Cán bộ khuyến nông cơ sở huyện Xín Mần hướng dẫn người dân chăm sóc ngô lai. (Ảnh VP)
Mục đích của Kế hoạch nhằm củng cố, kiện toàn, bố trí cân đối giữa các ngành đảm bảo đưa hệ thống khuyến nông tham gia vào chương trình phát triển chăn nuôi của tỉnh theo Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó, thông qua hệ thống khuyến nông để triển khai cụ thể và hiệu quả các chủ trương, cơ chế, chính sách của tỉnh nhằm giúp sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nâng cao giá trị, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo vùng sản xuất hàng hóa chuyên sâu; trong đó tập trung nguồn lực thực hiện tốt chương trình phát triển chăn nuôi.
Để đạt được mục tiêu trên, cần phải kiện toàn, bố trí lại cán bộ trong hệ thống khuyến nông đảm bảo nguồn nhân lực có chuyên môn vững, tay nghề thành thạo và toàn diện để trực tiếp tham gia có hiệu quả các chương trình phát triển nông nghiệp, đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực phát triển chăn nuôi. Bên cạnh đó, cần tăng cường đào tạo, huấn luyện nông dân về kỹ thuật chuyên ngành cụ thể; sử dụng phương pháp đào tạo theo hình thức “Lớp học tại hiện trường FFS” gắn lý thuyết với thực hành theo mùa vụ của từng loại cây trồng, vật nuôi tại thôn bản. Riêng đối với các huyện có chương trình thụ tinh nhân tạo trên đàn gia súc, cần phát huy tối đa đội ngũ khuyến nông cơ sở tham gia đào tạo dẫn tinh viên và triển khai thực hiện dịch vụ tại các xã, thôn bản. Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; xây dựng mô hình trình diễn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới, cách làm hay, liên kết sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị nhằm làm chuyển biến nhận thức của người dân. Đội ngũ cán bộ khuyến nông xã và các thôn bản cần tích cực tham gia trong việc theo dõi dịch bệnh, công tác tiêm phòng, điều trị bệnh cho gia súc, gia cầm.
Nhằm thực hiện hiệu quả mục đích, yêu cầu trong Kế hoạch đổi mới hoạt động của hệ thống khuyến nông đến hết năm 2017, UBND tỉnh Hà Giang đã đề ra các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể như củng cố, kiện toàn cơ cấu tổ chức, quản lý hệ thống khuyến nông. Trong đó, chú trọng kiện toàn sắp xếp lại hệ thống khuyến nông cấp tỉnh, cấp huyện đảm bảo cân đối về chuyên môn đào tạo, cân đối giữa các loại cây trồng, vật nuôi mang tính hàng hóa đặc thù của từng địa phương. Tiếp tục thực hiện chủ trương hợp nhất một số chức danh nhằm giảm thiểu số người trong hệ thống khuyến nông cơ sở…
Đẩy mạnh xây dựng các mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là các mô hình áp dụng thực hiện cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu sản xuất, mô hình liên kết sản xuất, chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây trồng khác nhằm nâng cao giá trị trên đơn vị đất canh tác; mô hình chăn nuôi trâu, bò hàng hóa gắn với trồng cỏ thâm canh tăng lứa thu hoạch; các mô hình tiêu biểu phục vụ cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Mở rộng dịch vụ thú y, giống gia súc, thức ăn chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm tại trung tâm các huyện, xã…
Trong công tác thông tin tuyên truyền, cần đa dạng hóa các kênh thông tin theo từng chuyên đề, từng loại cây, con cụ thể bằng câu từ và hình ảnh dễ hiểu, dễ áp dụng vào sản xuất. Tập trung tuyên truyền, giới thiệu các gương điển hình tiên tiến, những kinh nghiệm mới, cách làm hay cho mọi người dân học tập. Tăng cường công tác tổ chức hội nghị đầu bờ các mô hình có hiệu quả với sự tham gia trực tiếp của người dân để giúp người dân chủ động trong việc giải quyết các vướng mắc, tự đưa ra các quyết định lựa chọn giải pháp phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương…
Đối với công tác đào tạo, tập huấn, cần tiếp tục phối hợp với Trung tâm dạy nghề của các huyện, thành phố thực hiện chương trình đào tạo, cấp chứng chỉ sơ cấp nghề nông lâm nghiệp cho cán bộ khuyến nông – thú y thôn bản, đảm bảo vào cuối năm 2017, 100% cán bộ khuyến nông – thú y thôn bản đạt tiêu chuẩn về trình độ chuyên môn từ sơ cấp nghề trở lên. Trong công tác tập huấn cần đẩy mạnh hướng dẫn kỹ thuật trồng, thâm canh, chăm sóc, khai thác tối đa tiềm năng năng suất đối với loại cây làm thức ăn gia súc tại các thôn bản; hướng dẫn ủ chua thức ăn tươi và dự trữ thức ăn cho gia súc vào mùa đông. Phối hợp chặt chẽ với các Viện, Trường Đại học, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia…để tiếp nhận các kỹ thuật mới nhằm chuyển giao kịp thời cho sản xuất tại địa phương./.