Gỡ khó cho doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư xây dựng

Thứ sáu, 26/11/2021 18:01
(ĐCSVN) - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Với sự cầu thị, cởi mở và luôn lắng nghe ý kiến từ phía các doanh nghiệp, Bộ Xây dựng xác định luôn đồng hành cùng các cơ quan quản lý Nhà nước, VCCI, các hiệp hội và các địa phương..., tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển bằng những chính sách sát thực tiễn...

Ngày 26/11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp với chủ đề “Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và lĩnh vực liên quan - giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế”. 

Hình ảnh tại Hội nghị (Ảnh: M.P) 

Hội nghị có sự tham gia  của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, các lãnh đạo Bộ, các vụ, cục liên quan của Bộ Xây dựng, lãnh đạo VCCI và lãnh đạo 63 Sở Xây dựng các địa phương và đại diện lãnh đạo UBND nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tại Hội nghị, ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, việc cải cách hành chính là một trong những giải pháp quan trọng, bền vững, hiệu quả và trong “tầm tay” của các cơ quan Nhà nước. Cải cách hành chính sẽ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp, giảm bớt gánh nặng tuân thủ thủ tục hành chính. 

“Đặc biệt cải cách hành chính trong những lĩnh vực quan trọng như đầu tư – xây dựng – đất đai – môi trường có tác dụng tích cực không kém một “gói cứu trợ” cho doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn bởi đại dịch. Chương trình này sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm rất nhiều chi phí, giúp giải phóng nhiều nguồn lực quốc gia đang bị tắc nghẽn, đình trệ, giúp các dòng vốn đầu tư cả công và tư nhanh chóng đi vào hoạt động, giúp tạo đà để nền kinh tế chúng ta bứt phá nhanh hơn trong giai đoạn sắp tới” - ông Phạm Tấn Công nhấn mạnh.

 Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: M.P)

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Hội nghị không phải là hoạt động mới và luôn được Bộ Xây dựng duy trì qua nhiều năm. Đây cũng là hoạt động có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế của ngành xây dựng... Với sự cầu thị, cởi mở và luôn lắng nghe ý kiến từ phía các doanh nghiệp, Bộ Xây dựng xác định luôn đồng hành cùng các cơ quan quản lý Nhà nước, VCCI, các hiệp hội và các địa phương... tạo điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển bằng những chính sách sát thực tiễn, dễ triển khai và đem lại những tác động tích cực. Từ đó, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam. 

Từ năm 2014 đến nay, Chính phủ đã 3 lần triển khai các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trong nước, Bộ Xây dựng đã phối hợp cùng các bộ, ngành Trung ương và các địa phương thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện chỉ số cấp phép xây dựng.

Đây cũng là một trong 10 chỉ số mà Ngân hàng Thế giới chọn để đo lường, đánh giá và xếp hạng môi trường kinh doanh của các quốc gia trên thế giới. 

“Thực hiện nhiệm vụ này, thông qua công tác xây dựng và hoàn hiện thể chế, Bộ Xây dựng đã thực hiện đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tạo sự chủ động cho người quyết định đầu tư, chủ đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa, tích hợp nhiều thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng, bãi bỏ nhiều ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; cũng như cắt giảm, đơn giản hóa số lượng lớn các điều kiện đầu tư kinh doanh” - ông Nguyễn Thanh Nghị cho hay.

Đại diện Nhóm nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI cho biết, qua đánh giá khảo sát, các doanh nghiệp đều phản ánh, còn gặp nhiều vướng mắc khi triển khai các dự án liên quan tới nhiều lĩnh vực thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các nội dung có liên quan. Tổng số đã có 10.197 doanh nghiệp tham gia khảo sát; trong đó, gồm: 8.633 doanh nghiệp dân doanh trong nước và 1.564 doanh nghiệp nước ngoài.

Kết quả tổng hợp ý kiến phản hồi từ doanh nghiệp cho thấy, 50% doanh nghiệp trả lời còn gặp trở ngại với các thủ tục về đất đai, giải phóng mặt bằng; 48% gặp trở ngại với các thủ tục về quy hoạch xây dựng và quy hoạch đô thị; hơn 40% gặp khó khăn với các thủ tục về thẩm định, phê duyệt và 40,9% gặp khó khăn về quyết định chủ trương đầu tư....

Về thời gian trong cấp giấy phép xây dựng, ông Tuấn cho biết, một doanh nghiệp cần khoảng 3 lượt tới các cơ quan Nhà nước để hoàn tất việc xin cấp phép. Thời gian trung bình giải quyết thủ tục cấp giấy phép xây dựng cho doanh nghiệp là khoảng gần 24 ngày. Năm 2020, thời gian cần thiết để nhận được giấy phép xây dựng đã giảm hơn so với kết quả của năm 2019.

Đáng chú ý, có sự khác biệt giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với doanh nghiệp tư nhân trong nước về cách chọn lựa địa điểm đầu tư, các quy định pháp lý và cách đối xử của chính quyền địa phương... Theo đó, mặc dù đối với các doanh nghiệp tư nhân trong nước, việc nhận quyết định chủ trương đầu tư còn rất khó khăn nhưng đối với các doanh nghiệp FDI lại không phải vấn đề quá lớn.

Vấn đề thủ tục về đất đai và giải phóng mặt bằng đối với các doanh nghiệp nước ngoài thường hay chọn vào trong khu công nghiệp. Với những khoảng cách khác biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI được nêu trong báo cáo của nhóm nghiên cứu, chính là cơ sở để các đại biểu, các diễn giả và doanh nghiệp cùng thảo luận và đánh giá nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu, cải thiện chính sách và góp phần hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp sớm phục hồi sản xuất kinh doanh trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Trước thực trạng nói trên, ông Đậu Anh Tuấn khuyến nghị, còn nhiều dư địa cải cách trong lĩnh vực thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các nội dung liên quan. Chính phủ, Bộ Xây dựng cần tiếp tục các giải pháp cải cách thủ tục hành chính về đầu tư xây dựng và các lĩnh vực có liên quan trong năm 2022. Theo đó, xây dựng các tài liệu hướng dẫn chi tiết, minh họa dễ hiểu về quy trình thực hiện các thủ tục liên ngành trong lĩnh vực xây dựng; lập các trang thông tin hỏi đáp về thủ tục hành chính trong đầu tư xây dựng để cập nhật thường xuyên các văn bản pháp lý, các tình huống hay gặp phải và giải pháp xử lý.

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Xây dựng khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến của các doanh nghiệp, các hiệp hội nghề nghiệp về những khó khăn, vướng mắc về các thủ tục hành chính đầu tư xây dựng để trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng sẽ cùng các cơ quan quản lý Nhà nước kiến nghị Chính phủ và đề xuất các giải pháp cải cách phù hợp, hiệu quả và khả thi hơn trong thời gian tới.

Với vai trò là đơn vị quốc gia đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước, lãnh đạo VCCI cũng cho biết rất sẵn sàng tham gia vào nỗ lực chung của các bộ, ngành, của chính quyền địa phương nhằm thúc đẩy các cải cách trong lĩnh vực đầu tư xây dựng và những lĩnh vực liên quan./.

 
Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực