|
HĐND TP Hà Nội thông qua 11 nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội |
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 12,5% so với cùng kỳ
Nhận định về công tác kinh tế-xã hội của TP Hà Nội nửa đầu năm 2024, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đánh giá, Thành phố đã rất nỗ lực, cố gắng để thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, vượt qua những khó khăn gặp phải trong 6 tháng vừa qua.
Trước bối cảnh tình hình chính trị của thế giới vẫn còn nhiều biến động, Thành phố đã tích cực tập trung triển khai mạnh mẽ các biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Bức tranh kinh tế của Thủ đô có nhiều kết quả nổi bật và được đại biểu đánh giá cao. Trong đó, GRDP (tổng sản phẩm trên địa bàn) 6 tháng đầu năm ước tăng 6,0%; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện là 252.054 tỷ đồng, đạt 61,7% dự toán, tăng 12,5% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư phát triển xã hội ước đạt 208.784 tỷ đồng, tăng 9,55% - cao hơn so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 9,0%). Các ngành kinh tế thương mại, dịch vụ được duy trì tăng trưởng; du lịch được phục hồi với nhiều chỉ số tích cực…
Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến Hà Nội tăng 13,7%, trong đó khách quốc tế đạt 3,14 triệu lượt khách, tăng 52,6% so với cùng kỳ. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt hơn 1,1 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2023. Công tác quy hoạch, quản lý, chỉnh trang, phát triển đô thị được đẩy nhanh tiến độ và có nhiều kết quả tích cực. Phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay toàn bộ 18/18 huyện, thị xã và 382/382 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới.
Thành phố cũng tiếp tục triển khai nhiều dự án, công trình quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế giai đoạn 2021-2025. Đặc biệt là nỗ lực của hệ thống chính trị Thành phố trong việc tập trung thực hiện giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện Dự án Đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - vùng Thủ đô.
Công tác cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật kỷ cương của các cơ quan nhà nước thuộc Thành phố có những chuyển biến tích cực. Việc tổ chức sắp xếp, tinh giản biên chế tại các cơ quan, đơn vị cơ bản đã triển khai có hiệu quả. Văn hóa - xã hội được quan tâm, an sinh xã hội được đảm bảo; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, quốc phòng được giữ vững.
Trong 6 tháng đầu năm, Thành phố đã quan tâm đến triển khai thực hiện công tác quy hoạch, phát triển hạ tầng giao thông và hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội…; tích cực xây dựng và phối hợp các bộ, ban, ngành Trung ương tiếp thu, hoàn thiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 trình Quốc hội cho ý kiến.
Đặc biệt, sau khi Luật Thủ đô (sửa đổi) được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 với tỷ lệ đồng thuận cao, cán bộ, đảng viên và nhân dân phấn khởi, đánh giá cao việc Hà Nội đã chủ động xây dựng Luật. Với các quy định phân cấp, phân quyền "mạnh", đây là các căn cứ pháp lý rất quan trọng để Hà Nội thực hiện thuận lợi các nhiệm vụ, kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển, tạo cơ chế đột phá, huy động tối đa nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Gắn trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công với các sở chuyên ngành
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, công tác kinh tế-xã hội TP Hà Nội vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Đó là, những vấn đề về giải phóng mặt bằng, về tái định cư, về cơ chế bồi thường đối với người dân khi hoàn thiện bước cuối cùng của các dự án đường vành đai; thu ngân sách từ đất còn khó khăn; hoạt động của doanh nghiệp còn khó khăn khi tỷ lệ doanh nghiệp ngừng hoạt động tăng; giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội rất chậm; triển khai công tác tái định cư, xây dựng nhà ở xã hội chậm…
|
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu thảo luận tại tổ vào Kỳ họp thứ 17 HĐND Thành phố Hà Nội |
Trước tình trạng giải phóng mặt bằng, tái định cư, cơ chế bồi thường còn gặp nhiều khó khăn, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến cho biết, theo quyết định của UBND TP Hà Nội, đối với các quận, không còn tái định cư bằng đất, chỉ có tái định cư bằng nhà, nhưng quỹ nhà ở hiện nay xét thấy không tương thích với nơi ở cũ của người dân, cũng rất khó vận động người dân di dời hoàn trả mặt bằng. Vì vậy, đồng chí kiến nghị với UBND TP sớm sửa đổi quyết định về cơ chế đền bù tái định cư để giải quyết vấn đề này.
Ngoài ra, một số chỉ tiêu có tác động tới kinh tế - xã hội Thành phố còn thấp như: Chỉ số GRDP, thu nhập bình quân trên đầu người, vốn duy động xã hội, tỷ trọng kinh tế số trong GRDP, tốc độ tăng năng suất lao động... Trong đó có một số chỉ tiêu khó đạt nếu không nỗ lực như chỉ tiêu nước sạch đô thị, tỷ lệ đất đô thị; chỉ tiêu như xử lý nước thải.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân, để tiếp tục duy trì tăng trưởng của Hà Nội thì vấn đề rất quan trọng là đầu tư công. Năm 2024 vốn đầu tư công cao hơn năm trước 72%; tỷ lệ chung về giải ngân cao nhưng thấp hơn bình quân chung của cả nước. Cùng với đó hiện còn 180 dự án từ năm 2021 đến nay đã phê duyệt nhưng chưa phê duyệt dự án, số vốn đọng rất lớn... Giải pháp để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là gắn trách nhiệm không chỉ của quận, huyện, chủ đầu tư mà còn gắn với trách nhiệm của các sở chuyên ngành ở những nội dung công việc liên quan.
Cùng với đó, Thành phố cần có đề án tổng thể, tranh thủ nguồn lực về cơ chế, chính sách ngay từ bây giờ để khi Luật Thủ đô (sửa đổi) có hiệu lực (từ 1/1/2025), các chính sách có thể ngay lập tức đi vào cuộc sống. Công tác truyền thông về Luật cần thực hiện mạnh mẽ hơn để người dân Thủ đô hiểu và ủng hộ các cấp chính quyền trong triển khai thi hành Luật sau này.
Về việc thu ngân sách đạt cao, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Hà Nội Vũ Đức Bảo đề nghị cơ sở tăng thu ngân sách cần phải được làm rõ, vì thực tế số doanh nghiệp thành lập mới ít, số doanh nghiệp giảm cao. Đồng thời, cần tập trung bàn việc hỗ trợ doanh nghiệp, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động để bảo đảm an ninh trật tự xã hội. Đại biểu Vũ Đức Bảo cũng đề nghị Thành phố tập trung biện pháp kích thích đấu giá sử dụng đất...
Phục hồi sản xuất kinh doanh trong tình hình kinh tế - xã hội diễn biến phức tạp
|
Thủ đô Hà Nội tập trung hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội |
Nhằm khắc phục những khó khăn còn tồn tại, tiếp thu những đề xuất của đại biểu, sáng 2/7, HĐND TP Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng và thu, chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2024 với tỷ lệ 87/87 đại biểu có mặt tán thành (chiếm 93,55% tổng số đại biểu HĐND).
Theo đó, Nghị quyết của HĐND TP Hà Nội tán thành đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán thu, chi ngân sách 6 tháng đầu năm và thông qua nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024 của TP Hà Nội như các báo cáo của UBND TP Hà Nội và các cơ quan trình HĐND TP Hà Nội.
HĐND TP Hà Nội lưu ý, 6 tháng cuối năm 2024, tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, các cấp, ngành, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô phấn đấu cao nhất để hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024, trọng tâm là tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Cùng với thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra từ đầu năm, HĐND TP Hà Nội nhấn mạnh 11 nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, đáng chú ý bảo đảm tăng trưởng ổn định kinh tế Thủ đô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới; tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; xây dựng cơ chế, chính sách tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí...
HĐND đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ chuẩn bị văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố khóa 18 nhiệm kỳ 2025 - 2030; công tác xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; Kế hoạch tài chính, ngân sách năm 2025 và 3 năm 2025 - 2027, Kế hoạch tài chính 5 năm 2026-2030; Kế hoạch đầu tư công năm 2025 và rà soát, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 đảm bảo chất lượng.
Cùng với đó, Nghị quyết cũng tán thành những nhiệm vụ, giải pháp về điều hành ngân sách nửa cuối năm 2024 do UBND TP trình. Đồng thời nhấn mạnh việc tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong tình hình kinh tế - xã hội thế giới dự báo trong 6 tháng cuối năm 2024 sẽ còn diễn biến phức tạp.
Để tổ chức thực hiện Nghị quyết, HĐND TP Hà Nội giao UBND TP triển khai thực hiện Nghị quyết; phân công rõ trách nhiệm các cơ quan triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2024 để hoàn thành mức cao nhất các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách năm 2024 theo Nghị quyết HĐND TP./.