Nằm ở cuối huyện Phú Xuyên, xã Phú Yên từ lâu đã nổi tiếng khắp cả nước với nghề da giày. Theo người dân địa phương, khoảng những năm 70 của thế kỷ trước, Phú Yên xây dựng được hợp tác xã giày da, chuyên nhận làm hàng cho Tổng Công ty Giày da xuất khẩu. Đến những năm 90 của thế kỷ trước, làng nghề bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, do kinh tế đất nước bắt đầu phát triển. Lúc này, rất nhiều người dân Phú Yên đi học làm giày để thoát nghèo; làng nghề giày da Phú Yên càng phát triển mạnh khi các đơn hàng đổ về nhiều, người dân đã mua sắm máy móc hỗ trợ các công đoạn sản xuất.
Nghề sản xuất da giày ở Phú Yên thu hút nhiều lao động tham gia. (Ảnh: MH) Hiện toàn xã Phú Yên có trên 500 cơ sở sản xuất, gia công với khoảng gần 6 nghìn lao động. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 1 vạn lao động là người dân địa phương và các xã lân cận. Toàn bộ các công đoạn sản xuất, từ cắt may, đóng đế, dán… đều được làm tại làng nghề với nguyên liệu 100% là hàng trong nước. Thế mạnh của giày da Phú Yên là dòng hàng giày công sở có độ bền cao, giá thành phù hợp với khả năng tài chính của đông đảo người tiêu dùng. Với sự tin tưởng của người tiêu dùng, dòng sản phẩm này trong những năm gần đây ngày càng mở rộng; chiếm ưu thế trên thị trường giày da trong nước.
Theo những nghệ nhân có nhiều năm gắn bó với nghề da giày truyền thống, để tạo ra được đôi giày chất lượng cao là cả một sự nỗ lực của người thợ từ khâu lựa chọn da, thiết kế mẫu, cắt, khâu đến tạo hình và hoàn thiện sản phẩm… Cùng với đó, để bắt kịp với xu thế của thị trường, người làm da giày truyền thống ở Phú Yên cũng đã mạnh dạn đầu tư máy móc cải tiến quy trình sản xuất; chuyên nghiệp hóa các công đoạn theo chuỗi gia công. Đến nay, 100% quy trình sản xuất của giày da Phú Yên được gia công theo các công đoạn, gồm xưởng gia công may, xưởng làm đế, xưởng gò mũi, xưởng dán… Không chỉ vậy, các hộ sản xuất giày da Phú Yên còn được tập huấn nâng cao tay nghề, được hỗ trợ chuyển giao công nghệ làm giày kiểu mới từ các chuyên gia quốc tế.
Những năm gần đây, Hội da giày xã Phú Yên đã mở 3 lớp đào tạo kỹ thuật đóng giày và 5 lớp nâng cao, tập huấn cho trên 200 người. Hội cũng đã phối hợp với Viện Da giày Trung ương mời một tập đoàn quốc tế giới thiệu bộ phần mềm dữ liệu thiết kế giày công nghệ 3D với hàng nghìn mẫu thiết kế hiện đại, có thể hỗ trợ cho việc thiết kế, sáng tạo các mẫu giày mới tiêu chuẩn quốc tế. Với sự nỗ lực không ngừng của Hội, chất lượng giày da Phú Yên ngày càng được nâng cao. Nghệ nhân Nguyễn Lương Đức, Chủ tịch Hội da giày xã Phú Yên chia sẻ: “Với mục tiêu từng bước xây dựng thương hiệu, tiến tới có thể xuất khẩu sản phẩm da giày, chúng tôi luôn xác định thợ giày trong điều kiện hiện nay phải có kỹ thuật tiêu chuẩn quốc tế. Do vậy, các cơ sở sản xuất, gia công luôn coi trọng việc bồi dưỡng, nâng cao tay nghề kỹ thuật của người thợ giày; để đáp ứng ngày các tốt nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước”.
Để quảng bá thương hiệu làng nghề Phú Yên, các cơ sở sản xuất da giày trên địa bàn xã Phú Yên cũng thường xuyên tham gia các hội chợ, các triển lãm... qua đó góp phần quảng bá hình ảnh sản phẩm truyền thống của quê hương; đồng thời, tìm kiếm, tiếp cận những cơ hội liên kết kinh doanh mới.
Từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm xã Phú Yên cho ra đời khoảng trên dưới 5 triệu đôi giày, dép. Năm 2018, các cơ sở trong toàn xã đã sản xuất khoảng 5,1 triệu sản phẩm giày, dép da các loại; giá trị sản xuất ước đạt 120 tỷ đồng. Giá trị sản xuất thương mại dịch vụ ước đạt 55,6 tỷ đồng. Tổng thu nhập của nghề da giày chiếm 65% tổng thu nhập toàn xã, có trên 60% số hộ trong xã có người tham gia sản xuất, kinh doanh mặt hàng này. Việc sản xuất kinh doanh ổn định, đời sống của người thợ được nâng lên. Hiện thu nhập bình quân của thợ giày gia công là khoảng 400.000 đồng/người/ngày. Nhiều bạn trẻ ở Phú Yên đã và đang làm giàu bằng nghề truyền thống trên chính quê hương mình.
Các thợ giày Phú Yên hoàn thiện sản phẩm giày da truyền thống. (Ảnh: MH) Trao đổi với phóng viên, ông Dương Minh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Phú Yên cho biết, hiện nay, sản phẩm da giày tuyền thống của địa phương chủ yếu tiêu thụ trong nội địa, nhiều nhất là ở các tỉnh phía Bắc và thủ đô Hà Nội chiếm 80% thị phần, còn các tỉnh phía Nam khoảng trên 10%. Ngoài ra, đã có một số cơ sở sản xuất đưa sản phẩm vào các thị trường nước ngoài như Italia, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Campuchia…
Để đáp ứng yêu cầu phát triển nghề truyền thống gắn với bảo vệ môi trường, UBND TP.Hà Nội đã ban hành quyết định thành lập Cụm công nghiệp làng nghề Phú Yên với tổng mức đầu hơn 200 tỷ đồng. Theo đó, Cụm công nghiệp làng nghề Phú Yên có diện tích rộng 10 ha nằm tại thôn Giẽ Hạ, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên với các ngành nghề hoạt động chủ yếu: sản xuất da giày, may mặc, sơn mài… Dự kiến sẽ tiến hành xây dựng hạ tầng vào khoảng tháng 5/2019. Đây được coi là một tín hiệu vui trên con đường đẩy mạnh phát triển nghề da giày truyền thống ở Phú Yên.
Với sự nỗ lực của các nghệ nhân và người lao động trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tin tưởng nghề da giày truyền thống ở Phú Yên sẽ tiếp tục phát triển theo hướng hiệu quả, bền vững và người dân trong xã sẽ thực sự có cuộc sống phát triển từ nghề truyền thống./.