kết các mô hình, các đề tài nghiên cứu về giống để đánh giá, từ đó có định hướng phát triển; hạn chế gia tăng diện tích cam đại trà; phát triển những giống cam ít hạt, không hạt và những giống chín sớm, giống chín muộn; liên kết doanh nghiệp tiêu thụ theo chuỗi giá trị.

Gian hàng Cam của huyện Hương Khê. 

Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia thì việc phát triển thương hiệu cam Hà Tĩnh thời gian qua không đạt hiệu quả, chưa được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, khâu tiêu thụ chủ yếu là thương lái đến mua trực tiếp tại vườn. Việc đưa cam vào hệ thống phân phối lớn như siêu thị, sàn thương mại điện tử, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch còn hạn chế. Nguyên nhân là đặc thù sản phẩm này khó bảo quản trong quá trình vận chuyển, chi phí logistic cao.

Tại Hội nghị, đại diện các siêu thị như Vinmart, Co.opmart Hà Tĩnh, sàn thương mại điện tử Voso.vn, Postmar.vn và chủ doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất kinh doanh cam đã trao đổi bản thỏa thuận ghi nhớ, hợp tác tiêu thụ các loại cam đặc sản của Hà Tĩnh. Các bộ, ngành cùng nhiều địa phương cũng đã cam kết sẽ phối hợp với tỉnh trong quá trình sản xuất, kết nối tiêu thụ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Ngọc Sơn, việc tổ chức Hội nghị quảng bá thương hiệu, xúc tiến tiêu thụ cam là vô cùng ý nghĩa và cũng là cơ hội để tỉnh Hà Tĩnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu sản phẩm nông sản sạch đến đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Thời gian tới, Hà Tĩnh mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp, ngành trong phát triển sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng nông sản cam Hà Tĩnh; đẩy mạnh quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tuyên truyền, quảng bá, kết nối giới thiệu, tiêu thụ nông sản và cam Hà Tĩnh tới các doanh nghiệp phân phối, siêu thị.. và người tiêu dùng trong và ngoài nước./.

Hoa Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực