Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Hà Thị Minh Hạnh phát biểu tại Hội nghị.
Tại tỉnh Hà Giang, 15 năm triển khai chương trình tín dụng chính sách xã hội (2002-2017) đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia vào thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội. Việc ra đời Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) đã tạo cơ hội cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận với dịch vụ tín dụng Nhà nước, góp phần ngăn chặn tệ nạn cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có vốn để phát triển kinh tế, tạo việc làm, cải thiện cuộc sống vươn lên thoát nghèo.
Kết quả thực hiện nhiệm vụ sau 15 năm thành lập và hoạt động tín dụng chính sách thông qua hệ thống Ngân hàng CSXH, đến nay đã đạt được những con số hết sức ấn tượng cụ thể, như: Nguồn vốn tăng hơn 17 lần; dư nợ tăng hơn 16 lần, tỷ lệ nợ xấu giảm hiện chỉ chiểm dưới 0,03%, trên 93% tổ tiết kiệm và vay vốn có chất lượng hoạt động tốt và khá. 15 năm qua, toàn tỉnh đã có 364.554 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn với số tiền 5.555 tỷ đồng; nhờ đó, đã giúp cho 18.413 lao động có công ăn việc làm ổn định thuộc chương trình cho vay giải quyết việc làm; 2.267 lượt hộ vay vốn đi xuất khẩu lao động; trên 10.200 hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn để sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống, chuyển đổi nghề, cải tạo và khai hoang đất; trên 14.500 hộ nghèo làm mới và sửa chữa nhà ở; trên 12.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn trang trải chi phí học tập; 53.582 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường đã giúp cải thiện môi trường xanh sạch, không bị ô nhiễm, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng dân cư tại khu vực nông thôn…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam Nguyễn Mạnh Tú biểu dương, ghi nhận và đánh giá cao kết quả mà Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh đạt được trong 15 năm qua. Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam cũng yêu cầu từ nay đến năm 2020, Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Giang cần thực hiện thắng lợi mục tiêu nguồn vốn dư nợ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt từ 8-10%; đến năm 2020 dư nợ đạt trên 3.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ quá hạn dưới 0,3% tổng dư nợ; hàng năm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn từ 4-5%, tạo việc làm mới cho từ 2.000 đến 5.000 lao động. Đặc biệt, phấn đầu từ nay đến năm 2020, xây dựng Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Giang trở thành một Ngân hàng hiện đại, vừa làm tốt chức năng tín dụng ưu đãi của Nhà nước, vừa phát triển các dịch vụ tài chính đối với người nghèo, người có thu nhập thấp và các đối tượng chính sách khác.
Hội nghị cũng dành nhiều thời gian thảo luận, bàn các biện pháp hữu hiệu để triển khai thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến năm 2020
Thay mặt lãnh đạo tỉnh Hà Giang, đồng chí Hà Thị Minh Hạnh - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh Hà Giang nhấn mạnh: Để phát huy những kết quả đã đạt được, thực hiện thắng lợi chương trình giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đến năm 2020, Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng CSXH các cấp cần chủ động trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành cùng vào cuộc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Thị Minh Hạnh cũng đã trao tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 15 năm hoạt động Ngân hàng CSXH và thực hiện tín dụng trên địa bàn tỉnh Hà Giang./.