Giá trị xuất khẩu gạo đạt 2,4 tỷ USD

Thứ tư, 14/10/2020 22:35
(ĐCSVN) - Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), tính đến ngày 15/9, khối lượng gạo xuất khẩu đạt 4,8 triệu tấn, trị giá 2,4 tỷ USD, giảm 0,8% về lượng nhưng tăng 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
 Ảnh minh họa (Nguồn ảnh: KL)

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho biết, trong tháng 9, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 420 nghìn tấn với giá trị đạt 215 triệu USD. Tính trong 8 tháng năm 2020, Philippines đứng vị trí thứ nhất về thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam với 35,4% thị phần, giá trị đạt 1,72 triệu tấn và 797,6 triệu USD. Các thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh là: Senegal (gấp 3,55 lần), Indonesia (gấp 2,9 lần) và Trung Quốc (tăng 82,5%).

Về chủng loại xuất khẩu, trong 8 tháng năm 2020, giá trị xuất khẩu gạo trắng chiếm 40,7% tổng kim ngạch; gạo jasmine và gạo thơm chiếm 37,6%; gạo nếp chiếm 17,4%; gạo japonica và gạo giống Nhật chiếm 4,2%.

Trên thị trường thế giới, nhu cầu đối với gạo từ các đầu mối xuất khẩu châu Á giảm khiến giá gạo Thái Lan và Việt Nam giảm, trong khi giá gạo xuất khẩu tại Ấn Độ đã tăng lên mức cao nhất trong gần 18 tháng do bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 đang lan rộng khiến nguồn nhân công tại các nhà máy và cảng bị thiếu hụt. Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tăng từ 384 - 390 USD/tấn lên 387-394 USD/tấn. Giá gạo tiêu chuẩn 5% tấm của Thái Lan giảm liên tiếp trong 3 tuần xuống còn 480 - 504 USD/tấn từ mức 500 - 513 USD/tấn.

Tại thị trường trong nước, giá lúa, gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tháng 9 tăng hơn so với tháng 8. Giá gạo tăng do nguồn cung cuối vụ Hè Thu hạn chế. Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 tăng 250 đồng/kg lên 5.850 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 300 đồng/kg lên 5.800 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa IR50404 tăng 400 đồng/kg lên 6.200 – 6.500 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng 200 đồng/kg lên mức 6.800 – 6.900 đồng/kg.

Theo nhận định của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, với sự kiện ngày 22/9 vừa qua, lô gạo thơm đầu tiên được xuất khẩu sang châu Âu sau khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đi vào thực thi, là kết quả đáng mừng đối với Việt Nam. Cùng với sự kiện trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn lưu ý các địa phương, doanh nghiệp cần nắm chắc các nội dung cam kết trong Hiệp định EVFTA và những yêu cầu mà Liên minh châu Âu đưa ra, nhất là các vấn đề về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và xuất xứ nguồn gốc để tận dụng cơ hội này. Đối với 30.000 tấn gạo thơm, EU yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước chứng nhận về tính đúng giống nên các địa phương cần tăng cường kiểm tra, giám sát để minh bạch và trung thực trong việc thực hiện quy định này.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần liên kết sâu rộng với các địa phương và các hợp tác xã để tạo ra vùng sản xuất lớn, tập trung, áp dụng đồng bộ và kiểm soát chặt chẽ quy trình canh tác, quy trình thu hoạch để sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu mà thị trường EU đã đề ra.

Theo thông tin dự báo cập nhật mới nhất trong tháng 9/2020 của Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo của thế giới năm 2020 ước đạt 495,9 triệu tấn, giảm khoảng 0,1% so với năm 2019. Tiêu dùng gạo thế giới năm 2020 ước đạt 491,4 triệu tấn, tăng khoảng 1,5% so với năm 2019./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực