Nhằm đóng góp một cách chủ động, thiết thực vào việc phát triển thị trường nhà ở, thị trường bất động sản, chiều ngày 28/4, VNREA tổ chức Hội nghị góp ý sửa đổi Luật Nhà ở - Luật Kinh doanh bất động sản.
|
Quang cảnh Hội nghị (Ảnh: HNV) |
Nhận diện bất cập, tồn tại, hạn chế
TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chỉ ra: Hiện nay, chúng ta đang ở thời điểm phục hồi nền kinh tế và thị trường bất động sản là một thị trường quan trọng ảnh hưởng đến sự phục hồi này. Vì vậy, việc tạo điều kiện cho thị trường bất động sản sẽ giúp nền kinh tế phát triển, hồi phục. Tuy nhiên, thị trường bất động sản đang ở thời điểm tương đối nhạy cảm khi liên quan đến nhiều vụ việc của các lãnh đạo doanh nghiệp lớn dẫn đến việc Ngân hàng quản lý chặt chẽ tín dụng đối với thị trường bất động sản, hạn chế tín dụng cho bất động sản. Vị Ủy viên này cho rằng, gói hỗ trợ kinh tế lớn nhất hiện nay là gói hỗ trợ niềm tin cho các doanh nghiệp vào cơ quan quản lý Nhà nước cùng niềm tin vào sự hồi phục.
Về vấn đề sửa luật, tôi cho rằng cùng lúc phải sửa đổi cả ba bộ luật gồm Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai. Bởi nếu chỉ sửa Luật Đất đai dễ đưa ra những quan điểm, chính sách vướng mắc so với những luật khác. Về việc sửa luật, trước hết phải sửa các điểm chưa hợp lý; phải bổ sung những khoảng trống; phải làm rõ những vùng xám, vùng mờ; phải bổ quy những mô hình kinh doanh bất động sản mới, cơ sở dữ liệu, chuyển đổi số… để tạo hành lang pháp lý phù hợp cho thị trường bất động sản phát triển.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng khẳng định: Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai có liên quan chặt chẽ và tác động tới thị trường bất động sản. Khi nói đến sửa luật, doanh nghiệp đứng ở góc độ của doanh nghiệp để thấy khó cần tháo gỡ, góc độ của luật sư là bảo vệ quyền lợi của người dân, nhà đầu tư. Còn ở phía nhà làm luật, chúng tôi nhìn ở góc độ phải hài hoà lợi ích, quyền và trách nhiệm giữa các bên Nhà nước, nhà đầu tư, người dân.
TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV chia sẻ: không phải tất cả các ngân hàng đều đóng cửa cho vay bất động sản; có hiện tượng một số ngân hàng dừng cho vay, do đã hết hạn mức tín dụng cho vay bất động sản trong quý I. Bên cạnh đó, do một số chủ đầu tư có sai phạm và đang bị điều tra, xử lý cho nên ngân hàng phải khoanh lại các đối tượng cho vay. Còn việc cho vay mua nhà, sửa nhà vẫn rất tích cực. Các doanh nghiệp phải sáng tạo hơn huy động các nguồn vốn khác chứ không chỉ dựa vào nguồn vốn ngân hàng.
Đồng tình với ý kiến của các chuyên gia, Luật sư Trương Anh Tuấn đã đề xuất, để đáp ứng các yêu cầu Quyết định số 2161/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tôi nhận thấy có một số vấn đề phải bàn: giải pháp để gia tăng nguồn cung trên thị trường; ngăn chặn vấn đề đầu cơ bằng việc đánh mạnh vào vấn đề tài chính như thuế, phí và biện pháp kỹ thuật.
|
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam, Chủ tịch GP-Invest (Ảnh: PV)
|
Một số đại diện doanh nghiệp như: Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Phát triển nhà số 7, Công ty Cổ phần Đầu tư DVL VENTURES, Văn phòng Luật sư Chính Pháp; Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng… kiến nghị, đề xuất giải pháp chính sách, cơ chế liên quan tới sửa chữa lại hệ thống nhà chung cư cũ tại các khu trung tâm; khắc phục tối đa vấn đề trong cơ chế đấu giá đấu thầu; đồng bộ hóa lại hệ thống xử lý trong luật về Luật Kinh doanh bất động sản trọng. Vì vậy việc quy định rõ về vấn đề này là hết sức cần thiết.
Ngoài ra, nên thêm một chương quy định rõ về các loại hình bất động sản mới phát sinh vừa qua như bất động sản nông nghiệp, nghĩa trang, bất động sản xanh… Trong thời gian tới, bất động sản xanh là một xu thế, do đó cần sớm có những quy định về các loại hình mới này. Cộng với câu chuyện quản lý kinh doanh bất động sản, nên chia tách cái nào của doanh nghiệp, cái nào của Nhà nước; các vấn đề về mua, chuyển nhượng về đăng ký vẫn còn nhiều vướng mắc, mập mờ, nên khi thế chấp rất khó.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch GP.Invest nêu rõ: Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản liên quan trực tiếp và chặt chẽ với Luật Xây dựng. Vì vậy việc sửa đổi hai luật này cần đồng bộ và dựa trên Luật Xây dựng để tránh tình trạng chồng chéo giữa các luật, gây khó khăn, cản trở cho thị trường bất động sản.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chủ tịch GP.Invest cũng chỉ ra, phải xử lý các vướng mắc pháp luật liên quan.
Sửa đổi các vướng mắc pháp luật liên quan đến thị trường bất động sản, lấy Luật đất đai làm gốc
Theo VNREA, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh còn phức tạp, khó lường, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chứng minh được sức hấp dẫn, tốc độ phục hồi nhanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và tăng trưởng tại các địa phương, cũng như các ngành nghề liên quan nói riêng.
|
Vấn đề nhà ở luôn là quan tâm bức thiết (Ảnh: PV) |
Tuy nhiên, nhiều phân khúc thị trường đang gặp những rào cản, vướng mắc. Nhu cầu nhà ở cho các tầng lớp trong xã hội ngày càng lớn, đặc biệt là nhà ở cho các đối tượng có thu nhập trung bình và thấp, song mức độ đáp ứng lại hạn chế.
Vì vậy, các cơ quan chức năng đang gấp rút sửa đổi các luật có liên quan đến thị trường bất động sản như: Luật Nhà ở ngày 25/11/2014; Luật Kinh doanh bất động sản ngày 25/12/2014; Luật Đất đai ngày 29/11/2013...
Hội nghị đã thông qua 15 báo cáo, kiến nghị chuyên sâu, có giá trị lý luận và thực tiễn cao đối với công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật cho thị trường bất động sản.