Hà Giang khắc phục khó khăn, đẩy mạnh chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại

Thứ sáu, 31/12/2021 12:47
(ĐCSVN) - Là tỉnh có đường biên giới dài, địa hình phức tạp gây khó khăn cho hoạt động của lực lượng chức năng, nhưng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang luôn chủ động, quyết tâm ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng hàng nhập lậu và hàng giả trên địa bàn.
 Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang luôn kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa để chống hàng nhập lậu

Là tỉnh vùng cao cực Bắc của Tổ quốc, có đường biên giới dài, địa hình hiểm trở, đường sá đi lại khó khăn nhất là vào mùa mưa lũ trong điều kiện các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh nằm rải rác, không tập trung, nhiều cơ sở kinh doanh ở vùng sâu, vùng xa; do vậy các lực lượng chức năng nói chung, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang nói riêng còn gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức đi tuyên truyền, ký cam kết đến từng tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trên địa bàn.

Tuy nhiên, với tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo trong tổ chức triển khai nhiệm vụ, nên trong năm 2021, Cục Quản lý thị trường Hà Giang đã tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyết tâm ngăn chặn, xử lý hiệu quả tình trạng hàng lậu, hàng giả xâm nhập vào địa bàn.

Trong năm 2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang đã phát hiện xử lý 22 vụ kinh doanh hàng hóa nhập lậu, với trị giá hàng hóa vi phạm là 733.532.000 đồng (trong đó: hàng hóa tịch thu trị giá 419.670.000 đồng; hàng hóa buộc tiêu hủy trị giá 313.862.000 đồng). Cục cũng đã xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, chủ cơ sở kinh doanh hàng nhập lậu số tiền 403.500.000 đồng, thu nộp ngân sách nhà nước.

Hiện trường phát hiện và thu giữ 493 sản phẩm quần áo giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng tại cửa hàng kinh doanh quần áo Sơn Yên tại địa chỉ số 33A, ngõ 487, tổ 6, phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang

Bên cạnh việc xử lý đối với hàng hóa nhập lậu, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang cũng đã kiên quyết, mạnh tay xử lý đối với các hành vi buôn bán hàng giả. Trong năm 2021, đã phát hiện, xử lý 56 vụ buôn bán hàng giả nhãn hiệu với số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 786.500.000 đồng, thu nộp ngân sách nhà nước; đồng thời tiến hành tiêu hủy hàng hóa giả nhãn hiệu với tổng giá trị là 691.847.000 đồng.

Điển hình là vụ ngày 16/12, Đội Quản lý thị trường số 9 đã phát hiện cửa hàng kinh doanh quần áo Sơn Yên tại địa chỉ số 33A, ngõ 487, tổ 6, phường Ngọc Hà, thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang đang kinh doanh và tàng trữ 493 sản phẩm quần áo các loại giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng đã được bảo hộ tại Việt Nam như: Louis Vuitton, NIKE, Dior, ADIDAS, Puma, Burberry, GUCCI. Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang đã tiến hành thu giữ và tiến hành tiêu hủy toàn bộ số hàng nói trên, đồng thời xử phạt vi phạm hành chính chủ cửa hàng theo quy định.

 Đối với hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang kiên quyết tiêu hủy theo quy định

Tuy nhiên, ngoài khó khăn về địa hình, thì lực lượng Quản lý thị trường vẫn còn gặp nhiều khó khăn, tồn tại khác cần sớm khắc phục. Ông Vũ Quốc Khánh, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Giang cho biết: Trong công tác kiểm tra, kiểm soát, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên khâu lưu thông, lực lượng Quản lý thị trường không có chức năng dừng phương tiện để kiểm tra nên gặp rất nhiều khó khăn để ngăn chặn kịp thời và xử lý vi phạm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc cung cấp thông tin nhận biết hàng thật, hàng giả chưa có sự phối hợp thường xuyên của các nhà sản xuất, chủ sở hữu quyền; chi phí giám định cao nên ảnh hưởng đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm…

Qua thực tế công tác đấu tranh với tình trạng buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, nếu không có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng và chủ thể quyền để ngăn chặn ngay từ đầu trên khâu vận chuyển, lưu thông thì sẽ khó đạt hiệu quả. Có nhiều đối tượng sử dụng thiết bị công nghệ cao đối phó với các cơ quan chức năng, do vậy, cần phải nâng cao hơn nữa về chất lượng và năng lực chuyên môn của các lượng chức năng để đáp ứng được yêu cầu của công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, góp phần ổn định thị trường, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là vào dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán./.

Trần Quỳnh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực